Kinh nghiệm lựa chọn tôm giống chất lượng

Những năm gần đây, nghề nuôi tôm thương phẩm gặp khó khăn do dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Việc lựa chọn được con giống tốt, có khả năng kháng bệnh cao là yếu tốt quyết định đến 50% sự thành công của vụ nuôi. Tuy vậy, người nuôi tôm khó chọn mua được tôm giống tốt. Để giúp hộ nuôi tôm tránh được rủi ro, ngành Thủy sản đã phổ biến kinh nghiệm chọn tôm giống có chất lượng trước khi thả nuôi.

Ông Nguyễn Văn Viện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chia sẻ: Khi lựa con tôm giống để thả nuôi cần biết rõ nguồn gốc tôm giống bố mẹ. Đối với tôm sú, ưu tiên chọn tôm có nguồn gốc tôm biển (khai thác ngoài tự nhiên), trọng lượng từ 120-150 gram, hạn chế chọn tôm lột xác và cấy tinh để sinh sản nhiều lần. Riêng tôm thẻ chân trắng, phải có nguồn gốc rõ ràng, tôm bố mẹ được nuôi vỗ và cho sinh sản có thời hạn không quá 4 tháng kể từ khi nhập về trại sản xuất. Quy trình nuôi từ khi tôm bố mẹ đẻ có đầy đủ thức ăn tươi sống như dời, hàu, mực, không sử dụng kháng sinh, hóa chất để phòng và trị bệnh.

Nhân viên Công ty Cổ phần Đầu tư S6 kiểm tra, đóng gói tôm giống trước khi đưa ra thị trường.

Hiện nay có nhiều hình thức nuôi tôm được phổ biến rộng rãi, do đó hộ nuôi tôm chú ý lựa chọn tôm giống phù hợp với hình thức nuôi. Đối với nuôi quảng canh cải tiến, nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm xen ghép nên chọn tôm có kích cở lớn, tôm có trạng thái bơi nhanh để phù hợp với điều kiện tự nhiên và chống chọi với dịch bệnh. Những mô hình thả mật độ cao, nuôi ao đất điều kiện an toàn sinh học chưa cao, thì chọn tôm sú có nguồn gốc bản địa, hay tôm có nguồn gốc chịu biến đổi môi trường cao. Mô hình áp dụng kỹ thuật, công nghệ cao như nuôi tôm trải bạt, nuôi siêu thâm canh, điều kiện an toàn sinh học cao tùy theo môi trường và thời tiết mùa vụ nuôi chọn tôm nuôi kháng bệnh đối với tôm thẻ; tôm thân dài, chắc khỏe đối với tôm sú.

Hộ nuôi có thể sử dụng các kỹ thuật kiểm tra, đánh giá chất lượng tôm giống, nhưng dùng phương pháp đánh giá bằng cảm quan là đơn giản và dễ thực hiện nhất, như cho mẫu tôm PL vào ly thủy tinh, trong bịch đựng tôm, trong chậu nhựa và quan sát ngược ánh sáng thấy tôm có màu sắc tươi sáng, đồng đều, nhìn rõ gan và đường ruột là tôm có chất lượng cao, hoặc lấy ngẫu nhiên 100 con tôm cho vào nước ngọt trong 30 phút sau đó cho vào nước mặn 30% trong 10 phút rồi kiểm tra có tỷ lệ chết dưới 10% là tôm có chất lượng tốt.

Sau khi sử dụng các phương pháp trên, hộ nuôi tiến hành bước thứ hai là phương pháp đánh giá chất lượng tôm giống qua kính hiển vi giúp xác định chính xác chất lượng tôm giống trước khi thả nuôi. Để thực hiện phương pháp này, cần chuẩn bị kính hiển vi, vợt nhỏ đường kính 30 mm, ống hút để bắt tôm. Bắt ngẩu nhiên khoảng 30-50 con tôm đưa lên kính hiểu vi quan sát các chỉ tiêu về hình thái kích thức đối với tôm PL 10 phải lớn hơn 9 mm; đường ruội phải to, thẳng đều từ trên xuống; gan tụy có chứa nhiều giọt dầu. Theo ông Nguyễn Văn Viện, đây là phương pháp khó, yêu cầu trình độ kỹ thuật cao và trang thiết bị hiện đại, do đó người nuôi tôm có thể gửi mẫu tôm giống đến các trung tâm bệnh học thủy sản để xét nghiệm.