Tăng cường phòng, chống dịch Viêm da nổi cục trên đàn bò

Kể từ khi xuất hiện bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trên đàn bò đầu tiên tại xã Bắc Phong (Thuận Bắc) vào cuối tháng 6, đến nay toàn tỉnh đã có gần 4.000 con bò bị nhiễm bệnh. Hiện đã có 20 xã, thị trấn và 1 huyện công bố có dịch VDNC trên trâu, bò. Trước tình hình dịch lây lan nhanh, người dân chưa rõ tác hại của bệnh mới này nên rất cần sự hỗ trợ, tuyên truyền và tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch kịp thời hiệu quả để bảo vệ đàn gia súc.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, bệnh VDNC được phát hiện từ ngày 29-6-2021 tại thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong (Thuận Bắc) với số bò mắc bệnh 8 con của 2 hộ chăn nuôi, với các triệu chứng nóng sốt, chảy nước mũi, bỏ ăn, lờ đờ, da nổi cục toàn thân, viêm khớp. Từ đó, bệnh tiếp tục lây lan rất nhanh sang các địa phương khác. Chỉ tính trong tuần gần đây nhất, số bò mắc bệnh VDNC đã tăng thêm 318 con tại 124 hộ chăn nuôi, nâng tổng số bò mắc bệnh VDNC lên 3.916 con, trên tổng đàn 15.579 con bò của 1.863 hộ nuôi (chiếm gần ¼ tổng đàn). Dịch VDNC đã xuất hiện tại hầu hết các địa phương, gây ảnh hưởng tới vật nuôi của 1.863 hộ nuôi, đã làm chết, phải tiêu hủy 126 con, với tổng trọng lượng 16.451 kg, ước thiệt hại trên 2,130 tỷ đồng, chưa kể kinh phí điều trị và tiêu hủy. Trong đó, huyện Thuận Bắc có 616 con mắc, đã tiêu hủy 45 con; huyện Ninh Phước có 1.113 con; huyện Ninh Sơn có 844 con, đã tiêu hủy 58 con; huyện Ninh Hải có 175 con; huyện Thuận Nam có 90 con; huyện Bác Ái có 1.076 con và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm có 2 con mắc, đã tiêu hủy.

Bò bị viêm da nổi cục tại xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn).

Ông Trương Khắc Trí, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Bệnh VDNC trên bò là bệnh mới xuất hiện ở trong nước từ tháng 10-2020. Bệnh này không lây trên người, lây qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve và trong quá trình vận chuyển trâu bò mang mầm bệnh. Bệnh xảy ra theo mùa, gây thiệt hại về năng suất, giảm tăng trọng, sinh sản, gây tổn thương da và có thể chết. Hiện nay dịch, đang có chiều hướng lây lan nhanh, rộng ra các địa bàn. Với tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, người chăn nuôi chưa biết bệnh này nên chưa thực hiện tiêm phòng vắc xin. Bên cạnh đó, hằng ngày có nhiều xe vận chuyển trâu, bò quá cảnh qua địa bàn tỉnh, trong khi đó các tỉnh lân cận như Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Yên cũng đã xảy ra dịch VDNC trên trâu bò. Mặt khác, tình hình thời tiết Ninh Thuận đang trong giai đoạn nắng nóng, kết hợp mưa đan xen gây bất lợi làm suy giảm sức đề kháng của gia súc; tạo điều kiện thuận lợi cho côn trùng (ve, mòng, ruồi, muỗi...) phát sinh là véc tơ truyền bệnh cho trâu, bò tại địa phương, nên bệnh tiếp tục có nguy cơ lây lan rất mạnh.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh VDNC trâu bò, cũng như chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh VDNC trên trâu, bò trên địa bàn tỉnh, ngành Nông nghiệp đã tập trung nguồn lực, khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh VDNC trên trâu, bò, triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường; Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp, hỗ trợ các địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch, chủ động thực hiện tổ chức tiêm phòng khẩn cấp vắc xin phòng bệnh VDNC. Qua triển khai tiêm phòng vắc xin VDNC, lực lượng thú y cơ sở đã tiêm phòng bao vây được 31.370 con, đạt gần 37% kế hoạch diện tiêm. Thực hiện việc tiêu độc khử trùng, các địa phương đã sử dụng 3.363 lít Benkocid để phun xịt tập trung tại các khu vực nguy cơ cao và cấp phát 2.411 lít cho 2.633 hộ chăn nuôi để tiêu độc khử trung chuồng trại. Các địa phương cũng đã công bố dịch bệnh VDNC ở trâu bò tại 20 xã, thị trấn và toàn huyện Bác Ái. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các huyện, UBND các xã có dịch tiến hành tiêu hủy số bò chết và thống kê cụ thể để làm cơ sở cho việc hỗ trợ sau này. Các địa phương tuyên truyền vận động người dân chủ động khai báo tình hình chăn nuôi trâu, bò; chủ động kinh phí mua vắc xin phòng bệnh và thực hiện theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y về các biện pháp phát hiện, chăm sóc và xử lý bệnh VDNC trên trâu, bò.

Ông Trương Khắc Trí cho biết thêm: Hiện nay, vắc xin VDNC đã được bán tại đại lý, cửa hàng thuốc thú y, các Trạm Chăn nuôi và Thú y của các huyện, thành phố đều có để phục vụ bà con chăn nuôi. Qua kết quả tiêm phòng cho thấy, các hộ chăn nuôi trâu bò chủ động tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục thì không mắc bệnh VDNC như các đàn chưa được tiêm phòng, hoặc nếu có phát bệnh thì biểu hiện bệnh nhẹ và nhanh lành.

Trong thời gian tới, các địa phương cần tăng cường cử cán bộ thú y theo dõi, giám sát diễn biến dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt tại các hộ có gia súc mắc bệnh; phối hợp với chốt kiểm dịch trên địa bàn, trực 24/24 giờ để kiểm tra, giám sát việc vận chuyển trâu, bò ra vùng dịch và phun tiêu độc, khử trùng phương tiện ra vào vùng dịch. Các sở, ngành, các đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC trâu, bò; huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị để triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh VDNC; cố gắng khoanh lại vùng dịch và vùng đệm để kiểm soát và dập dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Theo khuyến cáo của ngành Thú y, để phòng, chống dịch VDNC trên trâu bò hiệu quả, hạn chế thiệt hại, người chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp phát hiện, chăm sóc và xử lý bệnh; chú trọng thực hiện “3 không”, “4 phải” trong chăn nuôi đó là: Không chăn thả chung bãi chăn tại các địa bàn đã có dịch bệnh; không mua, bán, giết thịt trâu bò trên địa bàn có dịch và không giấu dịch, bệnh. Thực hiện “4 phải” gồm: Phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô ráo và thường xuyên phun thuốc tiêu độc khử trùng; phải tăng cường thêm thức ăn để tăng sức đề kháng cho đàn trâu, bò; phải giám sát kỹ, để phát hiện sớm trâu, bò khi có triệu chứng bệnh thực hiện ngay việc cách ly con bệnh và con khỏe, thông tin liền cho thú y cơ sở, UBND xã, trạm thú y để được hỗ trợ, hướng dẫn và xử lý theo quy định phòng chống dịch và phải chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh VDNC, đây là giải pháp phòng, chống hiệu quả nhất.