Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh: Đồng hành cùng hộ nghèo và các đối tượng chính sách

Trong những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đẩy mạnh triển khai cho vay tín dụng đối hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Chính phủ để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Với mục tiêu phát triển theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực thực hiện tốt vai trò tín dụng chính sách xã hội, gắn liền với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, chi nhánh tập trung huy động nguồn lực từ Trung ương và địa phương để thực hiện có hiệu quả các chương trình cho vay tín dụng đảm bảo theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng CSXH, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã bám sát định hướng và sự chỉ đạo của NHCSXH Trung ương để tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác chỉ đạo các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể và chính quyền địa phương phối hợp cùng với NHCSXH, đưa nguồn vốn của Chính phủ trở thành công cụ thiết thực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, công tác lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và chuyển giao kỹ thuật luôn được quan tâm, chú trọng thực hiện. Các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập huấn kỹ thuật, giúp vốn vay phát huy đúng mục đích. Điển hình như gia đình chị Katơr Thị Hiền, ở thôn Bà Râu 2, xã Lợi Hải (Thuận Bắc), năm 2017, sau khi được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH, chị chuyển 1 sào đất trồng lúa sang trồng măng tây xanh; nhờ nắm vững kiến thức sản xuất, cây phát triển tốt, mỗi ngày cho thu hoạch từ 5-6 kg, giá thu mua 50.000 đồng/kg, thu lãi trên 250.000 đồng/ngày; đến nay, gia đình chị chính thức xóa tên khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Ông Châu Văn Vé, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thuận Bắc, nhìn nhận: Từ nguồn vốn vay của NHCSXH, phong trào phát triển sản xuất của hộ gia đình không ngừng lan tỏa, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao. Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 6.780 hộ vay vốn, với tổng dư nợ 299,400 tỷ đồng.

Vốn tín dụng chính sách, giúp nông dân xã Bắc Phong (Thuận Bắc)
đầu tư mô hình sản xuất cho thu nhập ổn định.

Từ đầu năm tới nay, doanh số cho vay của NHCSXH tỉnh là 492 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ 15 chương trình tín dụng đến cuối tháng 6-2021 đạt 2.489 tỷ đồng, với 75.340 khách hàng vay vốn; trong đó, cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo 1.445,2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 58% trên tổng dư nợ. Qua thực tế chứng minh, nguồn vốn vay của NHCSXH đã góp phần giúp hơn 28.800 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 5,74%; tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho hơn 15.000 lao động; trên 45.000 học sinh - sinh viên được vay vốn học tập; giúp 95% dân cư vùng nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh... Đảm bảo mục tiêu 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.

Ông Lê Minh Lộc, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh, cho biết: Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục bám sát chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, định hướng chiến lược giai đoạn 2021-2030 của tỉnh và rà soát đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội để xây dựng kế hoạch phù hợp, với mục tiêu tăng trưởng bình quân hằng năm khoảng 12%; tích cực tham mưu UBND tỉnh và các huyện, thành phố cân đối ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH; đẩy mạnh công tác huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân để thực hiện hiệu quả chương trình cho vay.