Thập kỷ Hành động vì an toàn giao thông đường bộ

Thế giới có thể cứu sống 5 triệu mạng người, ngăn chặn 50 triệu ca thương tích nghiêm trọng và tiết kiệm được 5.000 tỷ trong suốt thập kỷ.

Ngày 11-5, hàng chục quốc gia trên khắp thế giới phát động Thập kỷ Hành động vì An toàn Giao thông Đường bộ 2011-2020 lần đầu tiên trên toàn cầu. Từ New Zealand tới Mexico, từ Liên bang Nga tới Nam Phi, các Chính phủ đều cam kết thực hiện các bước đi mới nhằm cứu mạng sống trên các tuyến đường. Thập kỷ Hành động sẽ ngăn chặn các ca tử vong và thương tích do tai nạn giao thông đường bộ mà theo các chuyên gia ước tính có thể cướp đi mạng sống của 1,9 triệu người mỗi năm từ nay tới năm 2020 nếu không có một quy mô lớn trên toàn cầu về các nỗ lực ngăn chặn.

Nhằm ghi dấu sự khởi đầu của Thập kỷ Hành động, các Chính phủ và các bên hữu quan tại hơn 70 quốc gia đã báo cáo với WHO về kế hoạch đăng cai tổ chức các sự kiện và đưa ra các kế hoạch quốc gia nhằm cải thiện độ an toàn và dịch vụ cho các nạn nhân. Một số đài kỷ niệm quốc gia cũng sẽ được chiếu "thẻ" an toàn giao thông đường bộ, một biểu tượng mới của Thập kỷ Hành động. Những nơi này bao gồm Quảng trường Thời đại tại Thành phố New York; tượng Chúa Cứu thế tại Rio de Janeiro; Quảng trường Trafalgar tại London; đài phun nước tại Geneva và Chợ Đồng Xuân lịch sử tại Hà Nội.

"Hôm nay Việt Nam cùng với các quốc gia và cộng đồng trên toàn thế giới tuyên bố hỗ trợ hành động thiết yếu nhằm cứu mạng sống trên các tuyến phố và đường cao tốc", Tiến sỹ Graham Harrison, quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết. "Thương tật và tử vong do các vụ va chạm giao thông đường bộ gây ra là một mối quan ngại ngày càng tăng về sức khoẻ và sự phát triển có tác động đến tất cả các quốc gia, và Thập kỷ Hành động này đưa ra một khung làm việc về sự ứng phó tăng cường".

Thương tật do tai nạn giao thông đường bộ đã trở thành nguyên nhân hàng đầu cướp đi mạng sống của những thanh niên từ 15-29 tuổi. Khoảng 1,3 triệu người chết mỗi năm trên đường trên toàn thế giới, khiến tai nạn giao thông đường bộ thành nguyên nhân đứng thứ chín gây tử vong trên toàn cầu. Bên cạnh những trường hợp tử vong này, các vụ va chạm giao thông đường bộ còn gây ra khoảng 50 triệu ca thương tích không tử vong mỗi năm.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Y tế, chấn thương do tai nạn đường bộ đặt ra một gánh nặng to lớn lên toàn xã hội, lấy đi hơn 14.000 mạng sống và gây ra thêm 140.000 ca thương tích phải nhập viện vào năm 2009.

Tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, chăm sóc khẩn cấp và các dịch vụ hỗ trợ khác cho các nạn nhân giao thông đường bộ vẫn còn thiếu. Sự quá tải các ca thương tích có thể phòng tránh được đã làm tăng sức ép lên các dịch vụ chăm sóc y tế.

Kế hoạch Toàn cầu phác thảo các bước nhằm cải thiện độ an toàn của các con đường và phương tiện giao thông; tăng cường các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp; và xây dựng hệ thống quản lý độ an toàn của đường xá nói chung, tất cả các lĩnh vực này cũng được đề cập trong bản thảo chiến lược an toàn giao thông đường bộ quốc gia. Điều này cũng kêu gọi tăng cường lập pháp và hành pháp trong việc sử dụng mũ bảo hiểm, đai an toàn và ghế ngồi trẻ em trên ô tô, tránh uống rượu bia khi lái xe và chạy quá tốc độ quy định. Hiện nay chỉ có 15% quốc gia có các quy định tổng thể đề cập tới tất cả các nhân tố này.

Theo VOV