Cách ly tại nhà – 'Chìa khoá' giúp Singapore sống chung với đại dịch COVID-19

Bộ Y tế Singapore thông báo nước này sẽ thúc đẩy cách ly tại nhà đối với các trường hợp mắc COVID-19 nhẹ, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lộ trình sống chung với đại dịch.

Theo hãng tin CNA, từ khi đại dịch bùng phát cho đến nay, biện pháp cách ly người mắc COVID-19 tại bệnh viện hoặc cơ sở cách ly luôn được coi là nền tảng giúp Singapore kiểm soát tốt đại dịch. Tuy nhiên, với trên 80% dân số hiện đã được tiêm chủng, Singapore đã phải tìm ra hướng đi mới vì việc cách ly tập trung sẽ tạo gánh nặng quá mức cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, khi các ca mắc tăng cao và xét nghiệm giảm.

Người dân đeo khẩu trang đi bộ trên Phố Pickering ở Singapore ngày 6/9. Ảnh: CNA

Sau một chương trình thử nghiệm cho kết quả tích cực, theo chỉ dẫn mới, những người trẻ tuổi đã được tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ, không có bệnh lý nền, sẽ được tự chăm sóc và hồi phục tại nhà thay vì đến bệnh viện kể từ ngày 15/9.

Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết việc cách ly tại nhà cũng sẽ được mở rộng dần cho những người dưới 50 tuổi không có bệnh nền, nhóm chiếm một nửa số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 hiện nay tại Singapore.

“Quốc đảo sư tử” đã bước sang giai đoạn mới của đại dịch COVID-19. Tỉ lệ tiêm chủng cao đã tạo ra bước ngoặt trong việc giảm thiểu mức độ nghiêm trọng và nguy cơ tử vong của các “ca nhiễm đột phá” đã tiêm vaccine đầy đủ, ngay cả khi có sự xuất hiện của biến thể Delta.

Dữ liệu của Bộ Y tế về các trường hợp mắc COVID-19 trong tháng qua cho thấy cứ 1.000 ca “nhiễm đột phá”, chỉ có 7 ca cần bổ sung oxy và không có trường hợp nào tử vong hoặc cần chăm sóc đặc biệt.

Nhìn từ lăng kính của các ca mắc COVID-19 nặng, tình hình hiện tại ở Singapore không còn tồi tệ như vào thời điểm ghi nhận các trường hợp mắc trong cộng đồng cao kỷ lục. Tính đến ngày 12/9, chỉ còn 7 bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt. Trong khi đó, ở đợt bùng phát đỉnh điểm gần đây nhất một tháng trước, con số này là 11 trường hợp. Trong đợt lây nhiễm cộng đồng lớn đầu tiên vào tháng 3 và tháng 4 năm ngoái, Singapore có tới 32 bệnh nhân COVID-19 cần chăm sóc đặc biệt.

Người dân Singapore chờ tiêm vaccine COVID-19 tại một trung tâm tiêm chủng. Ảnh: Reuters

Theo Trung tâm Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm, hầu hết các trường hợp mắc COVID-19 hiện nay tại Singapore đều ở thể nhẹ hoặc không có triệu chứng, với tải lượng virus thấp hơn nhiều so với các ca mắc chưa được tiêm chủng không được bảo vệ. Đây là lý do tại sao các bệnh viện có thể cho bệnh nhân xuất viện sớm hơn một cách an toàn, nếu tải lượng virus của họ không có khả năng lây nhiễm.

Đặc biệt tại Singapore, việc mở rộng và tăng cường xét nghiệm đã trở thành thói quen thường xuyên của người lao động khi quay lại nơi làm việc. Các hộ gia đình cũng đã được phát bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên và khuyến cáo thường xuyên tự xét nghiệm tại nhà.

Các nhà phân tích nhận định cùng với tỉ lệ bao phủ vaccine cao, Singapore sẽ chứng kiến nhiều trường hợp mắc bệnh nhẹ hơn và những trường hợp đã được tiêm chủng đầy đủ có nguy cơ phát triển bệnh nặng rất thấp.

