Hồ Chí Minh- Người góp công mở đầu hiện đại hóa tiếng Việt

 Trong di sản ngôn ngữ của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Đường Cách mệnh, Sửa đổi lối làm việc,Thường thức chính trị thuộc số những tác phẩm là cột mốc đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam. Ngôn ngữ của những tác phẩm ấy còn ghi dấu những đóng góp của tác giả vào tiến trình “hiện đại hoá ngôn ngữ” toàn dân.

 Theo hướng nghiên cứu và học tập di sản ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS TS Bùi Khánh Thế Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP HCM đã so sánh 3 tác phẩm tiêu biểu của Người nhằm góp phần làm rõ công lao của Bác vào “sự mở đầu và quá trình hiện đại hóa ngôn ngữ và câu văn Việt Nam”.

Những tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, trong Hồ Chí Minh Toàn tập (xuất bản lần thứ 2, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000) được các cơ quan in riêng thành sách nhỏ, có 3 cuốn thuộc cùng một thể loại được chọn riêng để khảo sát, đó là: Đường Cách mệnh, Sửa đổi lối làm việc, Thường thức chính trị.

Cả ba tác phẩm trên đều có chung một tính chất là tài liệu huấn luyện. Đó là những sách giáo khoa về khoa học chính trị.

Đường Cách mệnh (cuốn này bản in năm 1927 viết là Đường Kách mệnh) gồm những bài giảng cho các lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu, Trung Quốc (1925- 1927), sau đó năm 1927 được Bộ Tuyên truyền Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ấn hành.

Sửa đổi lối làm việc được coi là văn kiện quan trọng về xây dựng Đảng. Cuốn này có ghi “viết xong tháng 10/1947”, được NXB Sự thật ấn hành lần đầu tiên năm 1948 và được đưa vào tập 5, Hồ Chí Minh toàn tập “theo sách xuất bản lần thứ 7, năm 1959”.

Thường thức chính trị gồm 50 bài viết đăng trên báo Cứu quốc năm 1953 và 1954 được NXB Sự thật tập hợp lại và in thành sách để cung cấp tài liệu học tập và tuyên truyền trong cán bộ và nhân dân.

Vì đối tượng của tài liệu học tập được xác định rõ ràng cũng như mục tiêu của việc học tập là rất cụ thể, nên các văn kiện này không chỉ phong phú và được nâng cao nhiều về mặt nội dung nhận thức, mà còn được trình bày với những ngôn từ được tinh lọc, tiết kiệm và dễ hiểu, thể hiện sự nghiêm khắc khi cần, nhưng luôn luôn tỏ rõ thái độ bao dung, chân tình.

Cùng một thể loại, ba tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh có một số đặc điểm chung về ngôn ngữ và đồng thời mỗi tác phẩm cũng có những đặc điểm riêng nhất định.

Đặc điểm chung về ngôn ngữ trong 3 tác phẩm này phản ánh hầu như tất cả những điều mà nhiều tác giả đã nhận xét khi viết về phong cách ngôn ngữ của Bác Hồ: “Cách diễn đạt giản đơn, sáng tỏ, dễ hiểu, dễ nhớ, có sức thuyết phục mạnh mẽ và sâu sắc” (Phạm Văn Đồng); "thể hiện tính quần chúng, sự phong phú, nhưng luôn luôn chọn cách thể hiện giản dị, dễ hiểu; “cốt cho nội dung tư tưởng tình cảm trong lời nói, câu văn có hiệu lực cao đối với nhận thức và hành động” của người nghe, người đọc (Hoàng Tuệ), đồng thời cũng “sáng tạo những từ ngữ mới, diễn đạt mới” khi cần (Nguyễn Kim Thản); tạo nên “các ngữ cảnh, văn cảnh mới mẻ khác nhau với những từ ngữ thông dụng” (Phạm Huy Thông)…

Chính nhờ vậy mà khi đọc ba tác phẩm này cũng như toàn bộ văn phẩm của Hồ Chí Minh, chúng ta cảm nhận rõ ràng tất cả đều “cao mà không xa, mới mà không lạ, lớn mà không làm ra vĩ đại, soi sáng mà không choáng ngợp”, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận định.

