Những “chiến sĩ áo trắng” hỗ trợ vùng tâm dịch

Thực hiện lời kêu gọi của Bộ Y tế, với tinh thần xung kích, tình nguyện hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương phòng, chống dịch, tỉnh ta đã có 40 cán bộ y tế là thầy thuốc trẻ xung phong lên đường với quyết tâm cao, chung sức đồng lòng cùng cả nước phòng, chống dịch COVID-19.

Bác sĩ Lê Vũ Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết: Tất cả các tình nguyện viên đều đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, đủ điều kiện về sức khỏe, đã được tham gia các khóa học, đào tạo về hồi sức cấp cứu và có chuyên môn trong công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19, nên tham gia hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch COVID-19 rất tốt.

Y sĩ Lê Văn Đống cùng các thầy thuốc trẻ tỉnh nhà điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Quận 4 (TP. Hồ Chí Minh).

Tất cả lên đường với một ý chí, niềm tin sớm khống chế và đẩy lùi dịch bệnh. Họ lên đường làm nhiệm vụ không chỉ với trách nhiệm của người thầy thuốc mà còn vì “mệnh lệnh từ trái tim”. Đoàn thầy thuốc trẻ tỉnh có 4 bác sĩ, 2 y sĩ, 10 điều dưỡng, 4 kỹ thuật viên của các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thành phố trong tỉnh lên đường vào Nam tăng cường chống dịch từ ngày 24-8, chính thức nhận nhiệm vụ tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận 4 (TP. Hồ Chí Minh). Đây là bệnh viện tiếp nhận các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng và người cao tuổi.

Trao đổi với chúng tôi qua Zalo, bác sĩ Quãng Duy Thanh, công tác tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Đây là khoa có bệnh nhân đông và tình trạng bệnh nặng. Với lực lượng 20 người và phải thực hiện theo ca trực, có những ngày ca trực gần kề nhau, dẫn đến các y, bác sĩ không kịp thời hồi phục sức khỏe. Dẫu biết khó khăn và khả năng còn có thể bị nhiễm bệnh nhưng chúng tôi không thể đứng ngoài.

Khác với những lần phát động cả nước hỗ trợ các tỉnh có dịch, lần này thầy thuốc trẻ tỉnh ta lên đường tham gia phòng, chống dịch tại tỉnh bạn khi tỉnh nhà cũng đang có nhiều ca bệnh phức tạp. Gác lại những lo lắng cho gia đình, quê hương, tất cả các y, bác sĩ trẻ xuất phát đều mang một quyết tâm cao. Trong đoàn chi viện tại TP. Hồ Chí Minh lần này có 6 bạn nữ đều khá trẻ, nghe qua giọng nói có thể biết được sự mạnh mẽ, quyết tâm cao độ đúng với tinh thần của người thầy thuốc trẻ. Điều dưỡng Mai Thị Soát, công tác tại Khoa Khám bệnh, Trung tâm Y tế huyện Bác Ái tâm sự: Đây là lần đầu tiên em làm việc xa nhà và lâu như vậy, có những lúc khi đối diện với hoàn cảnh dịch bệnh căng thẳng, nhưng chúng em quyết tâm cùng đoàn thầy thuốc trẻ tỉnh ta đóng góp công sức của mình cùng đội ngũ nhân viên y tế chống dịch cho đến khi hết dịch mới về.

Đoàn Thầy thuốc trẻ tỉnh nhà tặng quà cho 3 cháu có mẹ tử vong do dịch COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 4, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.

Anh Lê Văn Đạm, cử nhân xét nghiệm đang công tác tại Bệnh viện Da liễu và Tâm thần tỉnh, Trưởng đoàn chi viện cho tỉnh Bình Dương chia sẻ: Kể từ ngày lên đường vào Bình Dương chống dịch, bác sĩ gần như không có thời gian để quan tâm hôm nay là ngày thứ mấy trong viện. Điều thường trực và quan tâm nhất của các thành viên là có bao nhiêu bệnh nhân được xuất viện, thêm bao nhiêu người nhập viện và làm thế nào để chăm sóc bệnh nhân được tốt nhất. Anh Đạm, chia sẻ thêm: Trước khi đi tôi cũng biết tình hình dịch bệnh rất phức tạp, nhưng vào đây mới thấy và hiểu được sự nguy hiểm và khốc liệt của nó. Hiện tại Bệnh viện dã chiến số 4, huyện Bàu Bàng (Bình Dương), nơi chúng tôi đang làm việc chỉ trong đợt 2 này đã tiếp nhận gần 900 bệnh nhân điều trị COVID-19. Trước đó, bệnh viện đã cho xuất viện khoảng 1.700 bệnh nhân, vì bệnh nhân không được phép có người thân ở cạnh chăm sóc, nên các y, bác sĩ ở đây còn giúp đỡ bệnh nhân vệ sinh cá nhân nên công việc thêm phần vất vả. Nhưng chúng tôi luôn động viên nhau nêu cao tinh thần trách nhiệm. Ngoài nhiệm vụ khám, chữa bệnh, chúng tôi còn quan tâm giúp đỡ những hoàn cảnh bệnh nhân khó khăn. Như mới đây tại bệnh viện có trường hợp mẹ tử vong vì COVID-19 để lại 3 đứa con nhỏ. Các y, bác sĩ trong đoàn đã vận động và giúp các cháu có phần quà để các cháu vượt qua giai đoạn khó khăn.

Những “chiến sĩ áo trắng” đã không quản ngại khó khăn, gian khổ để lên đường góp sức chống dịch. Đó không chỉ xuất phát từ tấm lòng y đức của người thầy thuốc mà còn là nhiệm vụ cao cả cùng chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà sẻ chia với các địa phương trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19. Bác sĩ Lê Văn Đổng, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh, cho biết: Mặc dù phải xa gia đình và làm việc dưới áp lực lớn, nhưng chúng ta tin rằng tinh thần chiến đấu với dịch bệnh của đội ngũ thầy thuốc trẻ, bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của tỉnh ở Bệnh viện Quận 4 và Bệnh viện dã chiến số 4 luôn hăng hái; tất cả đều đồng lòng, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh theo lời kêu gọi của Bộ Y tế.