Giao dịch không dùng tiền mặt tăng mạnh, cảnh báo bảo mật thông tin

Khi thanh toán không tiền mặt ngày càng phát triển rộng rãi với nhiều cách thức thanh toán mới, tội phạm mạng theo đó cũng dùng nhiều chiêu thức lừa đảo tinh vi, khiến không ít người dùng mất tiền vì thiếu hiểu biết về bảo mật.

Chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi

Anh Võ Duyên, ngụ tại quận Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) cho biết: "Ngày 4/6 vừa qua, tôi nhận được cuộc gọi từ một số di động lạ tự xưng là tổng đài của công ty điện lực miền Nam, thông báo mình sẽ bị cắt điện do chưa đóng tiền điện tháng vừa rồi. Sau đó, người này bảo tôi bấm phím 0 để gặp nhân viên trao đổi kỹ hơn. Khi tôi bấm phím 0, đầu dây bên kia bắt máy là giọng miền Bắc và hỏi với giọng rất "gằn" là gọi làm gì, tên tuổi, ở đâu... Tôi thấy sinh nghi nên đã tắt máy..."

Tội phạm mạng ngày càng tinh vi với nhiều chiêu thức lừa đảo mới. Ảnh minh hoạ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ đầu tháng 5 đến nay, đã có hàng trăm khách hàng phản ánh về việc có nhiều số điện thoại lạ tự xưng là "nhân viên Điện lực", "Tổng đài ngành Điện", “Điện lực Việt Nam” để yêu cầu khách hàng nộp tiền điện, thậm chí doạ cắt điện nếu không nộp. Khi biết được thông tin khách hàng đã thanh toán tiền điện, các đối tượng lập tức ngắt máy...

Trước tình hình trên, ngày 7/6 EVN đã phát đi cảnh báo tình trạng gọi điện mạo danh Công ty Điện lực thông báo nợ tiền điện và lừa đảo khách hàng dùng điện. Theo thông báo phát đi, riêng tại Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), chỉ trong khoảng thời gian từ ngày 4/5 đến 14/5, đã có 81 cuộc gọi của khách hàng đến Tổng đài Chăm sóc khách hàng để phản ánh về tình trạng trên.

Còn tại TP Hà Nội, cũng có nhiều trường hợp tương tự được phản ánh tới Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHanoi). Cụ thể, khách hàng nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, thậm chí có đầu số không phải ở Việt Nam, gọi đến với nội dung: “Bạn đang sử dụng điện cao bất thường, chúng tôi sẽ cắt điện trong thời gian tới, vui lòng bấm số 9 để được gặp nhân viên điện lực tư vấn”. Sau khi bấm số 9 thì nghe giọng nói như một nhân viên tổng đài đề nghị cung cấp tên và địa chỉ để kiểm tra. Sau đó, người này tiếp tục thông tin khách hàng đang nợ tiền điện và dọa nạt sẽ gửi hồ sơ sang Công an, rồi yêu cầu chuyển tiền gấp tới số tài khoản lạ.

Theo các chuyên gia công nghệ, mặc dù chiêu thức lừa không mới nhưng đối tượng, mục tiêu tội phạm công nghệ nhắm tới lại mới với những thủ đoạn lừa đảo hết sức tinh vi, hòng chiếm đoạt tài sản của khách hàng, đặc biệt là mạo danh thương hiệu để gọi điện, nhắn tin, gửi email. Có thể thấy vài tháng gần đây, rất nhiều người dùng tại Việt Nam nhận được tin nhắn định danh (Brandname) mạo danh các ngân hàng với mục đích lừa đảo. Nội dung các tin nhắn thông báo tài khoản ngân hàng có giao dịch bất thường, đề nghị khách hàng đăng nhập nếu không sẽ bị khóa tài khoản sau 24 giờ, kèm theo đường dẫn để dụ người dùng truy cập. Không những thế, có cả tin nhắn lừa đảo xuất hiện trong những tin nhắn chính thống của ngân hàng. Kết quả, nhiều người dùng nhẹ dạ làm theo và đã bị lừa mất tiền.

Mới đây, một thủ đoạn mới cũng vừa được ngân hàng VPBank phát hiện, rất may khách hàng của VPBank rất cảnh giác đã liên hệ với ngân hàng nên chưa có tổn thất về tài sản. Cụ thể, thủ đoạn của kẻ lừa đảo là sẽ chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản của khách hàng và giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho khách hàng báo có giao dịch đang treo, yêu cầu khách hàng nhấp vào đường link trong tin nhắn điện thoại để tra soát giao dịch. Khi nhấp vào đường link giả mạo, khách hàng sẽ được dẫn tới trang website giả mạo, khiến khách hàng nhầm tưởng rằng họ đang giao dịch với ngân hàng, từ đó kẻ lừa đảo sẽ chiếm đoạt các thông tin cá nhân và khách hàng sẽ bị mất số tiền trong tài khoản.

