Khoa học - công nghệ tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp

Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 10-10-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả đầu tư sản xuất nông nghiệp theo mô hình ứng dụng CNC đều cho giá trị sản xuất trên 1 ha đạt trên 300 triệu đồng/năm, cao gấp 3 lần so với sản xuất theo phương thức truyền thống cho thấy khoa học - công nghệ đã tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp.

Sản xuất nông nghiệp tạo được giá trị gia tăng như nêu trên đó là nhờ chú trọng áp dụng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Trên cùng thửa đất trước đây trồng bắp, doanh thu đạt được mỗi vụ khoảng 40 triệu đồng/ha, nhưng khi áp dụng mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng doanh thu đạt 2-3 tỷ đồng/vụ. Cùng với đó, việc sử dụng giống mới cũng đưa đến thành công hơn mong đợi. Mô hình trồng nho đầu tư CNC, giống mới NH01-152 ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), doanh thu đạt từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/ha/năm.

Sản phẩm măng tây xanh của Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận liên kết với nông dân
sản xuất theo chuỗi hàng hóa đạt năng suất và chất lượng cao. Ảnh: A.Tùng

Tổng kết của ngành Nông nghiệp, hiện nay công nghệ tưới tiết kiệm đã được ứng dụng phổ biến, với tổng diện tích 1.500 ha, cho các loại cây trồng, như: Mía, cây ăn quả, cỏ chăn nuôi, rau màu các loại. Các ứng dụng công nghệ thâm canh, sản xuất an toàn theo VietGAP trong nuôi tôm trên cát, trồng nho, măng tây xanh cũng đang được nhân rộng đã làm thay đổi căn bản tư duy và cách tiếp cận với nền nông nghiệp hiện đại của nông dân.

Cần phải nhắc đến yếu tố quan trọng, trong các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC đang triển khai hiệu quả đều có dấu ấn của doanh nghiệp trong hình thành các chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa. Đối với trồng trọt đáng kể là chuỗi liên kết giá trị nha đam của Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt cơ bản đã chuyển giao đồng bộ quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến cho nông dân. Từ hoạt động liên kết, các sản phẩm đặc thù của tỉnh như nho, táo, tỏi, nha đam… được các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển thành sản phẩm hàng hóa. Một số sản phẩm tiềm năng về thị trường tiêu thụ như dưa lưới, rau thủy canh, hoa lan, bưởi da xanh… cũng được các doanh nghiệp đầu tư sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng CNC và trở thành sản phẩm hàng hóa.

Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp CNC đó là nhờ các chủ thể tham gia chương trình tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của tỉnh. Qua thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, nhiều doanh nghiệp và nông dân bước đầu đã triễn khai ứng dụng CNC vào một số khâu trong quy trình sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Công ty Cổ phần Nắng và Gió trồng dưa lưới trong nhà màng kết hợp ứng dụng CNC
mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Nỷ

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua thực hiện chương trình nông nghiệp CNC, ngành chức năng, các địa phương đã triển khai hỗ trợ 200 doanh nghiệp hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ ứng dụng dây chuyền công nghệ vào sản xuất, góp phần giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng lớn mạnh. Đồng thời, đã hỗ trợ ươm tạo 3 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp CNC có tiềm năng, gồm: Công ty Cổ phần Giống cấy trồng Nha Hố, Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận, Công ty Cổ phần Nắng và Gió. Những doanh nghiệp này dần đảm nhiệm vai trò là hạt nhân để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Tỉnh ta xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là nhiệm vụ trọng tâm trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, cần phải tập trung nguồn lực, cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Với quan điểm đúng, tin rằng sẽ mở đường cho nông nghiệp triển lên tầm cao hơn.