Để phù hợp với nội dung từng tác phẩm cũng như đối tượng mà tác phẩm hướng đến, mỗi tác phẩm lại có những đặc điểm riêng nhất định về mặt ngôn ngữ. Thể hiện rõ hơn cả là phong cách ngôn ngữ trình bày: dùng cách giới thiệu, giải thích và dùng cách hỏi – đáp.

Về mặt này Đường Cách mệnh thiên về cách hỏi – đáp, còn Sửa đổi lối làm việc trình bày các vấn đề chủ yếu theo cách giới thiệu, giải thích. Ví dụ, cuốn Đường Cách mệnh có tới 14/15 mục ghi dưới dạng nêu tên vấn đề sẽ được giới thiệu, chẳng hạn: cách mệnh, quốc tế…Tuy nhiên tất cả các tiểu mục trong từng mục đều được trình bày theo cách hỏi – đáp.

Sửa đổi lối làm việc cũng có 32 lần hỏi – đáp và 4 câu hỏi tu từ, như “Nhưng thử hỏi cán bộ và Đảng viên ta đã mấy người biết rõ lí luận và biết áp dụng, và chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa? Đã mấy người hiểu “biện chứng” là cái gì”?

Giữa cách trình bày trong hai tác phẩm vừa được đối chiếu thì cách trình bày trong Thường thức chính trị ở vào vị trí trung gian (vừa đặt câu hỏi, vừa theo cách trình bày).

 Thuộc số di sản ngôn ngữ mà Hồ Chí Minh để lại cho kho tàng tiếng Việt có một bộ phận quan trọng là các thuật ngữ thuộc những lĩnh vực khoa học khác nhau. Khảo sát 3 văn bản thuộc thể loại tài liệu giáo khoa và phổ biến khoa học này chúng ta có thể nhận ra hệ thống thuật ngữ thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội, đặc biệt là khoa học chính trị và triết học.

Ví dụ trong Thường thức chính trị có hàng trăm thuật ngữ chưa có trong Đường Cách mệnh, phần lớn những thuật ngữ đã hình thành trong tiếng Việt vào thời kì trong và sau Cách mạng tháng Tám 1945: tư liệu sản xuất, chế độ bóc lột, khủng hoảng kinh tế, tư bản độc quyền, tư bản mại bản…

Điều cần được nhấn mạnh là trong tác phẩm của Bác những thuật ngữ chính trị xã hội phần lớn là các kết hợp thuật ngữ vốn có để tạo nên những khái niệm có tác dụng mở rộng sự hiểu biết cho người đọc, người nghe.

Hướng đến đối tượng có ý thức giác ngộ chính trị và trình độ hiểu biết chính trị cao, Sửa đổi lối làm việc có tỉ lệ thuật ngữ được dùng nhiều hơn hẳn so với hai tác phẩm kia. Trung bình mỗi trang của cuốn này có khoảng từ 8-10 thuật ngữ.

Có những thuật ngữ Bác đặt thành câu hỏi để giải thích cặn kẽ cho cán bộ, đảng viên như: Biện chứng là cái gì?, Trí thức là gì? Có những thuật ngữ là từ ngữ có vẻ quen thuộc, nhưng trong văn bản cần được hiểu cụ thể trong mối quan hệ biện chứng với nhau hoặc phải được hiểu theo tinh thần một Đảng viên, một cán bộ muốn phấn đấu tự hoàn thiện bản thân để có thể trở thành “người cách mạng chân chính”.

Chẳng hạn Bác viết: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng học theo”. Bác cũng chỉ rõ: “Muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả… lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ… khuyết điểm sẽ ngày càng ít, mà những tính tốt… ngày càng nhiều thêm”. Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm có năm điều: “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”. Và tiếp theo Bác giải thích vắn tắt về năm đức tính ấy. Rồi Bác kết lại “Đó là đạo đức cách mạng”.

Trong các tác phẩm hướng đến đối tượng đông đảo hơn, Bác có cách hành văn gợi nhiều cách tư duy hình tượng, cụ thể, so sánh, gắn với cuộc sống đời thường.

Mở đầu Đường Cách mệnh Bác dùng hình ảnh từ một câu tục ngữ Trung Quốc mà cũng quen thuộc với người Việt: “Sư tử bắt thỏ tất dùng hết sức” để dẫn tới lời khuyên: “Huống gì làm việc to tát như việc giải phóng gông cùm nô lệ cho đồng bào, cho nhân dân, nếu không hết sức thì làm sao được”. Tiếp theo là hai câu tục ngữ Việt để nâng ý chí: “Người thấy khó thì ngã lòng” vì “không hiểu rằng nước chảy đá mòn và có công mài sắt có ngày nên kim”.

Giới thiệu về các cuộc cách mạng thế giới để người dân thường không chỉ biết được diễn biến của từng cuộc cách mạng và rút ra mặt hạn chế, mặt mạnh của mỗi cuộc cách mạng đó, không phải là dễ. Nhưng người trình bày đã giảng giải theo lối kể chuyện thông thường, dẫn chứng các con số, các sự kiện cụ thể và so sánh các mặt lợi hại để người đọc, người nghe tự rút ra kết luận. Đó cũng là cách Bác giới thiệu và giải thích về các tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể quần chúng cách mạng quốc tế.

Chuyển sang Thường thức chính trị, một tác phẩm gần cùng loại với Đường Cách mệnh nhưng nội dung được mở rộng, phong phú và đối tượng tiếp nhận có trình độ nhận thức chính trị được nâng cao hơn do hoàn cảnh lịch sử đất nước đã khác trước, nên cách trình bày cũng thay đổi.

Một vài tục ngữ, thành ngữ quen thuộc được dùng không phải để lấy một lẽ thường, chứng minh cho một lập luận trừu tượng, mà nhằm thay cho một động từ, một định ngữ hay trạng ngữ thường dùng để cho hành động, đặc tính trở nên linh hoạt, có hình ảnh hơn. Ví dụ: “Có một số người không lao động thì lại ngồi mát ăn bát vàng”…

Trình bày những vấn đề cơ bản mà mỗi người công dân của nước Việt Nam độc lập cần biết như chế độ chính trị, giai cấp, dân chủ tập trung, thành phần kinh tế và chính sách kinh tế… qua 50 bài viết trên báo vào thời điểm năm 1953, phong cách của Thường thức chính trị rất linh hoạt. Có những vấn đề còn được trình bày bằng cách giải đáp các câu hỏi, nhưng phần lớn đã được trình bày theo hình thức giảng giải, làm sáng tỏ trọn vẹn một vấn đề và đặt các vấn đề nối tiếp nhau thành một hệ thống chung.

Chẳng hạn đó là hệ thống các vấn đề về sự xâm lược của đế quốc Pháp, con đường giải phóng, động lực cách mạng, giai cấp lãnh đạo cách mạng, cách mạng và kháng chiến… Thực chất đây là loạt bài giảng về cách mạng Việt Nam, mang sắc thái của phong cách giáo khoa được trình bày phần lớn bằng các từ ngữ thường ngày mà người Việt Nam ở thời điểm lịch sử này đã khá quen thuộc.

Thực ra, cách diễn đạt những vấn đề chính trị phức tạp bằng lối nói giản dị, bình dân, theo phong cách giáo khoa của tác phẩm này chính là sự tiếp tục ở dạng phổ thông hơn phong cách ngôn từ đã từng thể hiện trong Sửa đổi lối làm việc. Bởi vì, tuy về mặt thể loại Thường thức chính trị gần với Đường Cách mệnh, nhưng về mặt thời gian lại được viết sau Sửa đổi lối làm việc và phát triển cũng như vận dụng cách trình bày sao cho thích hợp với đối tượng tiếp nhận tác phẩm.

