Lựa chọn những phụ nữ tiêu biểu tham gia Quốc hội và HÐND các cấp

Các xét nghiệm viên của Khoa xét nghiệm Bệnh viện Phổi Trung ương
trao đổi về tiêu bản xét nghiệm đờm đạt tiêu chuẩn.

 

Phụ nữ Việt Nam giữ vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta qua mọi thời kỳ đều xuất hiện những tấm gương phụ nữ tài giỏi, tiêu biểu đã được ghi vào sử sách, lưu truyền từ đời này sang đời khác, có đóng góp to lớn, gắn liền với các sự kiện trọng đại của đất nước và của dân tộc.

Ðặc biệt, từ khi có Ðảng lãnh đạo, phụ nữ Việt Nam luôn phát huy truyền thống, tiềm năng, sức sáng tạo, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, xứng danh với tám chữ vàng đã được Bác Hồ khen tặng 'Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Ðảm đang'.

Ngày nay, với 50,5% dân số và hơn 47% lực lượng lao động xã hội, phụ nữ là lực lượng lao động cần cù, năng động, sáng tạo, có nhiều đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trong nông nghiệp, phụ nữ chiếm 50,18% lực lượng lao động, đã góp phần bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, sản xuất nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế, giải quyết nhiều việc làm, tăng thu nhập, làm giàu cho gia đình và xã hội. Trong sản xuất công nghiệp, phụ nữ chiếm lực lượng đông đảo trong các ngành chế biến, dệt may, da giày...; không ngừng nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ mới, sản xuất ra nhiều sản phẩm với chất lượng cao, xuất khẩu vào nhiều thị trường lớn trên thế giới, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước...

Trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ phụ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo ở các cấp, các ngành ngày càng tăng.

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, hơn 90% số phụ nữ biết đọc, biết viết; nữ có trình độ từ cao đẳng trở lên chiếm gần 50%, trong đó thạc sĩ chiếm 39,1% trên tổng số thạc sĩ; tỷ lệ nữ có trình độ tiến sĩ, được phong hàm PGS, GS tăng dần ở những năm gần đây và được trẻ hóa; tỷ lệ nữ nhà giáo, nghệ sĩ, Thầy thuốc Nhân dân, ưu tú ngày càng tăng...

Với lực lượng phụ nữ đông đảo, có năng lực, trình độ như trên, trong cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIII và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, chúng ta có thể lựa chọn được những phụ nữ đủ tiêu chuẩn, tiêu biểu và đủ điều kiện tham gia Quốc hội và HÐND các cấp. Ðây cũng là dịp để Việt Nam thực hiện Luật Bình đẳng giới.

Ngay từ khi thành lập (1930), trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Ðảng ta đã ghi: 'Nam nữ bình quyền'. Ðảng sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Ðảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở để thật sự bảo đảm quyền lợi của phụ nữ và phải có phương pháp đào tạo và giúp đỡ để nâng cao hơn nữa địa vị của phụ nữ. Trong Di chúc thiêng liêng để lại cho Ðảng và nhân dân ta trước lúc đi xa, Người đã nhắc nhở: Ðảng, Chính phủ phải có trách nhiệm trong việc 'bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo'...

Trong thời kỳ đổi mới, Ðảng và Nhà nước đã tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, pháp luật, chính sách nhằm động viên phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Ðối với việc tăng tỷ lệ nữ tham gia lĩnh vực chính trị, nhất là vào các cơ quan dân cử, đã có: Nghị quyết 11-NQ/T.Ư ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về 'Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước'; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội; Luật Bầu cử đại biểu HÐND; gần đây có Tờ trình số 11/TTr-CP của Chính phủ ngày 11-2-2011 về tỷ lệ nữ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HÐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016... đều đề ra mục tiêu phải bảo đảm tỷ lệ thích đáng đại biểu HÐND, đại biểu Quốc hội là phụ nữ.

Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước ta. Vì vậy, trong Quốc hội phải có người đại diện cho các tầng lớp, các nhóm xã hội, trong đó bao gồm cả phụ nữ. Sự tham gia của các đại biểu nữ trong Quốc hội và HÐND các cấp là hết sức cần thiết. Nhìn lại lịch sử Quốc hội Việt Nam 65 năm qua, cho thấy ngay nhiệm kỳ Quốc hội khóa I, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, đã có mười phụ nữ ưu tú được bầu vào Quốc hội. Từ đó đến nay, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội tăng dần và cao nhất là nhiệm kỳ Quốc hội khóa V (32,3%); nhiệm kỳ hiện tại (khóa XII) có 25,76%. Chất lượng nữ đại biểu Quốc hội ngày càng nâng lên. Quốc hội khóa XII, tỷ lệ nữ đại biểu có trình độ đại học và trên đại học chiếm 91,46%; tỷ lệ nữ đại biểu HÐND nhiệm kỳ 2004-2011 trung bình cả nước chiếm 23,80% ở cấp tỉnh; 22,94% ở cấp huyện và 19,53% ở cấp xã. Tuy nhiên, nhìn chung, tỷ lệ nữ trong Hội đồng Nhân dân ở các cấp đều thấp.

Nguyên nhân là do nhận thức của nhân dân về bình đẳng giới, về vai trò, vị trí, sự đóng góp của phụ nữ chưa đầy đủ. Một bộ phận nhân dân còn quan niệm phụ nữ chỉ phù hợp công việc nội trợ, chăm sóc gia đình...

Dù Ðảng và Nhà nước đã quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhưng việc tổ chức thực hiện còn hạn chế, còn thiếu những biện pháp giúp phụ nữ cân bằng giữa công việc và gia đình. Bản thân người phụ nữ còn thiếu tự tin, cho rằng mình không đủ năng lực ứng cử vào Quốc hội và HÐND. Một số ít nữ ứng cử viên chưa nhận được sự ủng hộ từ những người thân trong gia đình.

Một bộ phận nữ cử tri chưa nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của bản thân trong bầu cử, về sự cần thiết có tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, HÐND đại diện cho phụ nữ trong cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước và địa phương; chưa ủng hộ phụ nữ tham gia các cơ quan dân cử.

Các nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu HÐND không chỉ đại diện cho cử tri mà còn đại diện cho phụ nữ. Họ gắn bó với phụ nữ, thấu hiểu sâu sắc tâm tư, nguyện vọng chính đáng của phụ nữ; phản ánh và đề xuất với Quốc hội, HÐND thông qua hoạt động xây dựng pháp luật, chính sách, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và địa phương bảo đảm quyền lợi của phụ nữ.

Ðể thực hiện được vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của phụ nữ, các nữ đại biểu Quốc hội, HÐND phải có mối liên hệ chặt chẽ với cử tri nữ để tìm hiểu tâm tư, mong muốn, nhu cầu chính đáng, mối quan tâm của phụ nữ. Từ đó tập hợp, phản ánh với Quốc hội thông qua hoạt động xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, hoạt động chất vấn và việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Cộng đồng quốc tế đã thể hiện những cam kết quan trọng vì sự bình đẳng và quyền con người của phụ nữ bằng các văn bản mang tính pháp lý quan trọng, đó là sự ra đời của Công ước quốc tế về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW-1981); Cương lĩnh hành động Bắc Kinh vì Bình đẳng giới, Phát triển và Hòa bình của Liên hợp quốc (1995); Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ, trong đó ở Mục tiêu số 3 có nhấn mạnh việc 'Tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế của phụ nữ'.

Với những đóng góp to lớn của phụ nữ cho sự nghiệp phát triển của đất nước từ trước đến nay, nhất là trong quá trình đổi mới vừa qua, chúng ta hy vọng rằng, nhiều ứng cử viên là nữ sẽ được cử tri lựa chọn bầu vào Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.

Nguồn Báo Nhân Dân online