Thủy sản tỉnh nhà qua chặng đường 29 năm

Cứ mỗi độ tháng Tư về, trước khi trao đổi với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chúng tôi lại tìm gặp các cán bộ lãnh đạo ngành Thủy sản tỉnh qua các thời kỳ, để được nghe kể nhiều câu chuyện kể về thực trạng nghề cá ngày ấy.

Bứt phá năng lực đánh bắt hải sản

Đầu tháng Tư, chúng tôi đến thăm ông Phạm Hoàng, nguyên Giám đốc Sở Thủy sản đầu tiên của tỉnh sau ngày tái lập. Tuy tuổi cao (sinh năm 1938), sức khỏe có giảm, nhưng cụ vẫn còn minh mẫn. Cụ bồi hồi nhớ lại: Hồi đó vùng biển tỉnh nhà còn thường xuyên xảy ra nạn đánh cá bằng chất nổ, vì vậy nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thủy sản là lo bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời kết hợp tuyên truyền thúc đẩy phát triển khai thác hải sản xa bờ. Theo tư liệu còn lưu giữ của ngành Thủy sản tỉnh, năm 1992, năng lực khai thác hải sản tỉnh ta rất thấp, cả tỉnh chỉ có 1.022 tàu cá với tổng công suất 15.900 CV. Trong những năm 1996, 1997, 1998, tàu cá chỉ cỡ 45 CV đã được coi là tàu công suất lớn. Năm 1997, ông Nguyễn Văn Bông, một ngư dân xã Phước Diêm (Ninh Phước cũ, Thuận Nam sau này) mua chiếc ghe máy có công suất 45 CV, khi trả lời phỏng vấn của tôi, đã xúc động thốt lên: Đây có thể coi là bước khởi nghiệp mới của mình, lần đầu tiên tôi có được chiếc ghe lớn đến vậy. Còn bây giờ, theo số liệu báo cáo đánh giá nhiệm kỳ 2015-2020 của Sở NN&PTNT, ước đến cuối 2020 toàn tỉnh có 2.462 chiếc/469.230 CV; chiếm gần nửa là tàu cá công suất trên 90 CV (trong số này chiếm 35% là tàu cá trên 400 CV). Chỉ riêng công suất máy, đã thấy năng lực tàu cá tỉnh nhà bỏ xa năm 1992.

Ngư dân Cà Ná (Thuận Nam) đầu tư thuyền công suất lớn để khai thác hải sản xa bờ. Ảnh: Văn Nỷ

Theo Luật Thủy sản năm 2017 quy định, tàu cá được quản lý theo kích thước vỏ tàu. Tính theo cách này, đến cuối tháng 3 tỉnh ta có 775 tàu cá có vỏ dài từ 15m trở lên; trong đó có 711 chiếc vỏ dài từ 15m đến dưới 20m, 43 chiếc từ 20m đến dưới 24m và 21 chiếc từ 24m đến dưới 30m. Riêng lực lượng tàu cá hoạt động vùng khơi (quần đảo Trường Sa và giàn khoan DK1) có 741 chiếc, trong đó có 693 tàu khai thác được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại và 48 tàu dịch vụ thủy sản. Thực hiện theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8-3-2019 của Chính phủ, các tàu đánh khơi đều phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá; thêm vào đó, hoạt động đánh bắt khơi xa phải tuân thủ IUU (Illegal, unrepoted and unregulated fishing), nghĩa là không hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không theo quy định. Theo ông Phạm Hoàng, đây chính là những điểm mới gây ấn tượng, khẳng định sự bứt phá của năng lực đánh bắt cá tỉnh nhà.

Sức bật mới của nuôi trồng thủy sản

Về nuôi trồng thủy sản (NTTS), theo tư liệu cũ của ngành Thủy sản, năm 1992 cả tỉnh có 482 ha diện tích mặt nước thả nuôi tôm, chủ yếu tập trung quanh Đầm Nại và vỏn vẹn có 14 trại sản xuất tôm giống rải rác dọc bờ biển Bình Sơn và Tri Hải (Ninh Hải). Các đối tượng thủy sản nuôi trồng khác, cho đến năm 2000 vẫn chưa có gì. Ngày nay, ngoài tôm sú, đã phát triển nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế như: tôm thẻ chân trắng, tôm hùm, ốc hương, hàu, sò huyết, rong sụn và các loài cá biển (chủ yếu là: bớp, mú, chẽm, chim). Nhiều mô hình nuôi có hiệu quả cũng đã hình thành như mô hình nuôi trên cát, mô hình nuôi lồng bè trên biển... Tỉnh ta được xác định là trung tâm sản xuất giống thủy sản lớn của cả nước với thương hiệu “Tôm giống Ninh Thuận”; cả tỉnh có 450 cơ sở sản xuất tôm giống/140.000 m3, sản lượng hằng năm đã vượt trên 30 tỷ post, chiếm khoảng 30% sản lượng của cả nước, gấp hơn 600 lần so với năm đầu tái lập tỉnh. Ngoài ra còn có 40 cơ sở hoạt động sản xuất giống cá biển, ốc hương, sò lụa, hàu,...

Nhân viên kỹ thuật Công ty Cổ phần đầu tư S6, xã Nhơn Hải (Ninh Hải) kiểm tra chất lượng tôm giống. Ảnh: Phan Bình

Theo đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, từ điểm xuất phát thấp, lạc hậu, nhờ nỗ lực của cán bộ và ngư dân, 29 năm qua ngành Thủy sản tỉnh đã liên tục hoàn thành đúng mục tiêu, định hướng, thể hiện rõ nét qua sự phát triển của cả về khai thác hải sản lẫn NTTS. Nếu năm 1992, sản lượng khai thác hải sản chỉ đạt 12.650 tấn, thì năm 2020 đạt 118.690 tấn, tăng 9,38 lần so năm 1992; riêng trong 3 tháng đầu năm nay đạt 21.153 tấn, tăng 5% cùng kỳ. Về NTTS, đến cuối tháng 3, sản lượng tôm nuôi thương phẩm đạt 700 tấn, ốc hương đạt 230 tấn; sản xuất 12,8 tỷ con tôm post, tăng 26,8% so cùng kỳ (trong đó có 2,8 tỷ tôm sú giống, 10 tỷ tôm thẻ giống) và 45 triệu con giống hải đặc sản khác. Đây đều là những con số ấn tượng nếu so với thời điểm năm 1992.

Nhìn lại hành trình kể từ ngày tái lập tỉnh, có thể thấy rõ ngành Thủy sản tỉnh đã phát triển với tốc độ cao (bình quân 11,2%/năm), năm 2020 đưa giá trị thủy sản chiếm tỷ trọng 59,54% trong ngành Nông nghiệp tỉnh, tăng 7% so với năm 2019. Phát huy truyền thống ngành Thủy sản tỉnh nhà 29 năm qua, ngày nay Sở NN&PTNT đang tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là phát triển đồng bộ khai thác hải sản và NTTS. Trước mắt phấn đấu đến cuối năm nay toàn tỉnh đạt sản lượng khai thác hải sản 113.450 tấn; tôm nuôi thương phẩm 4.500 tấn và sản xuất 37 tỷ con giống thủy sản, trong đó có 36,8 tỷ tôm post giống.