Chủ tịch Hồ Chí Minh một tư tưởng lớn, một tấm gương đạo đức sáng ngời

(NTO) Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà cách mạng lỗi lạc, danh nhân văn hoá thế giới. Nói đến Người, ta cảm nhận được một tư tưởng lớn, một tấm gương đạo đức rạng ngời của bậc vĩ nhân. Nhân kỷ niệm 121 năm ngày sinh của vị cha già dân tộc, là dịp để chúng ta hiểu sâu sắc hơn những giá trị đạo đức cao đẹp của Bác.

Từ chiếc máy đánh chữ này của Hồ Chủ tịch đã ra đời nhiều văn kiện
quan hệ đến vận mệnh của Tổ quốc.

Nền tảng tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam đã được hình thành trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, cùng với sự kế thừa đạo đức phương Đông, hoà nhập với những tinh hoa đạo đức của nhân loại mà Người đã chọn lọc trong suốt chặng đường dài bôn ba khắp bốn bể, năm châu. Trong suốt cuộc đời hoạt động để tìm ra con đường đi đúng đắn cho dân, cho nước và sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh coi đạo đức là nền tảng của cách mạng cũng như gốc của cây, nguồn của sông, của suối. Người vẫn thường nói “ Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng”. Bởi vì muốn làm cách mạng thì con người trước hết phải có cái tâm trong sáng, cái đức cao đẹp đối với giai cấp công nhân, đối với dân tộc mình. Cái tâm, cái đức ấy thể hiện trong các mối quan hệ hàng ngày với dân, với nước, với đồng chí, đồng nghiệp, với mọi người xung quanh mình. Những vấn đề đạo đức được Người xem xét trên mọi lĩnh vực (tư đến công, sinh hoạt, học tập, lao động, chiến đấu, lãnh đạo, quản lý…); trên mọi phạm vi, trong các mối quan hệ. Những phẩm chất đạo đức Người nêu ra phù hợp với từng đối tượng, được nhấn mạnh ở mặt này hay mặt khác đều nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ nhất định.

Từ phẩm chất cao đẹp vốn có trong tâm hồn Hồ Chí Minh và thực tế của cuộc đời cách mạng, đã giúp Người đúc kết thành tư tưởng chân lý về đạo đức mang tầm cỡ lớn lao. Chân lý tư tưởng về đạo đức ấy cũng đã được người thể hiện bằng những việc làm cụ thể, gần gũi mà chúng ta có thể nhìn, thấy, cảm nhận, học tập và làm theo.

Một trong những quan điểm trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phẩm chất của người Việt Nam trong thời đại mới là “Trung với nước, hiếu với dân”. Trên thực tế, việc làm suốt cuộc đời của Người đều dành cho dân, cho nước. Sinh thời trong cảnh nước mất nhà tan, nhân dân ta làm nô lệ cho kẻ thù mà lòng Người canh cánh nỗi đau. Từ hai bàn tay trắng, Người vựơt trùng dương tự lao động kiếm sống để tìm đường cứu nước, cứu dân. Dù cho thân phận là người phụ bếp ở Pa-ri nước Pháp, người công nhân quét tuyết ở Luân Đôn nước Anh… thì Người cũng chỉ cố tìm cho ra lời lý giải : Vì sao nhân dân ta lại lầm than, khổ cực? Biết bao lần phải trốn chạy sự vây ráp của quân thù nơi đất khách, Người vẫn không lùi bước trước nguyện ước lớn lao: Tìm cho ra con đường giành được độc lập cho đất nước, tự do cho nhân dân. Mấy chục năm trời, Người đã đặt chân khắp năm châu, bốn biển, vậy mà khi vừa đặt chân lên biên giới Tổ quốc, Người đã hôn lên đất mẹ. Và cả cuộc đời Người tận tụy, hy sinh quên đi bản thân mình để bảo vệ mảnh đất ấy, cũng là để phụng sự cuộc sống bao con người trên mảnh đất ấy, cho đất nước ta được độc lập, nhân dân ta được tự do.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra rằng, người có đạo đức cách mạng là phải biết “Yêu thương con người”, thì cuộc đời Người chính là tấm gương sáng ngời về một tình yêu thương bao la, sâu thẳm. Trước hết, là tình yêu thương Bác dành cho những người bị áp bức, bóc lột đã trở thành ước vọng, khát khao, hoài bão trong tâm tưởng: “Tôi chỉ có một mong muốn, mong muốn tột bậc là đất nước ta được độc lập, nhân dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Dù có bận trăm công ngàn việc, Người vẫn dành thời gian quan tâm đến mọi tầng lớp nhân dân, mọi giới, mọi ngành trên khắp đất nước. Chính bàn tay Người đã tắm rửa, xức thuốc ghẻ cho một cháu bé. Chính tay Người đã biếu tấm lụa cho một cụ già. Người thương đoàn dân công mà suốt đêm không ngủ. Người thương đồng bào miền Nam mà đến khi nhắm mắt vẫn day dứt không nguôi. Người đã dành thời gian đến với các đơn vị bộ đội, đến với những công trường, bệnh viện, trường học, cơ quan, hợp tác xã…Tất cả những ai được sống bên Bác Hồ đều nhận được ở Bác tình yêu thương gần gũi như được sống bên vị cha già, đều được Bác quan tâm giáo dục. Bác luôn nghiêm khắc, chặt chẽ với mình nhưng lại rộng rãi, độ lượng với người khác. Tư tưởng của Người, một tư tưởng lớn; tình yêu của Người, một tình yêu cao cả nhưng việc làm yêu thương, sự quan tâm của Người lại thật giản dị, gần gũi biết bao giữa đời thường.

Có thể nói, tất cả những quan điểm về đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí minh nêu ra để giáo dục mọi người thì chính bản thân Bác đã thực hiện một cách nghiêm túc và đầy đủ nhất. Nếu một trong những nguyên tắc để xây dựng đạo đức mới Người nêu trong lý luận là “Nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức” thì thực tế, điều Người nói ít hơn rất nhiều những việc Người đã làm. Thậm chí có những vấn đề về đạo đức ta chỉ nhìn thấy Người làm mà chưa bao giờ thấy Người nói. Bác Hồ là vậy. Tấm gương sáng ta thấy ở Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là nói ít làm nhiều, lời nói đạo đức phải thể hiện bằng việc làm cụ thể, có đạo đức.

Tên Người - Hồ Chí Minh đã làm rạng rỡ non sông đất nước ta. Tất cả chúng ta, những cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân Việt Nam luôn kính yêu và biết ơn Người. Tư tưởng, những lời dạy và tấm gương đạo đức ngời sáng của Người sẽ mãi toả sáng và trường tồn cùng đất nước để lớp lớp thế hệ người Việt Nam ghi nhớ, học tập và làm theo.