Thuận Nam : Đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng cạn

Với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng và tăng thu nhập cho nông dân, những năm qua, huyện Thuận Nam đã chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả cho nông dân.

Thuận Nam có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 40.000 ha, nhưng phần lớn là đất không chủ động nước tưới. Để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, huyện đã xác định chuyển đổi cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, coi đây là giải pháp hữu hiệu, then chốt để tập trung chỉ đạo thực hiện. Đồng chí Khưu Lê Khắc Trí, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam, cho biết: Để tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/HU ngày 24-12-2019 về cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2020-2025. Theo đó, huyện đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp xây dựng kế hoạch chuyển đổi cụ thể cho từng mùa vụ, giao chỉ tiêu cho các xã tổ chức thực hiện; vận động nông dân tích cực chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn. Trên cơ sở đó, huyện tập trung xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả; thực hiện rà soát, quy hoạch lại vùng sản xuất, đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân. Nhờ đó, nhiều diện tích đất sản xuất kém hiệu quả, thường xuyên thiếu nước được nông dân chuyển sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Chỉ tính riêng vụ đông-xuân năm 2020-2021, huyện đã chuyển đổi từ đất lúa, đất hoa màu sang trồng bắp, đậu xanh, măng tây xanh, cỏ chăn nuôi được 139 ha. Nhìn chung các diện tích chuyển đổi đều mang lại hiệu quả kinh tế, giúp nông dân hạn chế được tình trạng đất bỏ hoang trong mùa nắng hạn. Nhờ chuyển đổi cây trồng hợp lý, nhiều vùng đất cằn cỗi trước đây nay đã trở thành những cánh đồng sản xuất ổn định.

Nông dân xã Nhị Hà (Thuận Nam) chuyển đổi cây trồng trên đất lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.Mạnh

Xã Nhị Hà đi đầu trong chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang cây trồng cạn, cây ăn quả. Ông Quách Tấn Phong, cán bộ địa chính - nông nghiệp xã Nhị Hà, cho biết: Trước đây, nhiều vùng đất sản xuất của các thôn trên địa bàn xã thường xuyên thiếu nước vào mùa nắng hạn, nên tình hình sản xuất của bà con gặp khó khăn. Để tránh tình trạng bỏ hoang đất, xã tập trung rà soát từng khu vực để chuyển đổi cây trồng hợp lý; vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, tiết kiệm nước tưới, nhằm ổn định sản xuất cho nông dân và tăng hiệu quả sử dụng đất. Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi được 239 ha đất kém hiệu quả sang trồng bắp, đậu xanh, măng tây xanh, bưởi, mít… mang lại thu nhập cao cho nông dân. Riêng vụ đông - xuân 2020-2021, xã đã vận động chuyển đổi 11,7 ha đất lúa, hoa màu sang cây trồng cạn. Ông Phạm Xuân Hùng, thôn Nhị Hà 1, cho biết: Trước đây với 2 sào đất lúa của gia đình mỗi năm chỉ sản xuất 1 vụ, vào mùa nắng hạn thì ngưng sản xuất. Năm 2019, được xã vận động cải tạo đất chuyển đổi sang trồng măng tây xanh, nhờ đó gia đình có thu nhập ổn định. Hiện nay, 2 sào măng tây xanh cho thu hoạch ổn định 18-20 kg măng, mỗi tháng gia đình có thu nhập ổn định trên 15 triệu đồng.

Việc đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cây trồng trong thời gian qua trên địa bàn huyện Thuận Nam không chỉ biến những khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của nắng hạn trước đây trở thành những cánh đồng sản xuất ổn định, mà còn giúp nông dân tiếp cận được hình thức canh tác mới, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng bền vững. Để việc chuyển đổi cây trồng trên địa bàn huyện đạt hiệu quả hơn, theo đồng chí Khưu Lê Khắc Trí, thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát đất sản xuất kém hiệu quả, thường xuyên thiếu nước tưới chuyển sang trồng các cây chịu hạn, cây ăn quả, nhằm tăng thu nhập cho nông dân. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng từng khu vực; xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả; kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân.