Thông báo ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy:

Về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

LTS: Ngày 7-9-2021, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy ký ban hành Thông báo số 298-TB/TU thông báo ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dự thảo Đề án và Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Báo Ninh Thuận trân trọng giới thiệu toàn văn Thông báo.

Ngày 1-9-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh; cho ý kiến dự thảo Đề án và Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt Báo cáo đánh giá, Đề án, Nghị quyết). Sau khi nghe đại điện Ban cán sự đảng UBND tỉnh thông qua Tờ trình và ý kiến của các đồng chí dự họp; Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất kết luận như sau:

Cơ bản nhất trí với các dự thảo (Báo cáo đánh giá, Đề án, Nghị quyết) và đánh giá cao Ban cán sự đảng UBND tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện xây dựng các dự thảo đảm bảo đúng quy trình, chặt chẽ, khoa học, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu đề ra, nhất là việc xây dựng các dự thảo, tổ chức lấy ý kiến góp ý, phản biện của các nhà khoa học, các cơ quan đơn vị, địa phương liên quan và việc nghiên cứu tiếp thu hoàn chỉnh các dự thảo. Về cách thức, phương pháp thực hiện có đổi mới thông qua việc thành lập các Tổ khảo sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và thẩm định của Đảng đoàn HĐND tỉnh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng các dự thảo trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng thời, nhấn mạnh cần lưu ý một số nội dung sau:

1. Về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

- Kết quả đạt được. Thời gian qua, tuy trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức, nhất là biến đổi khí hậu, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu... nhưng những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, đem lại giá trị cao, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp...; quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao các cấp, các ngành và địa phương đã quan tâm xây dựng, ban hành các kế hoạch, chương trình để thực hiện bảo đảm bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và yêu cầu đã đề ra, qua đó đã góp phần đạt được kết quả trên nhiều mặt.

- Về hạn chế. Việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong thời gian qua chưa thật sự trở thành phong trào mạnh và chưa có sự tác động mạnh mẽ để góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; quy mô sản xuất còn nhỏ, lẻ; các sản phẩm nông nghiệp chưa có sức cạnh tranh cao, chưa có nhiều sản phẩm mới, mang tính đặc thù, độc đáo; hàm lượng ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều. Cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn thiếu, chưa đủ mạnh và chưa thực sự thu hút các doanh nghiệp, người dân tham gia đầu tư; việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh chưa có sự tham gia tích cực, có hiệu quả của các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Nguyên nhân hạn chế. Nguồn lực đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; việc đầu tư phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đồng bộ, còn dàn trải, chưa trọng tâm, trọng điểm. Công tác chỉ đạo, lãnh đạo tổ chức thực hiện còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, sự quyết tâm chưa cao; việc phối hợp, liên kết, đặt hàng... của các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh đối với các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học... liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh chưa hiệu quả, nhất là việc phối hợp, liên kết, đặt hàng nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các giống mới, các quy trình, giải pháp... sản xuất nông nghiệp ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật...

2. Về dự thảo Đề án và Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Dưa lưới được trồng trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao của Công ty Cổ phần Nắng và Gió. Ảnh: Văn Nỷ

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cơ bản thống nhất với các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong dự thảo Đề án và Nghị quyết. Đồng thời, nhấn mạnh thời gian đến tình hình trong nước và trong tỉnh có cả thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới, phức tạp hơn đặt ra đối với nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là những diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế và việc phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư...; do đó, đòi hỏi các cấp, các ngành và địa phương cần phải đổi mới cả về tư duy và hành động để tiếp tục quyết tâm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới đạt hiệu quả. Trong đó, nhấn mạnh cần lưu ý một số nội dung sau:

- Về quan điểm:

+ Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải gắn với phát triển kinh tế số, chuyển đổi số theo hướng đồng bộ, xem đây là trọng tâm, động lực phát triển, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống, giảm nghèo cho người dân. Ưu tiên tập trung nghiên cứu, phát triển các sản phẩm đặc thù, khác biệt, có lợi thế và tính cạnh tranh cao của tỉnh.

+ Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với thị trường; định hình, tiến đến xuất khẩu một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, nhất là cây Nho. Nâng cao năng lực và nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp gắn với việc ứng dụng, chuyển giao, phát huy đội ngũ cán bộ, các nhà khoa học, các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

+ Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lấy doanh nghiệp làm trung tâm gắn với đổi mới, sáng tạo, hợp tác, liên kết, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, công nghệ số vào quản lý, quản trị và sản xuất để nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm nông nghiệp.

- Mục tiêu cụ thể: Nghiên cứu bổ sung mục tiêu về thị trường và sản phẩm xuất khẩu.

- Về nhiệm vụ, giải pháp: Cơ bản nhất trí, đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

+ Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh các chương trình, kế hoạch, quy hoạch... có liên quan phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bảo đảm hiệu quả, khả thi, phù hợp, sát với tình hình thực tiễn, nhất là kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất.

+ Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao... trong sản xuất nông nghiệp gắn với tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao năng lực sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.

+ Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh các cơ chế chính sách bảo đảm đủ mạnh, hiệu quả hơn, phù hợp điều kiện thực tiễn để khuyến khích, thu hút, hỗ trợ các thành phần kinh tế và người dân tham gia đầu tư phát triển phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là các chính sách hỗ trợ về đất đai, hạ tầng thiết yếu, giống, chính sách hỗ trợ liên kết, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã...

+ Đẩy mạnh nghiên cứu, xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp; tăng cường liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Nghiên cứu, định hình một số sản phẩm của tỉnh theo hướng xuất khẩu để xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả. Tăng cường hỗ trợ, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

+ Tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ của trung ương gắn với lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực khác để ưu tiên tập trung đầu tư ở các vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải.

Trên cơ sở ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo Báo cáo và Nghị quyết theo hướng ngắn gọn trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét ký ban hành để có cơ sở triển khai thực hiện.

Đồng thời, chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh và triển khai Đề án về tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 bảo đảm hiệu quả, phù hợp với quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.