Các nhân viên y tế tại khu cách ly của Bệnh viện Đa khoa Singapore hỗ trợ chuyển bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 đến phòng cách ly. Ảnh: StraitsTimes

Tuy nhiên, để đối phó với làn sóng dịch sắp tới, các chuyên gia cho rằng Singapore vẫn cần một cách tiếp cận mới để phân cấp điều trị các trường hợp nhẹ hoặc không có triệu chứng với những trường hợp nặng.

Họ cho rằng Singapore phải tập trung các nguồn lực chăm sóc tích cực để điều trị những người mắc nghiêm trọng. Người mắc COVID-19 chưa tiêm chủng sẽ có nguy cơ mắc COVID-19 nặng hơn những người đã được chủng ngừa. Theo số liệu gần đây của Bộ Y tế, cứ 1.000 ca nhiễm thì có 45 ca cần thở ôxy và 8 ca được đưa vào ICU hoặc tử vong.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe Singapore hiện đang hoạt động tốt. Mặc dù đã phát hiện những ca nhiễm trong cộng đồng cao kỷ lục, nhưng các trường hợp cần chăm sóc đặc biệt vẫn thấp hơn nhiều so với số lượng 1.000 giường chăm sóc đặc biệt và nguồn dự trữ mà Singapore hiện có.

Tuy nhiên, những ca mắc COVID-19 đến bệnh viện đang tăng lên. Vào thời điểm Singapore đạt mức cao dự kiến 2.000 ca mới/ngày, nếu cách ly tất cả các trường hợp mắc bệnh tại bệnh viện hoặc trong các cơ sở y tế chuyên dụng, hàng chục nghìn giường bệnh có thể bị sử dụng một cách lãng phí, khi một số người mắc COVID-19 vẫn khoẻ mạnh và không cần sử dụng chúng. Khi đó, hệ thống chăm sóc sức khoẻ sẽ bị quá tải một cách không cần thiết.

Việc mở rộng áp dụng phương pháp tự xét nghiệm một cách thường xuyên cũng là một giải pháp hiệu quả giúp làm giảm lây nhiễm và làm chậm sự lây lan. Trước đó, việc xét nghiệm thường xuyên trong các khu ký túc xá đông đúc công nhân nhập cư đã giúp Singapore kiểm soát tốt chuỗi lây nhiễm.

Người cao tuổi chờ theo dõi sau tiêm tại một trung tâm tiêm chủng ở Singapore hồi tháng 3. Ảnh: Reutres

Tăng cường bảo vệ người cao tuổi thông qua tiêm chủng cũng là biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm hiệu quả, giúp giảm thiểu các ca bệnh nặng và giảm áp lực cho các bệnh viện.

Cứ 100 trường hợp mắc COVID-19 chưa được tiêm chủng, thì có khoảng 1 người tử vong hoặc cần chăm sóc đặc biệt. Những trường hợp tử vong này không trải đều ở tất cả những người chưa được tiêm chủng mà chỉ tập trung ở những trường hợp cao tuổi nhất. Điều này có nghĩa là đạt được tỉ lệ tiêm chủng cao ở người cao tuổi cũng là một nỗ lực quan trọng.

Kinh nghiệm gần đây của Singapore cho thấy các trường hợp mắc COVID-19 sẽ giảm xuống nếu các hạn chế phòng dịch được thắt chặt. Tuy nhiên, điều này sẽ gây tổn thất lớn - cả về mặt kinh tế, đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng và về mặt xã hội, đối với một quốc gia chịu tác động lâu dài của đại dịch. Do vậy, khi chuyển sang lộ trình tiếp theo của đại dịch, Singapore cũng rất cần sự hỗ trợ của tất cả người dân, trong đó có việc thực hiện xét nghiệm thường xuyên và cách ly tại nhà một cách nghiêm túc.

Trong 24 giờ qua, Singapore đã ghi nhận thêm 607 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 mới. Tính đến ngày 14/9, nước này đã ghi nhận tổng cộng 72.294 trường hợp với 58 ca tử vong vì COVID-19.

Theo TTXVN/Báo Tin tức