Gia tăng bảo mật, đẩy mạnh thanh toán không tiếp xúc

Theo Ngân hàng nhà nước Việt Nam, lượng người thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhanh về số lượng và giá trị, nhất là với sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự bùng nổ của kinh tế số, kéo theo đó là chính sách thanh toán không dùng tiền mặt, đặt biệt là trên nền tảng di động tăng mạnh hơn. Thống kê mới nhất 3 tháng đầu năm 2021của Ngân hàng nhà nước cho thấy, giao dịch qua kênh Internet đạt 156,2 triệu món với giá trị 8,1 triệu tỉ đồng; giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt trên 395 triệu món với giá trị hơn 4,6 triệu tỉ đồng; giá trị giao dịch qua kênh QR code tăng mạnh nhất, lên tới 146% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.479 tỉ đồng với 5,3 triệu món.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính và công nghệ, bên cạnh sự tăng mạnh thanh toán không tiền mặt thì sự phòng vệ trong giao dịch của người dân cũng cần được nâng cao và quan tâm đặc biệt. Bởi khi thương mại chuyển sang nền tảng trực tuyến, các hình thức gian lận cũng chuyển đổi theo, dẫn đến các trường hợp đánh cắp thông tin thẻ, mã khoá ngân hàng cũng trên đà leo thang, làm gia tăng mối lo ngại về bảo mật thanh toán giữa tất cả các bên liên quan.

Việc phòng thủ bảo mật khi thanh toán cũng được nâng cao để tránh rủi ro mất thông tin. Ảnh minh họa

Ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á, nhận xét: “Sự phụ thuộc của người tiêu dùng vào ví điện tử và các ứng dụng ngân hàng di động ngày càng tăng sẽ thu hút sự quan tâm ngày càng lớn từ tội phạm mạng, những kẻ hầu như luôn theo đuổi tiền và dữ liệu bí mật. Đó là lý do có sự gia tăng các tin nhắn lừa đảo nhắm vào người dùng ngân hàng di động ngày càng tăng. Vì thế, điều quan trọng là thiết bị phải được bảo mật và người dùng phải nhận thức được những rủi ro trực tuyến trong xã hội số”.

Nghiên cứu mới đây của Visa cũng cho thấy, có tới 51% người tiêu dùng Việt Nam lo sợ bị xâm nhập bởi phần mềm độc hại và virus trên điện thoại; 41% trong số họ lo ngại về việc bị lộ thông tin khi các bên thứ ba có thể truy cập trái phép vào thiết bị. Ông Pavan Kumar, Giám đốc Quản lý rủi ro tại Visa Đông Nam Á cũng cho biết, đây là những rào cản trong quá trình triển khai rộng rãi các hình thức thanh toán số và cần được giải quyết bằng cách liên tục tạo ra những sáng kiến đổi mới về bảo mật thanh toán.

Tuy nhiên, các chuyên gia bảo mật cho rằng, để phòng ngừa tội phạm, người dùng vẫn nên tự bảo vệ mình. Cụ thể, người dùng cần cẩn trọng với những thông báo về đổi coupon, mã giảm giá hoặc ưu đãi, đây là những dấu hiệu của âm mưu từ tội phạm mạng. Không lưu thông tin thẻ tín dụng hoặc ngân hàng trên điện thoại để tránh trường hợp tội phạm mạng cài đặt malware trên điện thoại và lấy toàn bộ thông tin. Không phản hồi là cách đơn giản nhất để không bị lừa.

Không truy cập đường link hoặc gọi vào số điện thoại trong tin nhắn nếu không biết rõ về nó. Các ngân hàng cũng khuyến cáo, các tổ chức tài chính sẽ không gửi tin nhắn văn bản yêu cầu người dùng cập nhật thông tin tài khoản hoặc xác nhận mã thẻ ATM.

Nếu người dùng nhận được một tin nhắn có vẻ như là từ ngân hàng yêu cầu người dùng nhấp vào link hoặc thông tin nào đó trong tin nhắn, có thể xác định đây là lừa đảo. Theo đó, người dùng nên gọi trực tiếp cho ngân hàng nếu có bất kỳ nghi ngờ nào, kể cả các đối tác kinh doanh nếu có trường hợp như trên. Bên cạnh đó, để hiệu quả bảo mật tốt nhất, người dùng nên chú trọng đảm bảo độ an toàn của thiết bị và trình duyệt của mình.

Còn theo khuyến cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nếu nhận được cuộc gọi mạo danh “điện lực" hoặc xưng danh là “công ty điện lực” nhưng không nói rõ tên, địa bàn quản lý của công ty điện lực, hoặc thông tin không rõ ràng, minh bạch thì khách hàng không nên cung cấp thông tin cá nhân của mình. Đồng thời, khách hàng cần thông báo ngay cho ngành Điện qua các kênh chăm sóc khách hàng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đặc biệt, trong mọi trường hợp, ngành Điện khuyến cáo khách hàng không cung cấp thông tin số tài khoản, mật khẩu của mình; tuyệt đối không thanh toán tiền điện cho người lạ hoặc yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo TTXVN/Báo Tin tức