Đại học Oxford tiêm thử nghiệm vaccine HIV, nỗ lực chấm dứt 40 năm chờ đợi

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford, Anh đã tiêm những liều đầu tiên của vaccine HIV tiềm năng cho những người tham gia trong cuộc thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn 1 được bắt đầu triển khai ngày 4/7.

Theo kênh RT, Đại học Oxford cho biết thử nghiệm có tên là HIV-CORE 0052 nhằm đánh giá tính an toàn, khả năng dung nạp và khả năng sinh miễn dịch của vaccine HIVconsvX. Dự án là một phần của Sáng kiến Hỗ trợ Vaccine Châu Âu, do Ủy ban Châu Âu tài trợ.

HIVconsvX có thể nhắm mục tiêu vào một loạt các biến thể HIV-1 và có khả năng trở thành một loại vaccine phù hợp để sử dụng trên khắp thế giới.

Dù đạt được nhiều thành công với vaccine phòng các loại bệnh khác nhau, thế giới vẫn chưa tìm ra một loại vaccine hiệu quả đối phó với HIV/AIDS.

Các nhà khoa học sẽ tiêm hai liều vaccine cách nhau 4 tuần cho 13 người trưởng thành khỏe mạnh, âm tính với HIV, trong độ tuổi từ 18 đến 65, những người không được coi là có nguy cơ lây nhiễm.

Bước đột phá lớn về vaccine HIV đã đạt được khi các nhà khoa học tái cấu trúc các tế bào miễn dịch để hướng tới khả năng chữa khỏi. Tomas Hanke, nhà nghiên cứu chính của thử nghiệm và là Giáo sư về Miễn dịch học vaccine tại Viện Jenner thuộc Đại học Oxford, cho biết: “Một loại vaccine HIV hiệu quả vẫn chưa đạt được trong 40 năm qua. Đây là thử nghiệm đầu tiên trong một loạt các đánh giá về chiến lược vaccine mới này ở cả những người âm tính với HIV để dự phòng và những người đang sống chung với HIV để được chữa khỏi.”

Giải pháp mà trường Oxford phát triển hoạt động dựa trên cơ chế kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể thông qua tế bào T tiêu diệt các mầm bệnh cụ thể, không giống như hầu hết các ứng cử viên vaccine HIV khác - tạo ra các kháng thể do tế bào B tạo ra để chống lại virus.

HIV tấn công hệ thống miễn dịch của cơ thể và có thể phát triển thành bệnh AIDS đe dọa tính mạng nếu không được điều trị.

Năm 2014, Liên Hợp Quốc đã công bố mục tiêu giảm số người mới nhiễm HIV xuống 500.000 người vào năm 2020. Tuy nhiên, năm ngoái đã có khoảng 1,5 triệu ca nhiễm HIV mới.

Nhóm nghiên cứu của Oxford dự kiến sẽ báo cáo kết quả vào tháng 4 năm sau. Họ cũng có kế hoạch bắt đầu các thử nghiệm tương tự ở châu Âu, châu Phi và Mỹ.

Nỗ lực bất thành sau gần 4 thập kỷ

Bệnh đậu mùa đã bị xóa sổ khỏi Trái đất sau một chiến dịch tiêm chủng hiệu quả cao trên toàn thế giới. Trong thời điểm hiện tại, hàng triệu sinh mạng đã được cứu sống nhờ việc triển khai nhanh chóng các loại vaccine hiệu quả chống lại COVID-19. Nhưng đã 37 năm kể từ khi HIV được phát hiện là nguyên nhân gây ra bệnh AIDS, thế giới vẫn chưa có vaccine chủng ngừa.

