Cây Móng Lưng Rồng

Còn gọi là chân vịt, quyển bá, vạn niên tùng, hồi sinh thảo, trường sinh thảo.

Mô tả cây

Thân mọc thành búi, có khi kết bện với các giá rễ thành một gốc cao đến 10cm, nom như thân kép. Cành bên của thân cũng mọc thành búi dài 5-12cm, phân nhánh rẽ đôi mở ra trên đất. Lá nhỏ hình giáo hay ba cạnh, thuôn xếp lợp lên nhau, ôm lấy cành có dạng như cây liễu bách. Cây chịu được khô hạn. Khi khô ráo cành xếp lại, cuộn tròn vào trong nhìn như chân vịt do đó có tên cây chân vịt. Khi gặp ẩm ướt, cành lại mọc vươn ra ngoài từ đó có tên hồi sinh thảo hay kiến thuỷ hoàn dương.

Công dụng và liều dùng

Theo tài liệu cổ móng lưng rồng có vị hơi đắng, tính lạnh và sáp, dùng tươi có tác dụng phá huyết, sao đen có tác dụng cầm máu, phụ nữ có thai không dùng được.

Thường chữa ho ra máu, nôn ra máu, đại tiện tiểu tiện ra máu, kinh nguyệt quá nhiều và các chứng chảy máu khác. Còn dùng chữa vàng da, vàng mắt, viêm gan bổ máu, chữa bỏng. Ngày dùng 20-30g dưới dạng thuốc sắc hoặc đốt thành than tán bột rắc lên vết thương hay để uống.

Đơn thuốc có vị móng lưng rồng

Chữa bỏng lửa: Cây móng lưng rồng tán bột, trộn với lòng trắng trứng gà, đắp lên nơi bỏng. Cứ 2-3 giờ thay thuốc một lần.

Chữa váng đầu, hoa mắt, vàng da: Toàn cây 30g sắc với 400ml nước, chia hai lần uống trong ngày.