Thấy gì qua vụ một số diện tích lúa đông-xuân ở Phước Hậu bị thiệt hại?

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Ninh Phước, vụ đông-xuân năm 2020-2021, toàn huyện gieo trồng diện tích 5.291,2 ha lúa (đạt 99,7% kế hoạch vụ); qua thu hoạch một số trà lúa đầu, năng suất bình quân ước đạt 6,87 tấn/ha, cá biệt có nơi đạt 9 tấn/ha. Dự tính sau khi thu hoạch toàn bộ, có thể năng suất lúa bình quân của Ninh Phước còn đạt cao hơn nếu không có sự cố thiệt hại lúa sâu bệnh từ xã Phước Hậu.

Phước Hậu là xã đồng bằng thuần nông nằm về phía Bắc của huyện, có diện tích tự nhiên 1.460 ha, trong đó có 69,4% đất nông nghiệp. Theo kế hoạch sản xuất lúa vụ đông-xuân năm nay, Phước Hậu gieo trồng diện tích 847 ha trên khắp 7 thôn, trong đó nhiều nhất là thôn Hiếu Lễ 128 ha. Những ngày này, đi về các cánh đồng ở Phước Hậu, dễ dàng bắt gặp quang cảnh lúa đang thu hoạch rộ, trong đó có một số diện tích gieo trễ cũng đang bắt đầu thu hoạch (gần 100 ha ở các thôn Hoài Nhơn, Chất Thường). Theo anh Nguyễn Như Hùng Triết, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hậu, toàn xã có 743 ha cánh đồng lớn lúa, ngoài ra còn có 27 ha nho và 142 ha táo, trồng tập trung ở các thôn: Hoài Nhơn, Trường Thọ và Trường Sanh. Riêng lúa trồng vụ này, thu hoạch đạt năng suất bình quân 8 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt 10 tấn/ha. Nhiều nông hộ như các ông Hán Anh (Hiếu Lễ), Trần Dư (Trường Thọ), Nguyễn Văn Chung (Trường Sanh) đều có ruộng lúa thu hoạch đạt năng suất từ 10 tấn/ha trở lên. Đầu vụ thu hoạch, giá lúa bán được 7.800 đồng/kg, hiện giá tuy giảm còn 6.200-6.300 đồng/kg, nhưng với năng suất đạt được, trừ chi phí nông dân vẫn lãi trên 2 triệu đồng/sào.

Thu hoạch lúa ở thôn Trường Sanh (Phước Hậu), đạt năng suất bình quân từ 9-10 tấn/ha.

Cũng như ở nhiều địa phương trong huyện Ninh Phước, lẽ ra đây là vụ lúa đạt năng suất cao nhất trong nhiều năm qua ở Phước Hậu. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là bên cạnh được mùa, Phước Hậu lại có 121 ha lúa bị thiệt hại, trong đó có 52 ha thiệt hại 30-50%, 38,6 ha thiệt hại 50-60% và 20 ha thiệt hại trên 70%. Diện tích lúa thiệt hại tập trung tại các thôn: Hiếu Lễ (90 ha), Trường Thọ (10,5 ha) và Phước Đồng 2 (20 ha). Năng suất ở các ruộng lúa thiệt hại ước chỉ đạt trung bình 2,5 tấn/ha, nông dân lỗ nặng, chắc chắn không thu hồi được vốn đầu tư. Chính sự cố này, đã kéo năng suất trung bình vụ lúa đông-xuân năm nay của xã, huyện giảm xuống như đã nêu trên. Tìm hiểu tại thôn Trường Sanh, chúng tôi được anh Trương Hồng Chương, có 2 sào lúa vừa gặt xong, cho biết năng suất bình quân của ruộng anh đạt 9 tạ/sào. Cách đó không xa, ruộng lúa của ông Nguyễn Diệu đạt năng suất khoảng 10 tấn/ha. Theo ông Trương Minh Trọng, Trưởng thôn Trường Sanh, trừ các ruộng bị thiệt hại do sâu bệnh, còn lại các đồng lúa trong thôn đầu đạt năng suất trung bình 9-10 tấn/ha. Song điều đáng nói là cũng cùng trên xứ đồng, cách nhau chỉ con đường nội đồng (4 m), trong lúc bên này lúa đạt cao, bên kia lúa lại chết xơ xác, thiệt hại nặng nề.

Nguyên nhân thiệt hại được UBND xã Phước Hậu xác định là do gieo sớm, đơn cử thôn Hiếu Lễ cũng gieo trong lịch thời vụ nhưng chỉ cần sớm hơn khoảng 5-7 ngày là bị nhiễm sâu bệnh. Theo lý giải của Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện, bởi vì các cánh đồng thu hoạch trước không còn lúa, sâu đục thân sẽ di chuyển đến ruộng mới để gây hại. Một nguyên nhân nữa, theo UBND xã Phước Hậu, là do hạn hán nên huyện điều chỉnh vụ hè-thu lấn sang vụ đông-xuân (gieo muộn); cộng với vụ mùa năm 2020, do ở đầu kênh có nước nên nhiều xã không chấp hành chủ trương dừng sản xuất vụ mùa của tỉnh, huyện, vẫn gieo trồng nên côn trùng từ một số diện tích này tiếp tục gây hại, ảnh hưởng đến vụ đông xuân. Từ sự cố thiệt hại lúa do sâu đục thân ở Phước Hậu, anh Ngô Sỹ Châu, trưởng Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Ninh Phước đề xuất cần lấy đây làm bài học kinh nghiệm trong toàn huyện. Theo đó khi vào vụ phải xuống giống đồng loạt và xịt thuốc đúng thời điểm, dứt khoát không để các trà lúa thu hoạch và gieo cấy diễn ra cùng lúc hoặc gần kề.

Theo kế họach, dự kiến cuối tháng 4, Phước Hậu dứt điểm thu hoạch lúa vụ đông-xuân và từ 15-5 bắt đầu xuống giống vụ lúa hè-thu. Từ bài học kinh nghiệm vụ đông-xuân năm 2020-2021 ở Phước Hậu, anh Nguyễn Như Hùng Triết cho rằng để tránh thiệt hại như vừa rồi, huyện cần chỉ đạo buộc phải gieo lúa đồng loạt, sản xuất cùng thời vụ trên các xứ đồng Ninh Phước. Nếu có chủ trương dừng sản xuất vụ mùa trong năm, thì phải dừng toàn bộ diện tích trên địa bàn huyện để bảo đảm công tác quản lý dịch bệnh.