Tạo nhiều cơ hội giúp người khuyết tật hòa nhập

Qua 10 năm (2010-2020) thực hiện Luật Người khuyết tật (NKT), bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, công tác chăm lo NKT ở tỉnh ta đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho NKT nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 15.216 NKT, trong đó có 2.811 NKT đặc biệt nặng và 8.709 NKT nặng. Đa số NKT đều sống dựa vào người thân, gia đình và cộng đồng xã hội, bản thân họ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, cuộc sống. Để thực hiện tốt các hoạt động chăm sóc, trợ giúp, tạo điều kiện tốt nhất cho NKT hòa nhập và vươn lên trong cuộc sống, ngay sau khi Luật NKT áp dụng UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, tư pháp, bảo trợ xã hội... đối với NKT trên địa bàn. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh ta xây dựng, triển khai nhiều dự án, chương trình trợ giúp NKT với kinh phí trên 11,3 tỷ đồng. Tận dụng nguồn hỗ trợ trung ương, tỉnh xây dựng Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập, sửa chữa Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần và mở rộng Bệnh viện chuyên khoa Da liễu - Tâm thần. Qua đó, giúp NKT có thêm cơ sở phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe.

Hội Người mù tỉnh nỗ lực vận động, hỗ trợ đột xuất cho các hội viên.

Các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thành lập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội; tổ chức tư vấn, hướng dẫn NKT và gia đình đăng ký lập hồ sơ làm các thủ tục theo quy định. Đến nay, toàn tỉnh đã thẩm định, cấp giấy xác nhận khuyết tật cho 14.063 người. Qua đó, thực hiện trợ cấp thường xuyên cho những trường hợp là khuyết tật nặng, đặc biệt nặng theo quy định là 11.520 đối tượng; cấp phát miễn phí 11.520 thẻ bảo hiểm y tế. Công tác chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho NKT được thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Tại 65 xã, phường đều triển khai chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, quản lý và chăm sóc sức khỏe cho 6.351 NKT.

Với mục tiêu tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật, vào đầu năm học mới các địa phương nỗ lực huy động học sinh khuyết tật có khả năng tiếp cận giáo dục ra lớp. Đến nay, toàn tỉnh có 566 học sinh khuyết tật được tiếp nhận và tạo điều kiện học tập ở các cơ sở giáo dục. Các trường chú trọng trang bị cơ sở vật chất, tạo cơ hội và điều kiện cho trẻ khuyết tật được tham gia các hoạt động hòa nhập với cộng đồng như miễn giảm học phí, cung cấp phương tiện, tài liệu, sách vở, đồ dùng học tập ngay từ đầu năm học... Ngoài quyền lợi được hưởng theo Luật NKT, học sinh khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được nhiều tấm lòng vàng quan tâm, hỗ trợ học bổng giúp các em hòa nhập tại lớp học tốt hơn.

Để động viên NKT phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập với cộng đồng, các địa phương trong tỉnh thực hiện Đề án Dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó lồng ghép dạy nghề cho NKT. Hằng năm, các địa phương đều tuyên truyền, vận động NKT trong độ tuổi lao động lựa chọn đăng ký học những nghề phù hợp. Qua đó, từ năm 2010 đến nay, có 209 NKT được hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí, trong đó có 30 người mù có việc làm ổn định tại 5 cơ sở massage. Ngoài việc thụ hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, NKT trên địa bàn luôn nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Đơn cử như Hội Người mù tỉnh từ đầu năm đến nay đã vận động 357 triệu đồng hỗ trợ cho 879 hội viên. Cùng với hỗ trợ về vật chất, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dành cho NKT cũng được duy trì,... tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp NKT hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần, tiếp sức cho họ vượt qua mặc cảm. Nhờ sự quan tâm chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự nỗ lực của bản thân, nhiều NKT đã trở thành những tấm gương sáng truyền cảm hứng trong cộng đồng về nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Tiêu biểu như em Nguyễn Phan Thảo Nguyên, ở thôn Phước An 2, xã Phước Vinh (Ninh Phước) dù liệt 2 chân nhưng vẫn nỗ lực học tập tốt, hay tinh thần vượt khó của anh Đào Văn Chánh, thôn Núi Ngỗng, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) không vì khiếm khuyết của bản thân mà trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội, anh tự bươn chải mưu sinh bằng nghề buôn bán ve chai, giúp gia đình có thêm thu nhập.

Để chăm lo tốt hơn cho NKT, thời gian tới, các ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của NKT với những hoạt động thiết thực, giúp họ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tự tin, tự lực vươn lên trong cuộc sống.