Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới

Ngày 17-8-2021, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy ký ban hành Kế hoạch số 66-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới (gọi tắt là quyết 02-NQ/TW)

Kế hoạch đề ra mục tiêu tổng quát về thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW: Xây dựng các cấp công đoàn trong tỉnh ngày càng vững mạnh toàn diện, có năng lực đáp ứng yêu cầu giải quyết các vấn đề đặt ra và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động trên địa bàn tỉnh; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước và địa phương.

Các chỉ tiêu cụ thể như sau:

- Đến năm 2025: Phấn đấu có 35.000 đoàn viên công đoàn trên toàn tỉnh, 100% doanh nghiệp có 25 công nhân, lao động trở lên đều thành lập tổ chức công đoàn trên toàn tỉnh. Phấn đấu 80% trở lên các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn ký kết được thoả ước lao động tập thể.

Công nhân Công ty Cổ phần Dệt may Quảng Phú (Ninh Sơn) vào ca sản xuất. Ảnh: Văn Nỷ

- Đến năm 2030: Phấu đấu có 40.000 đoàn viên công đoàn trên toàn tỉnh; các doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam đều thành lập tổ chức Công đoàn để đại diện chăm lo bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Phấn đấu 85% trở lên các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn ký kết được thoả ước lao động tập thể.

- Đến năm 2045: Hầu hết người lao động tại cơ sở là đoàn viên Công đoàn Việt Nam; 99% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn ký kết được thoả ước lao động tập thể.

Kế hoạch đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, đó là:

1. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động; tập trung phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở

Các cấp công đoàn tăng cường nghiên cứu, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, để công nhân lao động thấy rõ quyền, lợi ích khi gia nhập tổ chức công đoàn.

Tăng cường đổi mới công tác vận động, thuyết phục để người sử dụng lao động hiểu đúng về tổ chức công đoàn, ủng hộ thành lập công đoàn tại cơ sở, bảo đảm quyền của người lao động được tham gia hoạt động trong tổ chức công đoàn theo quy định của pháp luật.

Từng bước đơn giản hóa thủ tục kết nạp đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở theo hướng linh hoạt, chủ động, kịp thời, thiết thực. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 20/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp.

2. Tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Tiếp tục nâng cao hiệu quả mô hình tổ chức công đoàn các cấp; tập trung nâng cao chất lượng công đoàn cơ sở và cấp trên cơ sở, nhất là công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; công đoàn khu công nghiệp. Xem xét xây dựng các nghiệp đoàn (nghề cá, dịch vụ, xây dựng...) để thu hút, tập hợp, bảo vệ người lao động. Các cấp công đoàn cần ưu tiên thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng. Thực hiện tốt chức năng hướng dẫn, hỗ trợ cho công đoàn cấp dưới.

Đẩy mạnh sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy của công đoàn các cấp theo hướng rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp công đoàn, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Thành lập các Tổ Tư vấn pháp luật ở các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có đông công nhân, người lao động. Đổi mới việc theo dõi, đánh giá, xếp loại chất lượng công đoàn phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Tập trung củng cố, kiện toàn các công đoàn cơ sở yếu kém. Có các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp.

Tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bảo đảm về số lượng, nâng cao về chất lượng, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp. Người đứng đầu tổ chức công đoàn phải có uy tín cao, am hiểu sâu sắc và có kinh nghiệm thực tiễn về công tác vận động quần chúng, nhất là vận động công nhân, người lao động và chủ doanh nghiệp. Cơ cấu cấp uỷ các cấp có tỉ lệ hợp lý người trưởng thành từ công nhân, công đoàn. Cấp uỷ thống nhất với công đoàn cấp trên trong việc đề bạt, điều động, luân chuyển chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cùng cấp. Có cơ chế, chính sách phù hợp trong công tác tuyển dụng cán bộ công đoàn nhất là cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân để thu hút, tạo động lực cho cán bộ công đoàn. Bố trí biên chế cán bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của công đoàn trong tình hình mới.

3. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu tình hình mới

Các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh căn cứ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, công nhân, người lao động để xác định nội dung và mục tiêu hoạt động; xây dựng niềm tin, tạo sự gắn kết giữa người lao động với tổ chức công đoàn để Công đoàn Việt Nam thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động.

Tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, trình độ, kỹ năng, tác phong công nghiệp, hiểu biết pháp luật, kỷ luật lao động... cho đoàn viên, công nhân, người lao động. Có biện pháp phù hợp phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng, lôi kéo, kích động công nhân, người lao động đình công trái pháp luật, biểu tình, gây rối, làm mất an ninh, trật tự.

Thường xuyên, chủ động phối hợp với người sử dụng lao động chăm lo lợi ích, bảo đảm quyền của người lao động; kịp thời giám sát, giải quyết và kiến nghị giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân, người lao động; tích cực xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.

Tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước theo hướng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, lĩnh vực; biểu dương, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích, quan tâm đến cán bộ công đoàn cơ sở, tập thể và người lao động trực tiếp; chú trọng phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình hoạt động sáng tạo, hiệu quả.

Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo hướng khoa học, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, người lao động; phát huy dân chủ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hướng về cơ sở, coi trọng công tác phối hợp, nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội; kiên quyết chống quan liêu, hình thức và bệnh thành tích...

Tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ của các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh.

4. Xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn

Thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn, tài sản công đoàn bảo đảm công khai, minh bạch đúng quy định pháp luật. Chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa tổ chức công đoàn với các cơ quan chức năng (ngành thuế, bảo hiểm), triển khai quyết liệt các giải pháp để thu đúng, thu đủ và kịp thời, chống thất thu kinh phí và đoàn phí công đoàn; các giải pháp huy động nguồn lực xã hội, tăng nguồn thu cho công đoàn các cấp để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài chính, tài sản công đoàn, ưu tiên nguồn lực thực hiện nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tăng cường kiểm tra, thanh tra và giám sát tài chính, tài sản công đoàn. Chủ động, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực trong các cấp công đoàn; chấn chỉnh kịp thời, xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản.

5. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động công đoàn

Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng đối với tổ chức và hoạt động công đoàn, tạo điều kiện để công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; Giao nhiệm vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Các cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên lãnh đạo, định hướng để tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ra đời và hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, tuân thủ pháp luật; phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để xâm phạm quyền, lợi ích người lao động và doanh nghiệp, gây mất an ninh, trật tự.

Đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến để các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội nhận thức đẩy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ; thời cơ, thách thức và những vấn đề mới đặt ra đối với tổ chức công đoàn trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và phê chuẩn các công ước quốc tế liên quan đến lao động, công đoàn.

Tập trung lãnh đạo công tác phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước theo Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 26/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

- Các cấp uỷ phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với công đoàn cấp trên trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức, cán bộ và hoạt động công đoàn cấp mình. Định kỳ hoặc khi cần thiết cấp ủy làm việc với Ban chấp hành công đoàn cùng cấp để nắm tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, công nhân, người lao động và chỉ đạo hoạt động công đoàn thời gian tới.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công nhân, công đoàn. Phát huy trách nhiệm nêu gương đảng viên là cán bộ công đoàn, nhất là người đứng đầu. Đảng viên làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia các hoạt động của công đoàn.

6. Tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội với công đoàn

Chỉ đạo tổ chức cho cán bộ, đoàn viên và người lao động tham gia nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn. Tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động các doanh nghiệp theo đúng pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước tích cực phối hợp với các cấp công đoàn trong tỉnh tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan và chính quyền các cấp tăng cường phối hợp với công đoàn; xây dựng các chương trình, quy chế phối hợp, kế hoạch hoạt động nhằm chăm lo, bảo đảm quyền lợi của người lao động, hỗ trợ và tạo điều kiện để công đoàn hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, thiết thực, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp đông công nhân lao động, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Người đứng đầu chính quyền các cấp định kỳ đối thoại và chỉ đạo giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, công nhân, người lao động.

- Chính quyền các cấp có cơ chế huy động, bố trí nguồn lực tài chính thoả đáng để nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo, giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của người lao động, nhất là nhà ở, nơi vui chơi, giải trí, xử lý các tình huống đột xuất ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập.

Quản lý tốt sự ra đời, bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích của các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; có các biện pháp phù hợp, hiệu quả để thu hút, vận động, định hướng tổ chức này gia nhập Công đoàn Việt Nam. Tăng cường tuyên truyền để người sử dụng lao động, công nhân, người lao động nhận diện các hành vi lợi dụng việc thành lập và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để xâm phạm an ninh quốc gia, gây mất an ninh, trật tự.

Các cấp công đoàn chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội cùng cấp, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội xây dựng các chương trình phối hợp, thoả thuận hợp tác có tính lâu dài, toàn diện, tạo sức mạnh tổng hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn, huy động các nguồn lực chăm lo lợi ích cho đoàn viên, công nhân và người lao động; phối hợp tiến hành giám sát và phản biện xã hội trên địa bàn tỉnh.

Về tổ chức thực hiện Kế hoạch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 02 - NQ/TW và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Kế hoạch này phù hợp với đặc điểm, điều kiện tình hình thực tiễn của ngành, đơn vị, địa phương mình.

Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát, sửa đổi, bổ sung, cơ chế, chính sách có liên quan đến hoạt động công đoàn trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức tốt việc thi hành pháp luật; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện; tăng cường phối hợp hoạt động với Liên đoàn Lao động tỉnh.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh nghiên cứu, đề xuất những vấn đề về tuyển dụng, giao biên chế, chế độ, chính sách đối với cán bộ công đoàn chuyên trách, một số mô hình thí điểm về tổ chức và hoạt động công đoàn trên địa bàn tỉnh phù hợp trong tình hình mới.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền sâu rộng về nội dung Nghị quyết của Bộ Chính trị, Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và kết quả thực hiện.

Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết và Kế hoạch về Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy.