Các dự án điện gió đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương “về đích”

Thực hiện cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các dự án điện gió vận hành thương mại trước thời điểm ngày 1-11-2021 sẽ được hưởng ưu đãi về mức giá điện gió trong đất liền là 1.927 đồng/kWh. Để kịp thời “về đích” trước mốc thời gian quy định, các nhà đầu tư đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa dự án điện gió trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động.

Dự án Điện gió BIM đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: A.T

Dự án Nhà máy Điện gió 7A của Tập đoàn Hà Đô nằm trên địa bàn huyện Thuận Nam có công suất dự án 50 MW, sản lượng trung bình 171 triệu kWh/năm. Với mục tiêu hòa lưới điện quốc gia trước ngày 31-8, chủ đầu tư đã tập trung mọi nguồn lực, huy động thiết bị, nhân lực thực hiện dự án và đã hoàn thành lắp đặt tất cả 12 trụ điện gió, trong đó có một số trụ đã hòa lưới điện. Hiện tại, chủ đầu tư đang khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục nghiệm thu để phát điện thương mại. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Điện gió 7A, Tập đoàn Hà Đô cho biết: Được sự hỗ trợ của tỉnh về các thủ tục, chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, giấy phép xây dựng và thỏa thuận hướng tuyến đấu nối, nhà máy đã triển khai đồng thời công tác thi công. Đến thời điểm hiện nay, dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện, đã bắt đầu đưa các tổ máy đầu tiên hòa vào lưới điện quốc gia. Dự kiến từ nay đến cuối tháng 8 sẽ hoàn thành, vượt tiến độ đề ra ban đầu được 2 tháng.

Dù mới được cấp quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 3 năm nay, nhưng Nhà máy Điện gió BIM tại huyện Thuận Nam đã triển khai thi công rất khẩn trương. Đến nay dự án đã hoàn thành lắp đặt 11/22 trụ tuabin, hoàn thành xây dựng trạm biến áp 220 kV và đang trong quá trình chạy thử. Thi công trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng chủ đầu tư vẫn đặt mục tiêu hoàn thành xây lắp trong tháng 8, đưa vào vận hành thương mại trong tháng 9 năm nay. Ông Nguyễn Hậu Hữu, Trưởng Ban Quản lý Dự án Điện gió BIM cho biết: Quá trình thi công thực hiện dự án chúng tôi gặp một số khó khăn do thiết bị phải nhập khẩu từ nước ngoài, trong khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nước nên thủ tục hải quan cũng bị chậm. Để đảm bảo thời gian thi công dự án, chúng tôi đã chủ động mời chuyên gia nước ngoài sang làm việc từ sớm, có đủ thời gian thực hiện cách ly theo quy định. Trong thời điểm hiện nay, khi đa số chuyên gia và cán bộ kỹ thuật lưu trú tại địa bàn áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã bố trí 50% nhân lực ở lại công trường để thi công đảm bảo tiến độ. Hiện dự án đã hoàn thành được hơn 70% khối lượng công việc; các thủ tục hợp đồng mua bán điện cũng đã sẵn sàng cho công tác chuẩn bị đóng điện.

Dự án Điện gió Trung Nam Phước Hữu đang trong giai đoạn thi công.

Phát huy tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo, tỉnh ta đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 13 dự án điện gió được triển khai trên địa bàn. Hiện nay, có 8 dự án với tổng công suất 437 MW đang đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo hoàn thành trước ngày 1-11-2021 để được hưởng giá bán điện ưu đãi theo quyết định của Chính phủ. Đồng hành cùng doanh nghiệp, các sở, ngành, địa phương cũng đã tập trung hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư các dự án. Đồng thời, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư hoàn thiện hệ thống lưới truyền tải để giải tỏa công suất cho các nhà máy điện gió nói riêng, dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh nói chung. Qua đó, tạo điều kiện cho các dự án đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành và hưởng ưu đãi từ chính sách của Chính phủ theo thời gian quy định.

Với sự nỗ lực của tỉnh và quyết tâm đầu tư của các doanh nghiệp, các dự án điện hoàn thành trong năm nay sẽ cho sản lượng điện tăng thêm của tỉnh khoảng 122,4 triệu kWh, nâng tổng sản lượng điện cả năm toàn tỉnh đạt khoảng 5.627,7 triệu kWh. Qua đó, góp phần tích cực để Ninh Thuận sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.