Giải pháp ngăn chặn nguy cơ phá rừng làm rẫy ở huyện Bác Ái

Là huyện miền núi có diện tích rừng và đất rừng chiếm trên 80% diện tích đất tự nhiên, Bác Ái luôn “nóng bỏng” chuyện bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR), nhất là trong mùa khô.

(NTO) Ngay từ đầu năm nay, Bác Ái đã đề ra giải pháp nâng cao trách nhiệm của các chủ rừng, các tổ chức, cá nhân nhận quản lý, bảo vệ rừng; đồng thời tăng cường triển khai các phương án chống phá rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Tuy nhiên với thực trạng đang diễn ra đã cho thấy chuyện giữ rừng ở Bác Ái còn lắm gian nan.

Khu vực rừng bị chặt phá ở thôn Núi Ray (Phước Chính).

Ông Trương Tấn Lành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm (KL) huyện Bác Ái cho biết: “ Tình hình cháy rừng mùa khô có giảm, đặc biệt tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép đã giảm 60% so cùng kỳ, song nạn phá rừng làm rẫy lại ngày càng gia tăng”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong hơn 3 tháng qua, dù thời tiết khô nóng, dự báo cháy rừng có lúc lên đến cấp 4 nhưng trên địa bàn huyện Bác Ái chỉ xảy ra 3 vụ cháy rừng với diện tích 2,24 ha, thiệt hại không đáng kể, tập trung tại tiểu khu 60a, 64 (Phước Tiến) và tiểu khu 59b (Phước Đại). Tuy nhiên, tình trạng phá đốt rừng làm rẫy trái phép lại diễn biến hết sức phức tạp, “nóng” nhất là tại các xã Phước Bình, Phước Chính và xã Phước Thành giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa. Nếu trong quý I có 60 vụ vi phạm Luật BV&PTR được phát hiện thì trong đó đã có 6 vụ phá rừng làm nương rẫy. Có mặt tại khu rừng thuộc tiểu khu 76b, thôn Núi Ray (Phước Chính), chúng tôi đã chứng kiến quang cảnh rừng cây bị đốn hạ nằm ngổn ngang với diện tích 19,1 ha. Sát bên cánh rừng bị chặt phá là con mương cấp 2 dẫn nước về từ hồ Sông Sắt, đất tương đối bằng phẳng, đối diện phía bên kia là nương rẫy trồng bắp xanh um. Anh Chamaléa Xẻng cùng một nhóm thanh niên địa phương đang đi làm về, khi tôi chặn hỏi đã lắc đầu nguây nguẩy: “Không biết ai chặt phá khu rừng này đâu, các anh đi hỏi người khác đi”.

Anh Trương Tấn Lành than thở: “Chính vị trí gần mương nước, thuận lợi canh tác đã làm cánh rừng này biến đổi. Điều khó khăn cho công tác điều tra của chúng tôi là người dân không chịu hợp tác, dù vận động cách nào đi nữa”. Ở Phước Thành, có 21,6 ha rừng thuộc tiểu khu 55 cũng trong tình cảnh tương tự, cây rừng bị chặt phá tan hoang. Để ngăn chặn tác động tiếp theo (như làm rẫy), Hạt KL Bác Ái đã cử lực lượng đến cắm chốt trực 24/24. Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình hình vi phạm trên, anh Lành cho rằng do nhu cầu về đất sản xuất của người dân trong khu vực, thêm nữa do gần đây trên địa bàn huyện Bác Ái triển khai nhiều dự án mới, người dân khai phá để lấy đất bán hoặc chờ giải tỏa, đền bù.

Làm cách nào ngăn chặn vấn nạn phá rừng làm rẫy? Để trả lời câu hỏi ấy, chúng tôi đến tìm hiểu vụ xử lý anh Ka-tơ Kinh tại Hạt KL Vườn Quốc gia Phước Bình. Tháng 3 năm ngoái, Ka-tơ Kinh cư trú thôn Hành Rạc 1 (Phước Bình) đã vào vùng lõi (vùng bảo vệ nghiêm ngặt) của rừng đặc dụng khai phá 4.024 m2 tại lô 6, khoảnh 4, tiểu khu 24, lượng gỗ tròn từ nhóm 1 đến nhóm 8 bị chặt hạ đo được trên 24 m3. Ngày 30-12-2010, Ka-tơ Kinh đã bị truy tố và tòa án xử phạt 4 năm tù giam. Anh Võ Kế Phước, Phó Hạt trưởng Hạt KL Vườn quốc gia Phước Bình nhận xét: “Qua vụ xử lý Ka-tơ Kinh, nạn phá rừng làm rẫy đã chấm dứt hẳn, người dân có đốt nương rẫy đều đốt có kiểm soát. Hiện nay, chúng tôi đang củng cố hồ sơ tiếp tục khởi tố 3 vụ phá rừng làm rẫy tương tự tồn đọng từ năm 2010”. Theo anh Thành Xuân Cương, Tổ trưởng Tổ Thanh tra-Pháp chế (Hạt KL Vườn Quốc gia Phước Bình), các đối tượng vi phạm phá tổng cộng gần 6.000 m2 rừng (đốn hạ trên 37 m3 gỗ tròn các loại) là 3 thanh niên địa phương cũng đều cư trú tại thôn Hành Rạc 1. Cái khó là các đối tượng lo sợ sẽ bị xử tù như Ka-tơ Kinh nên đã tìm cách tránh né, không chịu hợp tác nên việc điều tra còn phải tiếp tục.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Hoán, Phó Chi cục trưởng Chi cục KL tỉnh nói: “Nếu chỉ đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục Luật BV&PTR sẽ không ngăn chặn được nạn phá rừng và cháy rừng, vụ Ka-tơ Kinh là điển hình về răn đe nhưng cũng là chuyện bất đắc dĩ. Xử phạt mà lại xử phạt đồng bào thì không ai muốn, điều chúng tôi kỳ vọng là qua đó bà con sẽ nhận thức được để không còn vi phạm nữa”. Việc điều tra, xử lý các trường hợp vi phạm là điều cần thiết, tuy nhiên riêng đối với cánh rừng bị phá ở Núi Ray, trong khi tiếp tục điều tra thủ phạm gây ra, theo chúng tôi nên chăng đề xuất chuyển đổi thành đất sản xuất vì thực tế đây là rừng khộp hỗn giao (rừng nghèo) không có giá trị lắm.