Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm: Từng bước khôi phục đà tăng trưởng

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng kết thúc 9 tháng, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm vẫn đạt được một số kết quả nhất định. Tổng giá trị sản xuất các ngành đạt hơn 11.503 tỷ đồng, đạt 63,66%, tăng 2% so với cùng kỳ.

Đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của thành phố trong 9 tháng năm 2021 trước hết phải kể đến ngành công nghiệp - xây dựng. Dù đối mặt với nhiều khó khăn của dịch COVID-19, nhưng các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn vẫn nỗ lực duy trì hoạt động và đạt được kết quả khích lệ. Trong đó, các sản phẩm của ngành Công nghiệp như: Điện thương phẩm tăng 3,4%; chế biến thủy sản đạt 6.150 tấn các loại, tăng 35%; đường thương phẩm đạt 7.326 tấn, tăng 68,7%. Đối với ngành xây dựng, giá trị sản xuất ước đạt 2.245,7 tỷ đồng, tăng 7,5% so cùng kỳ, tập trung vào các dự án, công trình cơ sở hạ tầng và nhu cầu xây dựng nhà ở của Nhân dân.

Trong 9 tháng, thành phố cũng đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, với tổng nguồn vốn gần 65 tỷ đồng, đạt 61,1% kế hoạch. Đã thẩm tra quyết toán 17 công trình, trong đó 3 công trình thuộc vốn đầu tư công, với tổng giá trị gần 46 tỷ đồng; thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu 57 công trình, tổng giá trị gần 80 tỷ đồng. Các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho DN nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn được đẩy mạnh. Thành phố đã cấp mới, bổ sung nội dung và cấp lại 1.147 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, với tổng vốn kinh doanh 192,464 tỷ đồng, đóng góp quan trọng duy trì, tạo động lực cho phát triển kinh tế của địa phương.

Diện mạo Tp. Phan Rang - Tháp Chàm ngày càng phát triển. Ảnh: B.H

Lĩnh vực thương mại - dịch vụ được xem là ngành mũi nhọn, tuy nhiên, do thời gian qua thành phố phải áp dụng nhiều giải pháp giãn cách xã hội, nhất là Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để ứng phó với dịch COVID-19 buộc nhiều DN, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng; trong đó các DN, cơ sở kinh doanh lĩnh vực dịch vụ, du lịch, vận tải, lưu trú, nhà hàng... gần như ngừng hoạt động làm giảm doanh thu, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập, đời sống của người dân cũng như sự phát triển thương mại - dịch vụ.

Để khôi phục đà tăng trưởng, thành phố đã kịp thời chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện kịp thời, hiệu qủa chính sách của Chính phủ, của tỉnh; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tạo mọi điều kiện để các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này duy trì hoạt động, ổn định sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 13.914 tỷ đồng, giảm 3,8% so cùng kỳ. Dù chưa đạt được kỳ vọng, nhưng việc duy trì hoạt động cũng đã góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Tổng thu ngân sách nhà nước trong 9 tháng là 464 tỷ đồng, đạt 80,5% kế hoạch.

Dự báo trong thời gian tới dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, do đó thành phố xác định tập trung vào công tác phòng, chống dịch, giữ vững và mở rộng “vùng xanh”; đồng thời từng bước khôi phục sản xuất, duy trì ổn định phát triển kinh tế. Để thực hiện đạt “mục tiêu kép” này, UBND thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, địa phương quán triệt, thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch thích ứng với điều kiện thực tiễn trong tình hình mới để khôi phục phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung khoanh vùng, kiểm soát, thực hiện xét nghiệm, tầm soát định kỳ, thường xuyên trên diện rộng, mục tiêu là nhanh chóng phát hiện các ca nhiễm để dập dịch, không để lây lan rộng trong cộng đồng. Trước mắt, tiếp tục tập trung, ưu tiên nguồn lực khống chế, xử lý triệt để các ổ dịch trên địa bàn, nhất là ổ dịch tại phường Đông Hải.

Chủ động rà soát, mở rộng các khu cách ly tập trung không để bị động, bất ngờ đối với các tình huống người dân từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về địa phương. Tổ chức tốt công tác tiêm vắc xin, quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải hàng hóa, xe luồng xanh, hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp, các công trình xây dựng..., đảm bảo đủ các điều kiện an toàn phòng, chống dịch. Chỉ đạo UBND các phường, xã đẩy mạnh phong trào, nâng cao ý thức cho Nhân dân xây dựng và bảo vệ “vùng xanh”, bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả.

Trong phát triển kinh tế, thành phố tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN phục hồi sản xuất; kêu gọi, thu hút đầu tư các lĩnh vực có thế mạnh; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, thành phố và giải ngân vốn đầu tư công. Phối hợp thực hiện quản lý kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định của Nhà nước về giá cả thị trường kinh doanh hàng hóa thiết yếu, các mặt hàng bình ổn, phục vụ hàng hóa trong dịp Tết sắp đến. Thực hiện hiệu quả công tác thu - chi ngân sách nhà nước đúng theo quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả...

Bên cạnh đó, thành phố còn thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách an sinh xã hội, nhất là tiếp tục thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai thực hiện công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới; đẩy mạnh công tác giảm nghèo; tư vấn, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động..., hỗ trợ người dân ổn định đời sống trong hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19.