Nâng cao vị thế doanh nghiệp, doanh nhân Ninh Thuận

Mặc dù trong điều kiện chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực để thích ứng, vượt qua khó khăn duy trì sản xuất, giải quyết việc làm, đóng góp vào thu ngân sách và sự tăng trưởng, phát triển của tỉnh nhà.

Gần 2 năm kể từ đợt dịch COVID-19 bùng phát, kéo dài đến nay đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) trên địa bàn tỉnh. Một số lĩnh vực sản xuất thiếu lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu, vật liệu đầu vào, gây đình trệ hoạt động SXKD; một số DN phải thu hẹp SXKD hoặc tạm thời đóng cửa. Tuy nhiên, với tinh thần năng động, sáng tạo, vượt khó, các DN đã nỗ lực tìm mọi cách để thích ứng, duy trì hoạt động bảo đảm việc làm cho người lao động và quyết tâm vượt qua khủng hoảng, tạo hướng phát triển ổn định, bền vững và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh.

Công ty TNHH May Tiến Thuận duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh
trong đại dịch COVID-19. Ảnh: P.B

Đơn cử như Công ty TNHH Thông Thuận Ninh Thuận, để phòng, chống dịch COVID-19 gắn với duy trì sản xuất, DN đã giảm 50% trên tổng số 1.600 lao động đảm bảo giãn cách và thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K + vắc xin”. Chính vì vậy, DN đã duy trì chuỗi sản xuất an toàn và không để đứt gãy các hợp đồng xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, doanh thu đạt trên 1.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 60 triệu USD. Hay tại công trình trọng điểm Cảng biển tổng hợp Cà Ná, Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Trung Nam Cà Ná đã thực hiện nghiêm “3 tại chỗ” đối với gần 400 kỹ sư, công nhân tại công trường. Với nỗ lực tổ chức thi công cả ngày lẫn đêm gắn với an toàn phòng, chống dịch đến nay dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná đã hoàn thành được trên 80% khối lượng công việc. Theo ông Trần Đức Xuyên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam, hiện các đơn vị nhà thầu đang tập trung thi công, hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để hoàn thành đưa vào vận hành kỹ thuật bến cảng 1A vào cuối năm 2021 theo đúng tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, nhiều DN thực hiện dự án điện gió đã chủ động phương án thi công, nhập thiết bị, đón chuyên gia nước ngoài, thực hiện nghiêm nguyên tắc phòng dịch “một cung đường, hai điểm đến” để đẩy nhanh tiến độ giai đoạn nước rút, đưa các dự án hoàn thành, kịp nối lưới trước thời hạn ngày 30-10 để hưởng giá bán điện ưu đãi của Chính phủ...

Không chỉ kịp thời thích nghi đứng vững, vươn lên, trong đại dịch nhiều DN, doanh nhân đã ủng hộ hàng chục tỷ đồng, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và chăm lo cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong 9 tháng qua, có 180 DN giải thể, tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên ở chiều ngược lại cũng có 272 DN thành lập mới, 3.739 DN đang duy trì hoạt động. Điều này cho thấy, đa số DN đã tìm được hướng đi để tồn tại trong khó khăn và đứng vững. Ngoài việc góp phần giải quyết việc làm cho trên 28.300 lao động, chiếm 35,8% lực lượng lao động trong các cơ sở kinh tế, hằng năm các DN còn đóng góp trên 77% tổng thu ngân sách nội địa cho tỉnh, chiếm gần 47% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và hơn 20% tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP). Tính đến nay, đội ngũ doanh nhân tỉnh Ninh Thuận hiện có trên 3.500 người (chỉ tính doanh nhân là người đứng đầu DN). Sự trưởng thành và từng bước lớn mạnh của đội ngũ DN, doanh nhân trong tỉnh đã góp phần vào sự phát triển KT-XH của tỉnh. Cụ thể, qua 9 tháng năm 2021, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng tình hình KT-XH của tỉnh tiếp tục duy trì ổn định, một số lĩnh vực có chuyển biến tích cực, GRDP ước đạt trên 16.500 tỷ đồng, tăng 9,45% so với cùng kỳ, thuộc tốp 5 các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước; thu ngân sách ước đạt 3.319 tỷ đồng, bằng 85,1% kế hoạch năm.

Cảng tổng hợp Cà Ná đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Ảnh: Phan Bình

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-12-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã đề ra mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân Ninh Thuận từng bước lớn mạnh về số lượng và nâng cao chất lượng, có đủ trình độ, năng lực hoạt động có hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh; từng bước hình thành các DN, doanh nhân lớn, đầu đàn của tỉnh. Phấn đấu tốc độ phát triển DN mới hằng năm đạt 11-12%; đến năm 2025 có trên 7.000 DN hoạt động; đóng góp tỷ trọng khu vực DN đến năm 2025 khoảng 35-40% GRDP của tỉnh. Số lao động đăng ký trong các DN thành lập mới giai đoạn 2021-2025 khoảng 55.000-60.000 lao động.

Với mục tiêu đó, các nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm của tỉnh đối với phát triển DN tỉnh nhà, đó là: Tiếp tục tạo cơ chế, chính sách về hỗ trợ cho phát triển DN phù hợp với tình hình thực tế, tạo môi trường thông thoáng cho DN, doanh nhân phát triển; vận dụng cơ chế, chính sách của Chính phủ để hỗ trợ DN về tài chính, mặt bằng sản xuất, tiếp cận đất đai, đổi mới nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật, liên kết, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa; phát triển nguồn nhân lực. Tiếp tục hướng dẫn hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật DN. Vận động đội ngũ doanh nhân gương mẫu chấp hành, thực hiện tốt các quy định của pháp luật; tăng cường gặp gỡ, đối thoại, nắm bắt thông tin để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN; nâng cao vai trò của DN, doanh nhân, nhất là tham gia vào xây dựng, triển khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh.