Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”

Ngày 18-6, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” (Đề án) và đề ra phương hướng cho giai đoạn tiếp theo.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau 8 năm triển khai thực hiện Đề án, các cấp, ngành và đoàn thể từ trung ương đến cơ sở đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc và đã đạt được kết quả quan trọng. Theo đó, mạng lưới 17.459 cơ sở giáo dục thường xuyên được định hình, bao gồm các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện, gần 10.500 trung tâm học tập cộng đồng, trên 6.000 trung tâm ngoại ngữ - tin học, trung tâm giáo dục kỹ năng sống…Thành quả của việc thúc đẩy phát triển xã hội học tập là phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS. Đặc biệt trong 8 năm, các địa phương đã xóa mù chữ cho trên 300.000 người độ tuổi 15-60 tuổi. Nhiều mô hình, hoạt động hữu ích được triển khai như quỹ khuyến học, dòng họ khuyến học, xây dựng thư viện, tủ sách dùng chung đến tận các xã, phường ở nhiều địa phương.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.

Tại tỉnh ta, toàn tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; có 84,1% cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm; 63,3% CBCCVC có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và 31,3% CBCCVC có trình độ ngoại ngữ bậc 3; 99,7% CBCCVC cấp tỉnh, 100% CBCCVC cấp huyện được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định; số công nhân lao động tại các khu công nghiệp có trình độ học vấn THPT hoặc tương đương đạt 58,3%…

Cùng với những sáng kiến, đề xuất triển khai xã hội học tập ở giai đoạn mới, để thúc đẩy phát triển xã hội học tập trước những thách thức mới, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030”. Theo đó, đề án đặt mục tiêu tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập theo hướng hình thành hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục suốt đời có chất lượng. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập đến mọi người dân; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào các hoạt động học tập suốt đời; đẩy mạnh sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học liên thông qua hệ thống các cơ sở giáo dục thường xuyên để cung ứng nguồn tài nguyên học liệu mở, mở rộng cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; việc gắn kết giữa giáo dục thường xuyên và giáo dục chính quy, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội cần được thực hiện tích cực và chặt chẽ hơn; các trung tâm học tập cộng đồng gắn với xóa mù chữ và dạy nghề ngắn hạn cần nâng cao chất lượng hoạt động… Từng bước góp phần thực hiện thành công khâu đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0.