Đảm bảo chất lượng dạy và học trực tuyến trước diễn biến dịch COVID-19

Trước tình hình dịch COVID-19 tại một số địa phương trong tỉnh, việc triển khai dạy và học trực tuyến ở một số trường học, cấp học đang được xem là giải pháp tối ưu nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho đội ngũ cán bộ, giáo viên (GV), học sinh (HS). Do đó, việc đảm bảo chất lượng dạy và học trực tuyến được ngành Giáo dục, các địa phương đặc biệt quan tâm, chỉ đạo cùng với đó có sự tham gia, ủng hộ tích cực của doanh nghiệp viễn thông.

Giáo viên Trường THCS Trần Thi (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) dạy trực tuyến cho học sinh.

Trên thực tế đánh giá mức độ an toàn về phòng, chống dịch mà ngành Giáo dục các huyện, thành phố sẽ có phương án tổ chức dạy học khác nhau như: Trực tuyến, trực tiếp. Qua ghi nhận của chúng tôi tại một số trường THCS trên địa bàn Tp. Phan Rang- Tháp Chàm qua 1 tuần bắt đầu năm học mới 2021-2022, công tác tổ chức dạy và học trực tuyến đang được thực hiện nghiêm túc, bài bản. Cụ thể, thời khóa biểu, lịch học được nhà trường thông báo rộng rãi đến phụ huynh, HS thuận tiện theo dõi. Các kiến thức, nội dung bài học được GV truyền tải đầy đủ. Công tác quản lý lớp học, HS được triển khai khoa học, qua đó tạo tâm lý yên tâm, sự tin tưởng trong các bậc phụ huynh cũng như sự đồng thuận của xã hội. Đơn cử tại Trường THCS Trần Thi, phường Tấn Tài, những ngày qua, các lớp học trực tuyến luôn rôm rả tiếng giảng bài, kết nối giữa GV và HS dù HS không đến trường học tập trung. Thầy giáo Phan Tấn Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đây không phải là năm học đầu tiên mà ngành Giáo dục nói chung và Trường THCS Trần Thi nói riêng triển khai dạy và học trực tuyến, tuy nhiên để đánh giá khách quan về tính khả thi thì phải nói đến đầu năm học này. Bởi trước khi bắt đầu năm học mới, nhà trường đã chủ động phối hợp với ngành Giáo dục, doanh nghiệp viễn thông tổ chức tập huấn cho cán bộ, GV về kiến thức sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin (CNTT) trong giảng dạy. Đồng thời trang bị, mua sắm các thiết bị kỹ thuật, kết nối đường truyền mạng. Hiện nay, nhà trường đã trang bị đủ 10 máy tính, kết nối đường truyền tốc độ cao tại trường để cho GV thuận tiện thực hiện các buổi học trực tuyến đạt chất lượng. Qua rà soát, tỷ lệ HS tham gia lớp học trực tuyến đạt 95%. Tỷ lệ còn lại thuộc nhóm HS chưa có thiết bị học trực tuyến và HS bị mắc kẹt tại các tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, do đó nhà trường tiếp tục có các phương án hỗ trợ, giúp đỡ các em, đảm bảo mục tiêu là 775 HS đều tiếp cận với chương trình học.

Học sinh lớp 6/4 Trường THCS Lý Tự Trọng (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) tham gia
học trực tuyến. Ảnh: Phan Bình

Cũng qua rà soát, hiện nay, vẫn còn một số ít HS các trường đang thiếu thiết bị máy tính, điện thoại và đường truyền mạng Internet, do đó tỷ lệ “phủ sóng” học trực tuyến chưa đạt 100%. Trước thực tế trên, các trường học đã linh động phối hợp với các bậc phụ huynh HS để thống nhất việc tổ chức các nhóm học ghép gắn với thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch như: Ngồi giãn cách, khử khuẩn... Cụ thể, các em gặp khó khăn sẽ được ghép học chung với các em HS có điều kiện học trực tuyến, đảm bảo không để em nào “bị bỏ lại phía sau” vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

Giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) dạy học trực tuyến cho học sinh. Ảnh: V.M

Góp phần tạo thuận lợi trong công tác tổ chức dạy và học trực tuyến của ngành Giáo dục, còn có sự hỗ trợ, đồng hành tích cực của các doanh nghiệp viễn thông trong xây dựng hạ tầng đường truyền, đảm bảo kết nối mạng ổn định, nhanh chóng; thiết lập hệ thống quản trị, phần mềm, ứng dụng trong dạy học trực tuyến; tập huấn kiến thức cho đội ngũ cán bộ, GV về sử dụng CNTT trong giảng dạy; cung cấp các gói dịch vụ dữ liệu hỗ trợ tối đa cho GV, HS. Là một trong những tập đoàn viễn thông CNTT chủ lực của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng, những năm qua, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã chủ động phối hợp, hỗ trợ trong số hóa ngành Giáo dục tỉnh nhà. Đặc biệt, trước tình hình diễn biến phức tạp dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay, VNPT Ninh Thuận đã hỗ trợ triển khai miễn phí dạy và học trực tuyến VNPT E-Learning cho 129 trường học trên địa bàn tỉnh, với hơn 4.200 tài khoản cho GV, gần 66.000 tài khoản HS, 8.100 khóa học được tạo, 11.400 học liệu được tải lên hệ thống. Ông Nguyễn Trọng Thắng, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Ninh Thuận cho biết: Điểm mạnh của VNPT Ninh Thuận khi triển khai phần mềm dạy và học trực tuyến VNPT E-Learning chính là đội ngũ kỹ sư viễn thông, CNTT hỗ trợ dịch vụ trên toàn tỉnh, luôn có mặt kịp thời và có thể đáp ứng nhu cầu ứng dụng ngay cho các nhà trường, tổ chức giáo dục, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi. Từ đầu năm học, VNPT Ninh Thuận đã thực hiện nâng cấp đường truyền, triển khai phần mềm dạy và học trực tuyến và tập huấn hơn 500 GV trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm giúp cho GV sớm tiếp cận và làm quen trong việc giảng dạy trực tuyến. Được biết, Tập đoàn VNPT vừa tham gia và hỗ trợ chương trình “Sóng và máy tính cho em” với 37.000 máy tính bảng cho HS nghèo, cận nghèo của cả nước.

Có thể thấy việc đảm bảo tốt mọi điều kiện trong tổ chức dạy và học trực tuyến ở các cơ sở trường học có vai trò và ý nghĩa quan trọng nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất trong khung kế hoạch, chất lượng giáo dục và đào tạo giữa ở các vùng, địa phương trong tỉnh đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Qua đó giúp ngành Giáo dục tỉnh nhà thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ kép”, vừa nâng cao chất lượng giáo dục, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch hiệu quả.