Những làng nghề thủ công truyền thống của đồng bào Chăm

Ninh Thuận là nơi hội tụ nhiều di sản văn hóa Chăm, ngoài các di tích đền tháp, lễ hội văn hóa đặc sắc, nơi đây, còn bảo tồn được các làng nghề truyền thống đã được lưu truyền từ hàng trăm năm qua. Thời kỳ đất nước mở cửa hội nhập về kinh tế và giao lưu văn hóa, làng nghề truyền thống của người Chăm có điều kiện thuận lợi để hồi sinh, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch ở địa phương.

Làng gốm Bàu Trúc

Ninh Thuận chỉ có duy nhất làng Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) còn bảo tồn nghề làm gốm. Làng Bàu Trúc tiếng Chăm gọi là Palei Hamu Craok (người Việt phát âm thành Ma Tró). Ngày xưa, làng còn có tên gọi khác là Danao Panrang, danh xưng theo đơn vị hành chính là thôn Vĩnh Thuận, ngày nay, gọi là khu phố Bàu Trúc. Làng được bao quanh bởi cánh đồng lúa có hệ thống thủy lợi sông Lu và sông Quao chảy qua hình thành lớp địa tầng đất sét tự nhiên. Mặc dù, chưa có nghiên cứu nào nói về việc phát hiện mỏ đất sét được ví như “vàng đen” đã được khám phá ra như thế nào? Nhưng, trong dân gian tương truyền vị tổ nghề của làng là vợ chồng Po Klaong Can được người dân thờ phụng như vị thần hoàng của làng. Theo ông Quảng Trộm (85 tuổi) ở làng Bàu Trúc cho biết thêm về một giả thuyết nói về nguồn gốc của nghề gốm là do dòng tộc Kut Drai đã truyền dạy cho người dân trong làng bí quyết về kỹ thuật làm gốm. Ngày nay, con cháu của dòng tộc Kut Drai vẫn đang duy trì nghề làm gốm của tổ tiên bằng các phương pháp thủ công truyền thống không sử dụng bàn xoay và không sử dụng kỹ thuật tráng men.

Để làm ra một sản phẩm gốm truyền thống, cần phải tuân thủ theo từng quy trình nhất định. Mỗi công đoạn đều giữ vai trò quan trọng quyết định đến chất lượng sản phẩm. Các quy trình chính để làm ra sản phẩm gốm là khai thác đất sét, xử lý đất sét, tạo hình khối, hoa văn trang trí, phơi gốm để tu chỉnh và nung gốm. Sản phẩm của gốm Bàu Trúc rất đa dạng và phong phú, bao gồm các đồ gia dụng như lu nước, nồi, bình, chậu, ấm, ly, phù điêu tượng thần và gạch dùng trong kiến trúc xây dựng. Từ những đặc điểm chế tác, màu sắc, hoa văn trang trí và các dòng sản phẩm cho thấy gốm Bàu Trúc là sự tiếp nối, kế thừa dòng gốm Sa Huỳnh và gốm Gò Sành của người Champa nổi tiếng trong lịch sử. Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tiếp tục xây dựng hồ sơ trình UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp

Nghề dệt vải thổ cẩm gắn liền với đời sống hàng ngày của phụ nữ Chăm vùng Nam Trung Bộ. Xưa kia, mặt hàng thổ cẩm là sản phẩm triều cống của vương quốc Champa và xuất cảng ra nước ngoài, trao đổi thương mại với quốc tế. Các làng Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận đều có nghề dệt phục vụ cho nhu cầu đời sống. Đặc biệt, là cung cấp cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và cúng lễ trên đền tháp. Ở Ninh Thuận, có làng dệt thổ cẩm ở làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) còn bảo tồn nhiều hoa văn cổ, sản xuất ra nhiều mặt hàng với mẫu thiết kế đẹp đáp ứng yêu cầu thị trường.

Người Chăm làm ra các sản phẩm thổ cẩm từ hai loại khung dệt: Khung dệt tấm lớn (Danâng manyim aban) và khung dệt hoa văn khổ nhỏ (Danâng manyim jih dalah). Thích ứng với thị trường, sản phẩm thổ cẩm Chăm sớm hội nhập và xuất khẩu sang các nước trong khu vực và châu Âu. Tại làng Chăm Mỹ Nghiệp, đã xây dựng được khu sản xuất và khu trưng bày, quảng bá sản phẩm phục vụ khách tham quan, tìm hiểu về kỹ thuật dệt truyền thống của người Chăm. Nghề dệt thổ cẩm gắn liền với người phụ nữ, họ gắn bó với nghề dệt suốt cả cuộc đời. Mặt hàng thổ cẩm Chăm rất được các tộc người ở Tây Nguyên ưa chuộng. Do đó, con đường trao đổi hàng hóa giữa người Chăm với Tây Nguyên, giữa đồng bằng và miền núi được kết nối liên tục trong lịch sử. Họ xem mặt hàng thổ cẩm Chăm là vật dùng để làm sính lễ trong hôn nhân.

Làng bốc thuốc Nam truyền thống An Nhơn và Phước Nhơn

Ở làng Chăm An Nhơn và Phước Nhơn (Ninh Hải) có nhiều gia đình sinh kế bằng nghề bốc thuốc Nam. Các bài thuốc của người Chăm được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nguồn gốc của bài thuốc chủ yếu được khai thác trong tự nhiên, trong các khu rừng, đồi núi ven biển ở Ninh Thuận. Theo kinh niệm bí truyền, rễ cây rừng được chặt mang về sắc nhỏ, phơi khô và pha trộn với nhiều loại thân cây, rễ cây khác nhau tạo thành một hỗn hợp dùng để đun nấu uống chữa bệnh. Điều đặc biệt, các bài thuốc Nam của người Chăm được đun trong nồi siêu làm bằng chất liệu gốm do các nghệ nhân làng Bàu Trúc làm ra. Bài thuốc Nam của người Chăm đã được nhiều nhà khoa học chọn làm đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực y học. Ngày nay, bài thuốc Nam của người Chăm không chỉ phục vụ trong cộng đồng mà còn đi ra thị trường trong và ngoài tỉnh.