Các huyện: Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Bắc: Kịp thời hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước và Thuận Bắc đã tích cực rà soát, thống kê các đối tượng thụ hưởng, triển khai kịp thời công tác hỗ trợ để người dân vượt qua khó khăn.

Bà Thái Thị Minh Hậu, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Ninh Sơn, cho biết: Để đảm bảo công tác hỗ trợ cho NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được tiến hành nhanh chóng, kịp thời, phòng đã tham mưu UBND huyện thành lập Tổ thẩm định hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với các xã, thị trấn hướng dẫn trực tiếp NLĐ và NSDLĐ làm hồ sơ thẩm định đúng theo luật định, bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Đến nay, qua 4 đợt chi hỗ trợ cho người dân, có 546 đối tượng thuộc diện nhận hỗ trợ với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ 444 lao động không có giao kết hợp đồng lao động với số tiền 666 triệu đồng; 50 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động với số tiền trên 209 triệu đồng; 52 hộ kinh doanh với số tiền 156 triệu đồng...

Nhơn Sơn được xem là xã đầu tiên của huyện tiến hành chi hỗ trợ cho NLĐ bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Để thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, đặc biệt là thông điệp “5K” của Bộ Y tế, cán bộ xã đã thông báo cho các hộ dân đến trụ sở theo từng khung giờ để làm thủ tục nhận hỗ trợ, tránh tập trung đông người. Là một trong những người dân đầu tiên được nhận hỗ trợ từ chính sách hỗ trợ NLĐ, ông Lê Thành Phước thôn Lương Cang, xã Nhơn Sơn làm công việc phụ bếp cho nhà hàng tiệc cưới tại địa phương. Cả tháng nay, ông phải nghỉ việc ở nhà do dịch bệnh, con ông làm công nhân cũng đã nghỉ việc vì công ty tạm ngừng hoạt động nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Khi nhận được tiền hỗ trợ, ông rất vui mừng vì có thêm khoản tiền để trang trải cuộc sống. Ông Phước chia sẻ: Nhận được tiền hỗ trợ kịp thời, đây là động lực giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn trong thời gian mất việc, nhất là những người trụ cột trong gia đình như tôi có thêm chi phí để lo cho cuộc sống, mua nhu yếu phẩm hằng ngày. Tôi mong dịch bệnh nhanh được kiểm soát để sớm trở lại với công việc. Cùng hoàn cảnh khó khăn, chị Võ Thị Hải thôn Đắc Nhơn, xã Nhơn Sơn cho biết, chị làm nghề bán vé số với thu nhập bình quân mỗi ngày kiếm được khoảng 100.000-150.000 đồng, từ khi dịch bùng phát chị tạm ngưng bán vé số, mất đi nguồn thu nhập chính, còn phải nuôi con nhỏ nên kéo theo nhiều khó khăn, thiếu thốn. “Gia đình rất vui mừng vì nhận được tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ, giúp tôi có kinh phí trong chi tiêu hằng ngày, yên tâm vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh này” - chị Hải nói.

Ông Đỗ Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Địa phương có 4 hộ kinh doanh, 69 lao động không có giao kết hợp đồng lao động và 42 lao động tự do gồm: Bán vé số lưu động, phụ bếp, phục vụ phòng, nhân viên giữ xe... đủ điều kiện nhận hỗ trợ. Trong quá trình chi trả, xã tiếp tục rà soát, chống trùng để đảm bảo chi trả đúng người, đúng đối tượng. Hiện tại, xã cơ bản đã hoàn thành công tác rà soát và hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng lao động tự do tại địa phương, với mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người theo quy định.

Người lao động tự do tại xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP
của Chính phủ. Ảnh: Kim Thùy

Bà Thái Thị Minh Hậu, cho biết thêm: Hiện công tác rà soát và lập danh sách các đối tượng được hỗ trợ vẫn đang tiếp tục, huyện cũng tăng cường tuyên truyền sâu rộng chính sách này đến người dân có đủ điều kiện biết tham gia, tránh không bỏ sót đối tượng. Đặc biệt đối với các nhóm đối tượng thuộc ảnh hưởng COVID-19, cụ thể như F0, F1 đang điều trị tại các cơ sở y tế cũng như là các điểm cách ly trên địa bàn huyện, phòng cũng đang khẩn trương tiến hành lập danh sách và bổ xung hồ sơ để trình xét duyệt.

Đối với huyện Ninh Phước, ngay sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Phòng LĐ-TB&XH đã hướng dẫn các xã, thị trấn tham mưu cho UBND huyện triển khai thực hiện tốt các biện pháp hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Toàn huyện có 4.222 người được hưởng chế độ hỗ trợ với tổng số tiền trên 6,7 tỷ đồng. Để việc hỗ trợ đảm bảo đúng tiến độ, công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời, các địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi về chính sách hỗ trợ trên hệ thống loa phát thanh để các đối tượng nắm rõ được mức hỗ trợ, quy trình hồ sơ, thủ tục... nhằm đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng. Tính đến ngày 26-8, huyện Ninh Phước đã chi trả cho 4.017 đối tượng thuộc hộ kinh doanh, lao động tự do, lao động hoãn, nghỉ việc... với tổng số tiền hỗ trợ trên 6,4 tỷ đồng.

Tại thị trấn Phước Dân, theo thống kê, toàn thị trấn có 1.003 lao động tự do, hộ kinh doanh tạm ngưng hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Đến nay, thị trấn đã chi trả tiền hỗ trợ cho các nhóm đối tượng là hộ kinh doanh, lao động tự do, với số tiền trên 1,6 tỷ đồng. Đồng thời, đang tích cực phối hợp chặt chẽ với cơ sở để xác minh, rà soát 180 hồ sơ của các đối tượng lao động tự do mất việc làm và các hộ kinh doanh thuộc khu phố 7 và khu phố 12 bị phong tỏa để kịp thời hỗ trợ trong thời gian sớm nhất.

Huyện Ninh Phước phấn đấu đến ngày 15-9 sẽ hoàn tất việc hỗ trợ cho các nhóm đối tượng theo quy định.

Qua kết quả rà soát, huyện Thuận Bắc có 12 nhóm đối tượng gặp khó khăn do dịch COVID-19, tuy nhiên huyện mới hỗ trợ cho 2 nhóm đối tượng đủ điều kiện. UBND huyện đã phê duyệt và chi trả 2 đợt cho 41 đối tượng là lao động làm việc ở cơ sở kinh doanh dịch vụ, đối tượng bán vé số lưu động. Tổng kinh phí đã chi hỗ trợ là đến thời điểm này là 79,5 triệu đồng được sử dụng từ nguồn ngân sách huyện.

Trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, các ngành rà soát, hướng dẫn cho NLĐ, doanh nghiệp khẩn trương, quyết liệt thực hiện các chính sách để kịp thời hỗ trợ cho các nhóm đối tượng còn lại trong thời gian sớm nhất, hiệu quả nhất. Đồng thời, kiến nghị bổ sung đối tượng lao động là người của huyện Thuận Bắc làm việc tại các công ty đóng tại Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, số lao động này chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số thật sự khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.