Một nhân viên phòng thí nghiệm tách DNA từ các mẫu để phục vụ thử nghiệm vaccine phòng HIV tại Phòng Thí nghiệm Phát triển và thiết kế vaccine AIDS ở New York City năm 2008. Ảnh:Getty Images

Vaccine đã trở thành vũ khí mạnh mẽ nhất của con người chống lại các bệnh do virus gây ra. Khi căn bệnh mới AIDS bùng phát vào đầu những năm 1980 và virus gây ra nó được phát hiện vào những năm 1983-1984, người ta nghĩ rằng việc cộng đồng nghiên cứu sẽ phát triển một loại vaccine phòng HIV là điều hiển nhiên.

Tại một cuộc họp báo nổi tiếng vào năm 1984, tuyên bố HIV là nguyên nhân gây ra bệnh AIDS, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ lúc đó là Margaret Heckler đã dự đoán rằng một loại vaccine sẽ có trong hai năm. Nhưng gần 4 thập kỷ qua, giới khoa học đã không ngừng nghiên cứu mà vẫn chưa thể đi đến một loại vaccine hiệu quả với HIV.

Theo tờ Conversation, vấn đề không phải là sự thất bại của các chính phủ hay thiếu kinh phí. Khó khăn nằm ở chính virus HIV. Đặc biệt, khó khăn này bao gồm sự đa dạng của chủng HIV và các "chiến lược" trốn tránh miễn dịch của virus này.

Cho đến nay đã có 5 thử nghiệm quy mô lớn Giai đoạn 3 về hiệu quả của vaccine chống HIV, mỗi thử nghiệm với chi phí hơn 100 triệu USD. Ba thử nghiệm đầu trong số này đã thất bại: không có biện pháp bảo vệ chống lây nhiễm HIV, không làm giảm tải lượng virus ở những người đã bị nhiễm.

Thử nghiệm thứ tư, thử nghiệm RV144 gây tranh cãi ở Thái Lan, ban đầu báo cáo mức độ bảo vệ thành công nhỏ chống lại sự lây nhiễm HIV ở những người được tiêm chủng. Tuy nhiên, một phân tích thống kê sau đó báo cáo rằng có đến 78% khả năng bảo vệ chống lại HIV là không thật.

Thử nghiệm vaccine thứ năm, HVTN 702, được yêu cầu xác nhận và mở rộng kết quả của thử nghiệm RV144. Nhưng thử nghiệm HVTN 702 này đã bị tạm dừng sớm, với kết quả: Không đạt được sự bảo vệ chống lại nhiễm virus. Không giảm tải lượng virus ở người đã nhiễm.

Minh hoạ về chủng virus HIV-1.

Sự phức tạp của HIV

Các đặc tính sinh học mà HIV đã tiến hoá khiến cho việc nghiên cứu, phát triển một loại vaccine thành công trở nên rất khó khăn.

Đầu tiên và quan trọng nhất là sự nhân bản liên tục không ngừng của virus. Nhiều loại vaccine không bảo vệ tuyệt đối chống lại việc nhiễm virus, nhưng chúng có thể hạn chế nghiêm trọng sự nhân lên của virus và bất kỳ căn bệnh nào có thể xảy ra. Trong khi đó, để một vaccine có hiệu quả chống lại HIV, nó sẽ cần phải cung cấp một hàng rào ngăn lây nhiễm tuyệt đối chứ không chỉ hạn chế sự nhân lên của virus.

HIV đã phát triển khả năng tạo ra và dung nạp nhiều đột biến trong thông tin di truyền của nó. Hậu quả của việc này là sự biến đổi rất lớn giữa các chủng virus không chỉ từ cá thể này sang cá thể khác mà ngay cả trong một cá thể đơn lẻ. Hãy sử dụng bệnh cúm để so sánh: Mọi người đều biết rằng mọi người cần phải tiêm chủng lại virus cúm mỗi mùa vì sự thay đổi theo mùa của chủng cúm đang lưu hành. Nhưng sự biến đổi của HIV trong một cá thể nhiễm bệnh thậm chí vượt quá toàn bộ sự biến đổi trình tự gien trên toàn thế giới của virus cúm trong cả một mùa.

Theo TTXVN/Báo Tin tức