Cây Kỷ Tử

Mô tả cây

Cây kỷ tử còn gọi là khởi tử là một loại cây nhỏ, cao 0,5-1,5m cành nhỏ, có gai ngắn mọc ở kẽ lá, dài 5cm. Lá mọc so le một số mọc vòng tại một điểm. Cuống lá ngắn 2-6mm. Phiến lá hình mác, đầu lá và phía cuống của lá đều hẹp, hơi nhọn, dài 2-6cm, rộng 0,6-2,5cm, mép lá nguyên. Hoa nhỏ mọc đơn độc ở kẽ lá hoặc có một số hoa mọc tụ lại. Cánh hoa màu tím đỏ. Quả mọng hình trứng dài 0,5-2cm, đường kính 4-8mm. Khi chín có màu đỏ sẫm hoặc vàng đỏ. Hạt nhiều, hình thận, dẹt, dài 2-2,5mm. Mùa hoa tháng 6-9, mùa quả tháng 7-10.

Công dụng và liều dùng

Khởi tử được coi là một vị thuốc bổ toàn thân, dùng trong các bệnh đái đường, ho lao, viêm phổi, mệt nhọc, gầy yếu, bnổ tinh khí, giữ cho người trẻ lâu.

Liều dùng 6-15g dưới dạng thuốc sắc hoặc rượu thuốc.

Theo tài liệu cổ, khởi tử có vị ngọt, tính bình, vào 3 kinh phế, can và thận. Có tác dụng bổ can thận, nhuận phế táo, mạnh gân cốt. Dùng chữa chân tay yếu mỏi, mắt mờ, di mộng tinh.

Đơn thuốc có khởi tử

Rượu khởi tử: Khởi tử 600g, rượu 35-400 2 lít. Giã nhỏ khởi tử. Cho rượu vào ngâm trong 2 tuần trở lên. Lọc lấy rượu mà uống. Ngày uống 1-2 cốc con làm thuốc bổ.

Chữa di tinh: Khởi tử 6g, sinh khương 2g, nhục thong dong 2g, nước 600ml. Sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày.