Hội thảo Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch COVID-19

Ngày 13-10, Hội đồng lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo trực tuyến “Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch COVID-19: Khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương”.Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội thảo. Dự hội thảo tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tại hội thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023. Với mục tiêu phục hồi kinh tế - xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19; góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 là 6,5-7%. Phấn đấu hết quý I-2022 khoảng 80% dân số được tiêm mũi 2 vắc xin COVID-19; tập trung đầu tư, nâng cao năng lực, khả năng, tự chủ của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Qua đó, tạo tính chủ động cho doanh nghiệp vừa phòng, chống và thích ứng với dịch bệnh vừa duy trì hoạt động sản xuất. Góp phần đảm bảo an ninh, an toàn, an dân; nâng cao an sinh, phúc lợi xã hội, chất lượng y tế, sức khỏe tinh thần cho người dân, người lao động. Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp, người dân, người lao động để sớm phục hồi sau đại dịch. Chính sách có thể được áp dụng ngay từ năm 2022, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, các kế hoạch 5 năm về kinh tế-xã hội, tài chính công, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực. Thực hiện trong giai đoạn 2022-2023, đủ dài để tạo cơ sở phục hồi mạnh mẽ, vững chắc cho nền kinh tế.

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội thảo tại điểm cầu tỉnh ta.

Các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp chủ động, thích ứng an toàn với dịch COVID-19 và duy trì, phát triển sản xuất. Đồng thời, đưa ra các thời điểm, lộ trình cụ thể để các địa phương áp dụng vào thực tế hiệu quả.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thủ tướng Chính Phủ đánh giá cao sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và sự hưởng ứng của Nhân dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua. Đến nay, tình hình dịch bệnh cơ bản kiểm soát với số ca mắc, ca tử vong giảm dần. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, song cũng phải xem xét để mở cửa có lộ trình nhằm khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, cần chuyển từ mục tiêu không có dịch COVID-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Trong đó, vắc xin là yếu tố chiến lược trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Các địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục tiêm đủ 2 liều vắc xin cho người dân và người lao động, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5k, áp dụng công nghệ, đẩy mạnh tuyên truyền trong phòng, chống dịch; nâng cao năng lực y tế từ Trung ương đến địa phương, nhất là y tế cơ sở, giúp người dân tiếp cận y tế nhanh nhất để chăm sóc sức khỏe, qua đó kiểm soát chặt rủi ro; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ đảm bảo nguồn lực thực thi chính sách và có giám sát, kiểm tra kết quả thực hiện; kiểm soát, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự xã hội bằng pháp luật. Đối với các doanh nghiệp cần tăng tổng cung và cầu để sản xuất phát triển, khôi phục thị trường lao động, giảm chi phí đầu vào và mở rộng thị trường để khôi phục nền kinh tế; tập trung công tác an sinh xã hội, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; đây là cơ hội để quản lý thách thức, cải cách thể chế, chuyển đổi số, năng lượng xanh sạch, góp phần chống biến đổi khí hậu, sớm phục hồi phát triển nền kinh tế nước nhà.