Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 26-10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh; các ĐBQH: Chamaléa Thị Thủy, Nguyễn Văn Thuận.

Tại phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động. Kết thúc phiên thảo luận, trả lời phỏng vấn cơ quan báo chí, đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Việc nâng cấp Pháp lệnh Cảnh sát cơ động lên thành Luật Cảnh sát cơ động là cần thiết, là tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi để lực lượng Cảnh sát cơ động thực thi nhiệm vụ trong bối cảnh xuất hiện các loại tội phạm phi truyền thống. Đồng thời nhất trí với bố cục, nội dung của dự thảo. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, cần làm rõ và bổ sung một số nội dung sau: Tại Điều 2 khoản 1, cần chỉnh sửa, thay thế cụm từ “Công an nhân dân” thành cụm từ “Cảnh sát cơ động” nhằm đảm bảo phù hợp, thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Tại Điều 2 khoản 2, đề nghị chỉnh lý thành “Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động bao gồm: Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc biên chế của Cảnh sát cơ động” nhằm đảm bảo cách hiểu thống nhất vì không thể dùng cụm từ cần giải thích để giải thích cho chính nó (Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động bao gồm: Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát cơ động thuộc Công an nhân dân) là chưa chính xác.

Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh tại phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Tại Điều 18 khoản 1 dự thảo Luật quy định Cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam trong trường hợp cấp bách (chỉ loại trừ phương tiện, thiết bị của cơ quan ngoại giao, lãnh sự và tổ chức quốc tế là Cảnh sát cơ động không được huy động). Như vậy, có khả năng trong trường hợp cấp bách, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động được quyền huy động cả người, phương tiện, thiết bị của cơ quan, đơn vị quân đội. Về điều này, đại biểu Nguyễn Văn Thuận cho rằng là không phù hợp với Luật Quốc phòng; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Biên phòng Việt Nam quy định về việc quân đội chủ trì phối hợp với Công an nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở khu vực biên giới, trên biển.

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí.

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận đề nghị cân nhắc bổ sung một khoản quy định loại trừ việc Cảnh sát cơ động huy động người, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm trên phạm vi, địa bàn quản lý được giao, cơ quan, đơn vị quân đội có cơ sở thực hiện đúng quy định của pháp luật về chủ trì, phối hợp với Cảnh sát cơ động giải quyết vụ việc trong trường hợp cấp bách. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về phạm vi phối hợp để xác định rõ cơ chế phối hợp giữa Cảnh sát cơ động với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan và chính quyền địa phương nhằm xác định rõ nội dung nào Bộ Công an chủ trì, các Bộ, ngành, địa phương phối hợp; nội dung nào Bộ, ngành, địa phương chủ trì và Bộ Công an phối hợp.

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục làm việc và thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.