Sống dậy thời khắc giải phóng Ninh Thuận qua các tác phẩm nghệ thuật

Đối với nhiều thế hệ người dân trên địa bàn tỉnh nói chung và giới văn nghệ sĩ nói riêng, khoảnh khắc lịch sử của sự kiện giải phóng Ninh Thuận vào ngày 16-4-1975 đã trở thành một phần ký ức không thể nào quên. Để lưu lại hình ảnh hào hùng ấy, đã có nhiều nghệ sĩ ở các lĩnh vực khác nhau bằng niềm đam mê nghệ thuật đã tạo nên những tác phẩm sống mãi với thời gian.

Năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày tháng Tư lịch sử, nhiếp ảnh gia Lê Văn Đức, Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Ninh Thuận lại cẩn thận lật mở những bức ảnh được ông chụp lại vào thời khắc quê hương Ninh Thuận được giải phóng và hồi tưởng về một thời lịch sử hào hùng. Khi ấy, ông là phóng viên ảnh của Sở Văn hóa - Thông tin được giao nhiệm vụ bám sát và chụp lại từng sự kiện quan trọng trong buổi sáng ngày 16-4-1975, thời điểm từng đoàn quân chủ lực, quân giải phóng và tăng thiết giáp tiến vào tiếp quản trụ sở chính quyền tỉnh Ninh Thuận, hạ cờ chế độ Ngụy Sài Gòn trong tiếng vỗ tay chào đón của Nhân dân địa phương. 46 năm trôi qua, những bức ảnh đen trắng ngày ấy vẫn được ông trân quý và lưu giữ cẩn thận nơi kệ sách của mình như lưu giữ một phần ký ức đầy tự hào với nghề nhiếp ảnh.

Nhiếp ảnh gia Lê Văn Đức với tác phẩm “Xe tăng Quân Giải phóng đánh chiếm Tòa hành chính quyền tỉnh Ninh Thuận 16-4-1975”.

Chính nhờ những bức ảnh quý giá ấy của nhiếp ảnh gia Lê Văn Đức mà những thế hệ sau này, tuy không được tận mắt chứng kiến thời khắc giải phóng quê hương, nhưng cũng phần nào cảm thấy tự hào, xúc động và trở thành niềm cảm hứng sáng tác, cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật về sự kiện lịch sử này. Họa sĩ Chế Kim Trung, Phân hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Ninh Thuận là một trong số đó. Từ những bức ảnh về ngày giải phóng Ninh Thuận của nhiếp ảnh gia Lê Văn Đức và tham khảo những tư liệu lịch sử của bạn bè, đồng nghiệp, sau 2 năm ấp ủ và miệt mài sáng tạo, họa sĩ Chế Kim Trung đã hoàn thành tác phẩm “Giải phóng Ninh Thuận” bằng chính nét vẽ của mình. Tác phẩm nhanh chóng được công chúng trong và ngoài tỉnh đón nhận và đạt giải C trong cuộc vận động sáng tác về đề tài lịch sử thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1930-1975 do Trung ương Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức.

Ở lĩnh vực thơ ca, những khoảnh khắc về một thời hoa lửa hào hùng ấy cũng đã trở thành niềm cảm hứng cho lớp lớp nghệ sĩ tỉnh nhà sáng tác nên nhiều tác phẩm nghệ thuật. Có thể kể đến như: “Bài ca Mười sáu tháng Tư” của Nhạc sĩ Phan Quốc Anh, ca khúc “Thuận Bắc giấc mơ đã về” của Nghệ sĩ ưu tú Đàng Năng Đức, ca khúc “Tháng Tư hồng” của Nhạc sĩ Phan Tử Nho, hay bài thơ “Mừng ngày giải phóng quê hương” của tác giả Trần Tuấn Hùng... Những giai điệu, những vần thơ ấy cứ đều đặn vang lên trong những ngày tháng Tư lịch sử, làm sống dậy trong lòng các thế hệ người dân Ninh Thuận về một thời khắc hào hùng, đầy ý nghĩa; làm vỡ òa cảm xúc của những người đã từng chiến đấu quên mình cho ngày giải phóng quê hương.

Họa sĩ Chế Kim Trung và tác phẩm “Giải phóng Ninh Thuận”.

46 năm kể từ ngày giải phóng, Ninh Thuận đang cho thấy những bước chuyển mình mạnh mẽ. Kinh tế - xã hội có bước tăng trưởng vượt bậc, đời sống người dân từng bước được nâng cao. Có được thành quả ấy, những người con Ninh Thuận lại càng trân trọng hơn giá trị và ý nghĩa lịch sử của ngày 16-4, ngày giải phóng quê hương. Đó cũng là lý do mà những tác phẩm nghệ thuật ghi lại những thời khắc lịch sử của ngày giải phóng Ninh Thuận vẫn còn sống mãi với thời gian.