Cây sả chữa đau dạ dày

Trong Đông y, sả được dùng làm thuốc chữa bệnh với tên gọi là hương thảo hay hương mao. Dược liệu có vị the, cay, mùi thơm, tính ấm. Có tác dụng làm ra mồ hôi, chống viêm, thông tiểu, tiêu đờm, hạ khí, sát khuẩn.

Xông giải cảm: Lá sả, hương nhu, cúc tần, lá chanh, lá bưởi, tía tô, bạc hà, kinh giới mỗi thứ 50g. Đun sôi trong 5 - 10 phút trong nồi đậy kín. Trùm chăn kín, xông hơi thuốc cho ra mồ hôi, lau khô, uống 1 bát nước thuốc (đã lấy ra từ trước khi xông) rồi đắp chăn, nằm nghỉ sẽ khỏi.

Chữa chứng ho: Rễ cây sả, sinh khương, trần bì, tô tử mỗi vị 250g (giã nát cả 4 vị ngâm vào rượu 40 độ khoảng 200ml). Bách bộ bỏ lõi thái nhỏ sao khô 500g, mạch môn bỏ lõi 300g, tang bạch bì tẩm mật, sao vàng 200g (3 vị này sắc đặc còn 300ml ở dạng cao lỏng). Rượu thuốc trộn với cao lỏng. Mỗi lần uống 10ml, ngày uống 2 - 3 lần.

Chữa chứng tiêu chảy: Lấy 10g rễ sả, 6g vỏ quýt, 6g hậu phác, 8g củ gấu, 8g vỏ rụt, sắc với nước để uống.

Trị chứng đau dạ dày, tá tràng: 10g rễ sả sao vàng, 4g thạch xương bồ, 4g củ riềng nướng, 6g hậu phác tẩm nước gừng sao, 8g hương phụ sao, 10g cám gạo rang cháy, dạ dày lợn sấy khô giòn một cái. Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 12g với nước ấm.

Chữa chứng đầy trướng bụng, tay chân gày gò: Lấy 12g lá sả, 10g hồi hương, 10g vỏ bưởi, 10g mộc thông, 10g cỏ bấc, 10g thạch tả. 0,05g xạ hương diêm tiêu 2g, bồ hóng 2g, quế 5g. Tất cả sắc với 200ml nước trong 15 - 30 phút. Uống trong ngày làm 2 lần. Nên ăn trước khi uống thuốc và kiêng không ăn cơm nếp, muối.

Theo Tiền Phong Online