Tin kinh tế tổng hợp

* Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng tăng 21,2% so với cùng kỳ

Báo cáo tình hình KT-XH tháng 8 và 8 tháng năm 2021 của Tổng cục Thống kê cho biết kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước (tháng 7 đạt 27,86 tỷ USD) và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 55,69 tỷ USD, tăng 10,5%, chiếm 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 156,86 tỷ USD, tăng 25,5%, chiếm 73,8%.

Trong 8 tháng qua, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó 6 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 63,1%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 8 tháng, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 2,29 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 189,28 tỷ USD, tăng 22,5%. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 15,4 tỷ USD, tăng 14,9%. Nhóm hàng thủy sản đạt 5,58 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,2 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 32,7 tỷ USD, tăng 19,8%. Thị trường EU đạt 26,1 tỷ USD, tăng 14,5%. Thị trường ASEAN đạt 18,4 tỷ USD, tăng 23,3%. Hàn Quốc đạt 13,9 tỷ USD, tăng 9,9%. Nhật Bản đạt 13,5 tỷ USD, tăng 8,6%.

Về nhập khẩu hàng hóa (thực hiện), tháng 8 ước đạt 27,5 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng trước (tháng 7 đạt 29,11 tỷ USD) và tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 216,26 tỷ USD, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 76,05 tỷ USD, tăng 29,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 140,21 tỷ USD, tăng 36,4%.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 8 tháng năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 204,16 tỷ USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 96,6 tỷ USD, tăng 27,2%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 107,56 tỷ USD, tăng 41,6%. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 12,1 tỷ USD, tăng 24%.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 8 ước tính nhập siêu 1,3 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 3,71 tỷ USD (cùng kỳ năm 2020 xuất siêu 13,69 tỷ USD).

* Giảm giá điện, tiền điện đợt 5 do ảnh hưởng của dịch COVID-19

Ngày 28/8, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5) cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 như đề xuất của Bộ Công Thương.

Đối tượng được hỗ trợ giảm tiền điện đáp ứng các điều kiện sau: Các khách hàng sử dụng điện là các nhà máy hoặc cơ sở sản xuất đặt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại thời điểm ngày 25/8/2021 đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và đang duy trì sản xuất trong các lĩnh vực: doanh nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản; doanh nghiệp chế biến và bảo quản rau quả; doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ ÚD.

Các khách hàng sử dụng điện mua điện trực tiếp từ Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoặc các đơn vị bán lẻ điện khác.

Về mức hỗ trợ giảm giá điện: Giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hoá đơn tiền điện cho các khách hàng trên.

Thời gian hỗ trợ giảm tiền điện cho khách sử dụng điện là 3 tháng tại các kỳ hoá đơn tiền điện tháng 9 đến hết kỳ hóa đơn tiền điện tháng 11 năm 2021.

Theo ước tính của EVN, trong đợt 5, số tiền hỗ trợ giảm giá điện cho khách hàng sử dụng điện là khoảng 650 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế VAT). Danh sách nhà máy, cơ sở sản xuất được giảm tiền điện do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận trên cơ sở đăng ký kinh doanh và thực tế sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn và cung cấp cho các đơn vị điện lực.

Các đối tượng được giảm giá điện, giảm tiền điện khác tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 2/6/2021 và Nghị quyết 83/NQ-CP ngày 31/7/2021 của Chính phủ.

* Vaccine COVID-19 Nanocovax đang chờ quyết định cấp phép khẩn cấp

Ngày 28/8, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia cho biết vaccine Nanocovax đã được Hội đồng thông qua, đang chờ cấp phép khẩn cấp. Theo đó, kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3a đối với vaccine phòng COVID-19 Nanocovax trên hơn 1.000 tình nguyện viên đã được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia chấp thuận.

Thời gian để cấp giấy đăng ký cho một loại vaccine đủ điều kiện lưu hành là trong vòng 20 ngày. Tuy nhiên, nếu vaccine Nanocovax bảo đảm mọi yêu cầu đặt ra, thời gian cấp phép có thể ngắn hơn, thậm chí chỉ trong vòng dưới 1 tuần.

Trong tối đa 20 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) sẽ cấp giấy đăng ký lưu hành vaccine. Sau khi được cấp giấy lưu hành, đơn vị đăng ký vẫn phải tiếp tục phối hợp với cơ sở sản xuất thực hiện nghiên cứu lâm sàng và cập nhật dữ liệu lâm sàng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Vaccine là sản phẩm đặc biệt, không chỉ có tác động tới một người mà cả cộng đồng, chính vì vậy, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, cần xem xét cẩn thận, kỹ lưỡng, đặc biệt có sự tham vấn của các nhà khoa học uy tín, các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (USCDC)… và có những bước đi cẩn trọng từng bước để có thể đánh giá về tính an toàn (ngắn hạn và dài hạn), sự ổn định và sự bền vững của tính sinh miễn dịch, đặc biệt là hiệu quả bảo vệ.

* CPI tháng 8 tăng 0,25%

Theo Tổng cục Thống kê, giá lương thực, thực phẩm tăng (chủ yếu tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg) là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0,25% so với tháng 7, tăng 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 2,82% so với tháng 8/2020.

Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm 2021, CPI tăng 1,79% so với cùng kỳ năm 2020 và là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 8 tháng năm 2021 tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm 10,5% so với tháng trước

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên cả nước, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động thương mại dịch vụ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,7% (cùng kỳ năm 2020 giảm 1,1%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước tính đạt 279,8 nghìn tỷ đồng, giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 33,7% so với cùng kỳ năm trước.

* Trong 8 tháng có 85.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Theo số liệu vừa được Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, trong 8 tháng có tới 85.500 doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Con số này tăng tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Số liệu thống kê cho thấy, trong tổng số 85.500 doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng qua, riêng TP.HCM có 24.000 doanh nghiệp, chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 6,6%.

Trong số hơn 85.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, có 43.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước; 30.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5%; 12.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8%.

Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 10.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong đó, riêng tháng 8/2021 có 6.441 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Trong số hơn 85.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, có 43.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước; 30.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5%; 12.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8%.

Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 10.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong đó, riêng tháng 8/2021 có 6.441 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Ngược lại, trong tháng 8/2021, cả nước chỉ có 5.761 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 68.000 tỷ đồng và số lao động đăng ký 43.400 người, giảm 34,1% về số doanh nghiệp, giảm 44,6% về vốn đăng ký và giảm 39,1% về số lao động so với tháng 07/2021.

* Lũy kế xuất khẩu lâm sản 8 tháng ước đạt trên 11 tỷ USD

Ảnh minh họa.

Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 8/2021 ước đạt 949 triệu USD. Lũy kế 8 tháng ước đạt 11,217 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,426 tỷ USD, tăng 42%; lâm sản ngoài gỗ đạt 791 triệu USD, tăng 54% so cùng kỳ năm 2020.

Giá trị xuất siêu ước đạt 9,149 tỷ USD, tăng 45%. Các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc, hiện nay chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản.

* Khẩn trương xác minh thông tin mì Hảo Hảo, miến Good chứa chất cấm

Bộ Công Thương đã đề nghị Công ty cổ phần Acecook Việt Nam khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất và sự khác biệt giữa lô sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với 2 sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good do công ty sản xuất để đánh giá sự xuất hiện chất Ethylene Oxide (là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế) trong sản phẩm như cảnh báo nêu.

Trước đó, truyền thông đưa tin "cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ngày 20/8 đã ra cảnh báo về một số lô sản phẩm mì, miến ăn liền bị thu hồi khỏi các cửa hàng và siêu thị ở nước này do chứa chất ethylene oxide".

Ethylene oxide - được xác định trong 3 lô sản phẩm mì, miến ăn liền khác nhau từ Việt Nam và Trung Quốc, thuộc danh mục chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở thị trường Liên minh châu Âu (EU) mà Ireland là thành viên, nhưng vẫn được một số nước ngoài EU chấp thuận sử dụng.

* ACECOOK khẳng định sản phẩm tại thị trường Việt Nam vẫn đảm bảo an toàn

Chiều 28/8, thông tin tại họp báo về việc sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Ireland bị thu hồi, ông Kajiwara Junichi, Tổng Giám đốc Công ty ACECOOK Việt Nam cho biết, cơ quan quản lý thực phẩm Ireland cho biết đã thu hồi lô hàng sản phẩm xuất khẩu của ACECOOK Việt Nam do liên quan đến chất Ethylene Oxide. Các sản phẩm bị thu hồi bao gồm Miến Good (hương vị sườn heo, loại 56gr, ngày sản xuất 10/5/2021) và Mì Hảo Hảo (hương vị tôm chua cay, loại 77gr, ngày sản xuất 24/3/2021).

Theo ông Kajiwara Junichi, Ethylene Oxide (khí EO hoặc ETO) hiện nay được sử dụng rộng rãi với tác dụng tiệt trùng các vật tư dụng cụ trong lĩnh vực y tế, thiết bị chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, ETO cũng được sử dụng để diệt vi sinh vật trong một số loại gia vị, rau sấy và được chấp thuận tại một số quốc gia như Mỹ và Canada.

Tổng Giám đốc Công ty ACECOOK Việt Nam khẳng định, là một công ty sản xuất các sản phẩm ăn liền đến từ Nhật Bản, ACECOOK Việt Nam luôn coi trọng sự minh bạch, sự thật cũng như chất lượng của sản phẩm và sự an toàn của người tiêu dùng. Ông Kajiwara Junichi cam kết, tất cả các sản phẩm đang lưu hành tại thị trường Việt Nam đều tuân thủ quy định và pháp luật Việt Nam, đảm bảo an toàn đối với sức khỏe của người tiêu dùng. Hai sản phẩm nói trên là sản phẩm xuất khẩu, dành riêng cho thị trường châu Âu, không phải sản phẩm nội địa.

ACECOOK Việt Nam tuyệt đối tuân thủ các quy định (của Việt Nam, châu Âu, Nhật, Úc và New Zealand) về việc không sử dụng ETO trong bất kỳ khâu nào của công nghệ bảo quản nguyên liệu sản xuất, lưu trữ. Các nhà cung cấp nguyên liệu cũng khẳng định với ACECOOK Việt Nam rằng không sử dụng Ethylene Oxide trong quy trình sản xuất..

ACECOOK Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới từ năm 1995. Đến nay, sản phẩm của doanh nghiệp đã có mặt tại 40 thị trường, trong đó có 2 thị trường lớn là Nhật Bản và Mỹ.