Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại Cảng cá Cà Ná

Hiện nay trên địa bàn tỉnh, tình hình dịch cơ bản được khống chế, nhưng đây là thời điểm vào vụ thu hoạch cá Nam, lượng tàu thuyền và lao động tập trung tại cảng khá đông. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, nhưng không làm đứt gãy hoạt động sản xuất, kinh doanh, Cảng cá Cà Ná (Thuận Nam) đang tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch để duy trì hoạt động.

Trong những ngày này, tàu thuyền vào Cảng cá Cà Ná với lượng cá đánh bắt được khá nhiều chủ yếu là cá cơm, cá nục. Nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, lực lượng quản lý cảng đã tăng cường các biện pháp quản lý, phòng dịch, nhất là kiểm tra chặt về phương tiện và người xuất nhập bến, người hoạt động trong khu vực cảng. Ông Phạm Văn Thành, lái xe vận chuyển hàng hóa trong cảng cho biết: Từ lúc có chốt kiểm dịch ở cảng, các ngành kiểm tra rất kỹ, Nhân dân yên tâm sản xuất và đồng tình với Ban Quản lý cảng cá, chấp hành các quy định về phòng, chống dịch; vào cảng đều phải đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, đảm bảo giãn cách, không tập trung đông người tại cùng một địa điểm.

Người dân chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19 khi vào Cảng cá Cà Ná.

Cùng với Ban Quản lý cảng cá, lực lượng Biên phòng cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương lập danh sách tàu cá, thuyền viên, nhất là người dân trước đó đã hoạt động tại vùng có dịch, người từ ngoại tỉnh vào để lấy mẫu xét nghiệm và theo dõi sức khỏe. Để quản lý hoạt động tại cảng cá, lực lượng Biên phòng đã trực phân luồng, quản lý, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm đối với thuyền viên tàu ngoài tỉnh khi tàu vừa cập cảng. Các thuyền viên đều được hướng dẫn, tuyên truyền nâng cao ý thức phòng dịch, tuân thủ yêu cầu cách ly, theo dõi sức khỏe. Thời gian gần đây, với lượng tàu và người hoạt động tại cảng tăng, Bộ đội Biên phòng đã tăng cường thêm lực lượng tại các chốt để phối hợp làm nhiệm vụ, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn phòng dịch.

Để tầm soát nguy cơ xuất hiện dịch, huyện Thuận Nam đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện tiến hành lấy mẫu xét nghiệm các đối tượng nguy cơ cao là người lao động, mua bán, lái xe hoạt động trên cảng. Đặc biệt, những phương tiện vận tải hàng hóa, tàu thuyền đánh bắt từ ngoài tỉnh, vùng có dịch khi đến phải khai báo và bắt buộc lấy mẫu xét nghiệm tại cảng. Chính quyền địa phương, Trung tâm Y tế cũng đã phối hợp Ban Quản lý cảng cá tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh và trực tiếp tại cảng qua công tác kiểm tra, giám sát phòng dịch.

Theo Ban Quản lý Cảng cá Cà Ná, khoảng 10 ngày gần đây, lượng hải sản đánh bắt về cảng nhiều hơn trước, có ngày có trên 30 tàu cá và 10 tàu dịch vụ vào cảng, cảng chủ động hỗ trợ các tàu thuyền làm thủ tục nhanh, bốc dỡ hải sản khẩn trương, sớm rời cảng để không tập trung đông lượng tàu và người tại khu vực cảng, vừa tạo điều kiện để đẩy nhanh lưu thông hàng hóa, nhưng đồng thời phải tuân thủ các quy định phòng dịch. Quá trình kiểm soát, lực lượng chức năng đã xử phạt 9 trường hợp, không chấp hành quy định phòng, chống dịch.

Trong đợt đến kiểm tra tại Cảng cá Cà Ná gần đây, đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương cần chú trọng hơn nữa công tác phòng, chống dịch. Mặt khác sớm tháo gỡ các khó khăn, để bà con quay trở lại đánh bắt được an toàn, hiệu quả. Địa phương cần có sự phân loại đối với hoạt động của các tàu, có phương án phối hợp tạo điều kiện để khắc phục sự thiếu hụt nguồn lao động vì hiện nay lượng lao động ngoài tình đã về quê chưa thể quay lại làm việc. Chủ tàu cần lập danh sách nhu cầu thuyền viên với cơ quan chức năng, có phương án cụ thể trong việc quản lý thuyền viên, đảm bảo bố trí nơi ăn, nghỉ tập trung để hạn chế tiếp xúc với cộng đồng. Đặc biệt cần phải chú trọng kiểm soát nguồn nhân lực đầu vào, ưu tiên sử dụng lao động tại địa phương, trong tỉnh và giảm bớt lượng thuyền viên trên mỗi tàu. Trong điều kiện giãn cách, việc tiêu thụ hải sản gặp nhiều khó khăn, chủ yếu phục vụ chế biến nội tỉnh nên địa phương cần hài hòa giữa khai thác và tiêu thụ để duy trì sản xuất. Mặt khác, tăng cường việc mua bán trao đổi hàng hóa trên biển giảm bớt lượng tàu vào cảng và sớm tiêu thụ sản phẩm sau đánh bắt cho người dân.