Nỗ lực khắc phục khó khăn, đảm bảo duy trì sản xuất nông nghiệp ổn định

Sản xuất nông nghiệp đang gặp khó, nhất là ảnh hưởng của dịch COVID-19 một số mặt hàng nông sản khó tiêu thụ; bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò gây thiệt hại cho các hộ chăn nuôi; giá thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp tăng ảnh hưởng đến việc đầu tư mở rộng sản xuất. Dù phải dồn dập chống chọi với những tác động khó lường, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì phát triển ổn định.

Tín hiệu vui đầu tiên đó là hoạt động hỗ trợ tháo gỡ điểm nghẽn đầu ra cho sản phẩm hành tím của nông dân xã Thanh Hải (Ninh Hải) thu được kết quả, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển. Hành tím vụ Nam vừa qua xã Thanh Hải có khoảng 2.000 tấn không tiêu thụ được. Trước thực trạng khó khăn, UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Ninh Hải phối hợp với ngành chức năng triển khai giải pháp hỗ trợ người dân tiêu thụ lượng sản phẩm tồn đọng, giúp nông dân giảm bớt khó khăn. Động thái tích cực là Sở Công Thương thực hiện Chương trình kết nối tiêu thụ hành tím cho nông dân; đồng thời, đề nghị các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Đắk Lắk... liên kết hợp tác vận động các tổ chức, cá nhân mua hành tím đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh. Sản lượng hành tím vụ Nam tiêu thụ hết tạo niềm tin phấn khởi cho nông dân tiếp tục sản xuất hành tím vụ Bấc.

Nông dân huyện Ninh Sơn thu hoạch lúa. Ảnh: VM

Đối với ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò cũng được xử lý dứt điểm, hạn chế tối đa thiệt hại cho hộ chăn nuôi. Ổ dịch phát hiện tại huyện Thuận Bắc vào tháng 6, sau đó lan ra trên địa bàn 7 huyện, thành phố, đến cuối tháng 8 có 3.916 con bị nhiễm. Với quyết tâm dập dịch cao, UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí hơn 4,1 tỷ đồng cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh; đồng thời, chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiêu độc khử trùng chuồng trại, ngành Thú y tiêm vắc xin phòng dịch cho 22.108 con trâu, bò.

Trong khó khăn ngành Nông nghiệp có bứt phá mới, điểm sáng là triển khai nhân rộng các mô hình chuyển giao khoa học và kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu tư. Đáng kể là Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ triển khai xây dựng mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ cao tại xã Nhị Hà (Thuận Nam) và xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn); mô hình phối tinh giống cừu Dorper; mô hình phối tinh nhân tạo giống bò BBB với bò Bradman.

Đến thời điểm hiện nay, nông dân trên toàn tỉnh đang tập trung thu hoạch lúa vụ hè - thu. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, một số địa phương thiết lập vùng phong tỏa khu vực cách ly. Để giúp bà con yên tâm chấp hành thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đảm nhận khâu dịch vụ gặt lúa, tránh tập trung đông người ngoài đồng ruộng. Vụ hè - thu năm 2021 toàn tỉnh sản xuất 13.194 ha lúa, các HTX huy động máy gặt dứt điểm từng xứ đồng, phấn đấu đến giữa tháng 9 thu hoạch xong để kịp triển khai sản xuất vụ Mùa đúng theo khung lịch thời vụ. HTX cũng đã thực hiện có hiệu quả mô hình liên kết theo chuỗi giá trị lúa thương phẩm, làm trung gian ký kết với các doanh nghiệp như Nhà máy xay xát Kim Tuyến, Nhà máy xay xát Hưng Hào, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam... mua một lượng lớn lúa hè - thu cho nông dân.