 

Được viết và công bố sau Đường Cách mệnh gần 1/4 thế kỉ đã có rất nhiều thay đổi về mặt lịch sử - xã hội, số lượng thuật ngữ trong Sửa đổi lối làm việc gia tăng, phản ánh các sự kiện, các cách nhìn đối với những thay đổi, những sự kiện mới mẻ vốn là điều hợp quy luật. Đáng chú ý hơn là sự phát triển về mặt biện pháp sử dụng ngôn từ của chính tác giả qua các tác phẩm cùng thể loại. Đường Cách mệnh cũng như Sửa đổi lối làm việc đều có đề cập đến Đảng.

Trong Đường Kách mệnh, nghĩa của thuật ngữ "Đảng" được giải thích súc tích chỉ với mấy nghĩa tố sau đây: 1. Chức năng của tổ chức này trong nước và đối với mọi nơi khác; 2. Quan hệ hữu cơ giữa Đảng với cách mệnh; 3. Quan hệ giữa Đảng với chủ nghĩa, tức học thuyết chính trị của Đảng.

Từ Đảng được dùng 20 lần ở chương Lịch sử cách mệnh Nga với mục đích giới thiệu quá trình hình thành Đảng Cộng sản Nga và vai trò của Đảng này trong việc tổ chức, lãnh đạo thành công Cách mạng tháng Mười. Thuật ngữ Đảng còn được dùng 12 lần để giới thiệu các Quốc tế (Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam) và những tổ chức quần chúng có liên hệ.

Trong Sửa đổi lối làm việc người đọc không còn gặp những từ ngữ có cách dùng theo lối nói khẩu ngữ thông thường như dân tình “xục rục”, “chộn rộn” (tức biến động), “tước lục” (tước đoạt), “tước bác”/ “bác tước” (bóc lột), “giắc dai” (kéo dài)… mà nhiều cách dùng có sắc thái khẩu ngữ được thay bằng từ ngữ thuộc văn viết, mang tính thuật ngữ hơn. Chẳng hạn: “cách mệnh đến nơi” → cách mạng triệt để; “giựt lấy chính quyền” → giành chính quyền; “cơ quan sinh sản” → cơ sở sản xuất …

Nhiều tổ hợp từ gồm các thành tố cấu tạo gốc Hán trong Đường Cách mệnh dùng theo trật tự tiếng Hán, đến Sửa đổi lối làm việc đều chuyển sang kết cấu thuận cú pháp tiếng Việt: dân tộc cách mệnh → cách mạng dân tộc; thế giới cách mệnh → cách mạng thế giới; vô sản giai cấp → giai cấp vô sản; công đoàn chủ nghĩa → chủ nghĩa công đoàn; chính trị áp bức → áp bức về chính trị…

Phần lớn các chương trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc thực sự là những văn bản được trình bày theo phong cách giáo khoa, bàn về một vấn đề hoàn chỉnh: Tư cách và đạo đức cách mạng (III); Vấn đề cán bộ (IV); Cách lãnh đạo (V); Chống thói ba hoa (VI).

Trong di sản ngôn ngữ của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Đường Cách mệnh, Sửa đổi lối làm việc,Thường thức chính trị thuộc số những tác phẩm là cột mốc đánh dấu một sự kiện lịch sử hoặc một giai đoạn quan trọng trong quá trình đấu tranh cho nền độc lập dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam. Ngôn ngữ của những tác phẩm ấy một mặt cho thấy bước phát triển của tiếng Việt do phản ánh thực tế xã hội lúc bấy giờ và mặt khác còn ghi dấu những đóng góp của tác giả vào tiến trình “hiện đại hoá ngôn ngữ” toàn dân.

 

Nguồn www.chinhphu.vn