Kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp để khôi phục sản xuất, kinh doanh

Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh ta có 3.730 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, với tổng vốn đăng ký 73.916 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ tháng 7 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đa số các DN trên địa bàn tỉnh đã phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh (SXKD) hoặc phải tạm ngừng hoạt động, trong đó ảnh hưởng nặng nhất là ngành vận chuyển hành khách, hàng hóa, du lịch, lưu trú, ăn uống giảm từ 70-80%.

Theo số liệu tổng hợp từ các sở, ngành, địa phương, trong đợt dịch lần này, toàn tỉnh có khoảng 3.400 DN bị ảnh hưởng, chiếm trên 91% tổng số DN; đồng thời, có 1.379 hộ kinh doanh phải ngừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội. Riêng tại các khu, cụm công nghiệp, trong thời gian giãn cách xã hội có 13 DN thực hiện theo phương án “3 tại chỗ”, với tổng số trên 600 lao động; 9 DN không đáp ứng được điều kiện sản xuất “3 tại chỗ” nên phải tạm ngưng hoạt động; một số DN chỉ hoạt động 1/3 công suất. Tổng số lao động trong các khu công nghiệp ngừng việc là 1.781 người.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp DN khôi phục hoạt động SX-KD, ứng phó với dịch COVID-19, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nhanh các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách hỗ trợ DN, người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo tinh thần các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, đối với lĩnh vực lao động, việc làm, đến ngày 10-8-2021 đã tiếp nhận và thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 18.538 lao động với số tiền trên 5,74 tỷ đồng; hỗ trợ 242 hộ kinh doanh với số tiền 726 triệu đồng; đã hỗ trợ cho 10.618 lao động tự do số tiền 15,927 tỷ đồng và hỗ trợ tạm dừng đóng các khoản bảo hiểm, hỗ trợ vay vốn trả lương cho người lao động theo quy định.

Dây chuyền sản xuất nha đam của Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt. Ảnh: Uyên Thu

Đối với lĩnh vực tín dụng, đến ngày 31-7-2021 có 190 DN vay vốn bị ảnh hưởng dịch COVID-19 với số dư nợ 2.854 tỷ đồng, chiếm 23,4% tổng dư nợ của các DN. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại còn thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 54 DN với số tiền 284 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho 11 trường hợp với số tiền 1,7 tỷ đồng; đồng thời điều chỉnh giảm mức lãi suất cho vay bình quân từ 0,5-1,5% đối với các khoản vay phát sinh trước ngày 15-7-2021 cho khách hàng là DN.

Về hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19-4-2021 của Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Cục Thuế tỉnh có văn bản hướng dẫn cụ thể đến các DN, hộ kinh doanh, các cá nhân thuộc đối tượng hỗ trợ được biết, thực hiện. Tính đến tháng 7-2021, tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn nộp là 162,5 tỷ đồng/412 DN, hộ kinh doanh; UBND các huyện, thành phố đã phê duyệt hồ sơ hỗ trợ cho 493/1.379 hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng dịch COVID-19 theo quy định tại Điều 35, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của các DN, nhất là những DN tham gia chuỗi cung ứng quốc tế trong một số ngành như năng lượng tái tạo, dệt may, du lịch, nhà hàng, khách sạn, xuất khẩu tôm, nhân điều... Trên cơ sở đánh giá tình hình DN và tổng hợp kiến nghị, đề xuất của từ sở, ngành, hiệp hội DN, tỉnh ta xác định tiếp tục triển khai nhanh, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 5-1-2021 của UBND tỉnh, trong đó rà soát, sắp xếp lại thứ tự ưu tiên, lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, nhất là đẩy mạnh các hoạt động SXKD, bù đắp, giảm thiểu các thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Công ty Cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú đầu tư thiết bị công nghiệp hiện đại để vận hành sản xuất. Ảnh: VN

Đặc biệt, để tái khởi động lại các hoạt động SXKD, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm thực hiện đạt các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, đồng thời bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế địa phương, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị có liên quan tiếp tục đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng DN vượt qua khó khăn. Tập trung rà soát khó khăn, vướng mắc của từng ngành, từng lĩnh vực để kịp thời giải quyết, tháo gỡ cho DN với phương châm “Sớm nhất - Hiệu quả nhất” nhằm giảm bớt thiệt hại, tác động tiêu cực cho DN, tạo điều kiện cho DN sớm phục hồi, ổn định tình hình SXKD.

Tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là DN đang thiếu hụt lao động do ảnh hưởng của dịch COVID-19; có phương án hỗ trợ đào tạo nghề phù hợp để đáp ứng nhu cầu lao động của DN. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hiệp hội DN, Hội Doanh nhân trẻ, các hội ngành nghề, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động cộng đồng DN và Nhân dân hưởng ứng thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục khó khăn, sớm khôi phục và phát triển kinh tế, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” đã đề ra. Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng giá điện theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg đến hết tháng 4-2022 (thay vì trước ngày 1-11-2021), nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư, các DN ổn định tình hình SXKD, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.