Cần đẩy nhanh tiến độ Dự án Hồ chứa nước Sông Than

Dự án đầu tư xây dựng Hồ chứa nước Sông Than (Ninh Sơn) có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chống hạn, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh, nhưng do gặp nhiều khó khăn, sau 2 lần được điều chỉnh chủ trương đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện, đến nay dự án vẫn đứng trước nguy cơ tiếp tục bị chậm tiến độ.

Dự án Hồ chứa nước Sông Than được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2017, được điều chỉnh nội dung dự án năm 2018 với quy mô dung tích chứa 85,04 triệu m3 nước; có tổng mức đầu tư 855 tỷ đồng. Theo dự kiến ban đầu, thời gian thực hiện dự án từ năm 2017, hoàn thành vào năm 2020. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, dự án gặp khó khăn về mặt bằng thi công và công tác chuyển đổi đất rừng, nên tiến độ thi công rất chậm. Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Nếu tính theo tiến độ được duyệt ban đầu đến khi hoàn thành dự án đã chậm 21 tháng; nếu tính theo phê duyệt điều chỉnh tiến độ mới năm 2021 thì dự án cũng chậm tiến độ khoảng 2 tháng. Nguyên nhân, do trong quá trình triển khai thi công, công trình gặp nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, nhất là thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp.

Dự án Hồ chứa nước Sông Than (Ninh Sơn) đang trong giai đoạn thi công.

Sau khi có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án đến năm 2022, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT - đơn vị chủ đầu tư đã phê duyệt điều chỉnh tiến độ thực hiện đến 30-9-2022. Qua theo dõi tiến độ, đến nay, dự án thi công hoàn thành đạt 41% khối lượng, trong đó hoàn thành các hạng mục: Đào móng, bê tông phản áp, khoan phụt chống thấm nền của đập đất và đập bê tông thuộc hạng mục đập chính; đường dây trung áp và trạm hạ áp, kênh thông hồ và đường tránh lòng hồ đoạn 1. Đang triển khai thi công các hạng mục: Đắp đập đất, thi công bê tông đập tràn dự do, tràn có cửa và đào móng, khoan phụt khối lượng còn lại của đập bê tông. Hiện dự án đã giải ngân 688,834 tỷ đồng, đạt 69,6% kế hoạch (trong đó năm 2021 giải ngân 21,525 tỷ đồng/79,664 tỷ đồng, đạt 27% kế hoạch), còn lại chưa giải ngân 300,808 tỷ đồng.

Về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tổng diện tích giải phóng mặt bằng của dự án là 885,51 ha; trong đó, diện tích bồi thường cho dân 405,69 ha đất của 285 trường hợp (bao gồm đất nông nghiệp của dân 210,96 ha và đất lâm nghiệp dân canh tác 194,73 ha). Đến nay, đã có 270 trường hợp đã nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng 367,5 ha; còn 15 trường hợp với diện tích 38,18 ha chưa nhận tiền bồi thường; trong đó có 4 hộ với diện tích khoảng 10,4 ha có đất trong bãi vật liệu gây khó khăn về nguồn vật liệu thực hiện công tác đắp đập và 11 trường hợp/27,7 ha nằm trong lòng hồ ảnh hưởng đến công tác thi công. Bên cạnh đó, các thủ tục về chuyển đổi mục đích rừng và đất rừng cũng gặp nhiều khó khăn, quá trình hoàn thiện hồ sơ phải xin ý kiến thông qua của nhiều cấp thẩm quyền.

Trong quá trình thi công, một số đơn vị thi công của nhà thầu chưa tập trung thiết bị, nhân lực đáp ứng theo hồ sơ dự thầu, thiết bị công trường hư hỏng nhiều dẫn đến không đáp ứng tiến độ thi công được duyệt. Mặc dù Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT đã đôn đốc nhắc nhở nhưng chưa có chuyển biến tích cực. Ông Nguyễn Ngọc Thịnh cho biết thêm: Đối với nhà thầu Tập đoàn Cường Thịnh Thi sau khi đôn đốc, nhắc nhở đã tăng cường thiết bị máy móc, bổ sung nhân lực để thi công kịp tiến độ. Còn nhà thầu Đức An mặc dù đã được tháo gỡ các khó khăn nhưng đến nay mới bắt đấu tập kết phương tiện, vật tư để triển khai. Nhà thầu làm rất chậm, không bố trí đủ phương tiện, nhân lực để thi công theo đúng tiến độ đề ra. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi sẽ tiến hành làm việc với nhà thầu, yêu cầu cam kết tiến độ. Nếu tiếp tục vi phạm sẽ buộc phải chấm dứt hợp đồng đối với nhà thầu.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân dự án chậm tiến độ do quá trình thiết kế, khảo sát chưa sâu kỹ, dẫn đến trong quá trình triển khai phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích khác, điều chỉnh bổ sung một số hạng mục (hố xói hạ lưu tràn, tường chắn chống sạt lở...). Mặt khác, năng lực nhà thầu còn hạn chế, máy móc thiệt bị thi công chưa đáp ứng theo hồ sơ dự thầu. Chủ đầu tư thiếu chủ động trong việc lập các thủ tục thực hiện dự án, nhất là thủ tục chuyển đổi mục đích rừng. Sau khi dự án được Quốc hội cho phép chuyển đổi đất rừng, chủ đầu tư chưa chủ động trong việc chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để triển khai dự án, phải mất thời gian hoàn tất hồ sơ trình phê duyệt đánh giá tác động môi trường để phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất rừng, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Chủ đầu tư thanh toán tạm ứng vốn cho nhà thầu quá nhiều, mặc dù mới thực hiện được 41% khối lượng, nhưng đã giải ngân 66% dẫn đến nhà thầu không có quyết tâm trong việc đẩy nhanh tiến độ dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình trọng điểm này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT đề nghị các nhà thầu thi công khẩn trương tăng cường thiết bị, xe máy, nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công để bù đắp khối lượng chưa đạt được trong thời gian qua, đảm bảo hoàn thành theo đúng tiến độ dự án. Trường hợp nhà thầu không đáp ứng tiến độ đề ra cần có biện pháp xử lý nghiêm theo đúng hợp đồng đã ký và các quy định pháp luật. Giao UBND huyện Ninh Sơn và các đơn vị liên quan đẩy nhanh lập thủ tục bồi thường, hỗ trợ các hộ còn lại trong lòng hồ, nhất là khu vực các mỏ vật liệu để có đất đắp đập. Sau khi hoàn thành quyết định đền bù, chủ đầu tư tiến hành giải ngân ngay chi phí đến bù, đối với các hộ chưa nhận tiền đưa vào tài khoản tạm ứng.