Ninh Thuận: Nguồn tưới hiệu quả cho nông nghiệp từ dự án phát triển nông thôn miền Trung

Bên cạnh việc tập huấn kỹ thuật canh tác tiên tiến cho nông dân, công cuộc tái thiết và nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là chủ trương được Đảng, Nhà nước, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn chú trọng phát triển.

Từ Dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung tại tỉnh Ninh Thuận, những bài toán bao đời nay về phát triển hạ tầng thủy lợi, tăng cường khả năng kết nối dịch vụ cho người dân đã được giải quyết. Từ dự án, có 135.000 người và gần 1.000 hộ dân được hưởng lợi.Tỉnh Ninh Thuận tham gia vào Dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung - khoản vay bổ sung (pha 2) với 3 tiểu dự án thành phần. Lấy trọng tâm là phục vụ sản xuất nông nghiệp, các dự án thuộc tỉnh Ninh Thuận nhằm giải quyết các vấn đề bất cập để thúc đẩy nền nông nghiệp của tỉnh nhà, tổng mức đầu tư của dự án khoảng hơn 360 tỷ đồng, với các dự án thành phần bao gồm: Cải tạo, nâng cấp kênh Chàm và đường quản lý kênh chính Nam thuộc hệ thống thủy lợi Nha Trinh - Lâm Cấm, huyện Ninh Phước; Cải tạo, nâng cấp đoạn đầu kênh chính Bắc và đường giao thông kết hợp quản lý kênh chính Bắc thuộc Hệ thống thủy lợi Nha Trinh - Lâm Cấm tại huyện Ninh Sơn và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm; Xây dựng hạ tầng phục vụ vùng sản xuất rau an toàn tập trung xã An Hải, huyện Ninh Phước.

Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ lâu nay vẫn được xem là vùng có khí hậu khắc nghiệt. Ninh Thuận là tỉnh có lượng mưa trung bình năm ít nhất cả nước, thường xuyên xảy ra hạn hán kỷ lục, gây nên những thiệt hại lớn về người và của. Mùa khô kéo dài trong năm, khu vực khu hạn ngày càng mở rộng, tình trạng nguồn nước nhiễm mặn, thất thu nông sản là “chướng ngại vật” rất lớn cho sản xuất nông nghiệp nơi đây. Những con số thiệt hại đã đặt ra yêu cầu cấp thiết về công tác chuẩn bị ứng phó và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Trước đây, nhiều địa phương tại Ninh Thuận là vùng bán sa mạc. Đất cát, thiếu nước tưới tiêu cộng với cái nắng gay gắt của mùa khô kéo dài là nỗi ám ảnh thường trực của những người nông dân. Vì vậy, dù có điều kiện tự nhiên phù hợp để canh tác các cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây măng tây, nho, thanh long... nhưng bà con nông dân không thể phát huy được tiềm năng nông nghiệp.

Ông Hùng Ky (thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) kể lại những khó khăn khi cùng nhiều hộ nông dân canh tác trên vùng sa mạc: “Thôn Tuấn Tú, xã An Hải là một vùng đất cát. Không có cây gì dễ dàng mọc trên vùng sa mạc này được. Trước khi có hệ thống tưới tiêu dẫn nước từ trạm bơm và kênh mương cho vùng sản xuất rau sạch, bà con nông dân chủ yếu tập trung vào khoan mạch nước ngầm. Theo thời gian, do tác động của biến đổi khí hậu nên càng khoan sâu, càng bị ảnh hưởng của hạn mặn. Do nguồn nước bị nhiễm mặn, nhiều bà con nông dân không dám mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp”.

Hiểu được những bất cập bao năm nay trong canh tác, sản xuất của người nông dân, tiểu dự án “Xây dựng hạ tầng phục vụ vùng sản xuất rau an toàn tập trung xã An Hải, huyện Ninh Phước” đã giải quyết vấn đề cung cấp nước tưới ở vùng đất sa mạc.

Những cánh đồng măng tây vẫn xanh mát, trù phú dù đang trong giai đoạn cao điểm của mùa khô. Sự hỗ trợ từ dự án đã biến vùng đất khô cằn, thiếu nước tưới thành vùng đất tiềm năng, chuyên sản xuất cây trồng đặc thù có giá trị kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

“Từ khi đưa dự án vào hoạt động, tôi và bà con nông dân vùng Tuấn Tú, xã An Hải rất mừng. Dự án đưa nguồn nước tưới về cho bà con nông dân để canh tác trên diện tích 300 ha vùng sa mạc. Nhờ có nguồn nước mới, chúng tôi có thể sản xuất thuận lợi trên một vùng đất cát. Nhất là vùng trồng măng tây xanh, có năng suất tăng rõ rệt. Kỳ trước, tôi thu 9-10 kg/ngày/sào măng tây, bây giờ tăng lên 12-13 kg/ngày/sào, giảm nhiều chi phí thuốc bảo vệ thực vật”.

Nhận diện, biến bất lợi thành lợi thế để phát triển sản xuất, ứng phó với biến đổi khí hậu đang là giải pháp hữu hiệu, được dự án thực hiện và cho thấy những dấu hiệu tích cực.

Ông Lê Xuân Toàn, Phó Giám đốc Dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung - tỉnh Ninh Thuận chia sẻ: “Dự án thành phần xây dựng hạ tầng phục vụ vùng sản xuất rau an toàn tập trung xã An Hải nhằm giải quyết nhu cầu về nguồn nước của 3 thôn: thôn Nam Cương, thôn Tuấn Tú, thôn Hòa Thạnh của xã An Hải. Đây là vùng đặc biệt khô hạn, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Xây hạ tầng mới để cung cấp nước tưới cho 300 ha, chủ yếu là cây măng tây. Ngoài ra, dự án còn giải quyết vấn đề hạn chế tình trạng nhiễm mặn của khu vực xã An Hải, huyện Ninh Phước bằng nguồn nước tưới thay thế nước giếng bơm không đạt chất lượng”.

Dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung - khoản vay bổ sung (pha 2) được triển khai tại 6 tỉnh miền Trung gồm: Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận, được tài trợ bởi Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với mục tiêu cải thiện sinh kế và mức sống của người dân nông thôn tại các tỉnh miền Trung. Thời gian thực hiện dự án kéo dài 4 năm, từ tháng 6-2015 đến tháng 6-2019; với tổng nguồn vốn hơn 89 triệu USD. Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hơn 1 năm.

Theo đó, 24 tiểu dự án thành phần, trải dài trong 6 tỉnh thuộc vùng dự án đã được hoàn thành, nâng cao năng lực tưới phục vụ từ dự án thêm 42.000 ha cây nông nghiệp. Đồng thời, có tất cả 1,2 triệu dân trong vùng dự án được hưởng lợi.