Ý kiến tâm huyết hướng về quê hương Ninh Thuận

LTS: Kỷ niệm 46 năm ngày Giải phóng Ninh Thuận (16/4/1975-16/4/2021); giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2021); Báo Ninh Thuận ghi lại các ý kiến tâm huyết thể hiện tình cảm và niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với những thành tựu đổi mới, phát triển của tỉnh nhà trong thời gian qua. Đồng thời kỳ vọng Ninh Thuận có bước phát triển mới, trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

* Bà Đoàn Thị Gái, Nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận:

Bà Đoàn Thị Gái, Nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận. Ảnh: L.Anh

Năm 1992, khi tỉnh nhà tái lập, tôi đang là Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (xã An Hải, Ninh Phước). Thời điểm ấy, đời sống người dân còn nhiều khó khăn; cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị dạy-học thiếu thốn … Chất lượng giáo dục vì vậy chưa được như mong đợi, số học sinh bỏ học còn nhiều.

Sau 29 năm tái lập tỉnh, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của Nhân dân, sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh ta có bước phát triển mạnh cả về quy mô trường lớp lẫn chất lượng dạy-học; đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Các tuyến đường liên xã, liên huyện, đường ven biển, cầu An Đông… được đầu tư xây dựng tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, phát triển du lịch; các công trình thủy lợi như hồ Sông Trâu, Sông Sắt, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ… tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp phát triển.

Để tỉnh nhà ngày càng phát triển, tôi mong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự đô thị; đẩy mạnh phát triển du lịch, năng lượng tái tạo (trong quy hoạch); có giải pháp, chính sách hỗ trợ người nghèo có thêm “cần câu” phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Riêng với lĩnh vực giáo dục, cần tiếp tục quan tâm xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị dạy-học, nhất là ở các xã miền núi, vùng sâu vùng xa; tăng cường, nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; làm tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS và đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp.

* Ông Hà Văn Ấu, cán bộ hưu trí phường Tấn Tài (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm):

Ông Hà Văn Ấu, cán bộ hưu trí phường Tấn Tài (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm). Ảnh: B.T

Tôi nghỉ hưu cách đây 20 năm và kể từ đó đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ khu phố 2 cho đến hết nhiệm kỳ vừa rồi và hiện vẫn tiếp tục làm Trưởng Ban công tác Mặt trận khu phố. Được sống gần dân, tôi cảm nhận sâu sắc hơn những tâm tư tình cảm cũng như những chuyển biến trong đời sống người dân. Có thể nói trong 46 năm qua, nhất là từ khi tái lập tỉnh, sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà đã tác động mạnh đến sinh hoạt, việc làm của người dân. Cứ nhìn ở khu phố mình, tôi có thể nhận ra sự đổi mới ngày càng rõ nét.

Trong những ngày này, bằng tình cảm của một cán bộ hưu trí ở cơ sở, điều tôi muốn nói thật từ đáy lòng mình là cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống hôm nay. Giới hưu trí chúng tôi có chung nhận xét, nếu so sánh với các tỉnh khác, tỉnh mình còn một số mặt chưa bằng, nhưng rõ ràng là có chuyển biến mạnh mẽ, nhất là thời gian gần đây. Nhiều khách đến thăm địa phương mình đều cho biết họ rất hài lòng về hạ tầng, điều kiện sống và con người Ninh Thuận. Theo họ, tỉnh ta có nhiều cái hay như môi trường tốt, không khí trong lành, thực phẩm thì vừa ngon, vừa vệ sinh, an toàn lại vừa rẻ. Họ cũng ấn tượng trước các công trình đồ sộ đang xây dựng ở tỉnh ta. Tuy nhiên, là một người dân Ninh Thuận, tôi mong các cấp lãnh đạo tỉnh quan tâm nhiều hơn nữa việc chăm lo hơn đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Tỉnh cần chú trọng giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên, xây dựng các chính sách thu hút đầu tư, đồng hành giúp đỡ các doanh nghiệp phát triển, tạo nhiều việc làm cho thanh niên.

* Đại úy Phạm Trung Dũng, Trợ lý Thanh niên, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

Quê hương Ninh Thuận đang đổi mới từng ngày. Cách đây 46 năm, nơi đây là một trong những chiến trường gian khổ, ác liệt và giờ đây trên mãnh đất nghĩa tình này, tiếng bom rơi đạn nổ đã nhường chỗ cho sự náo nhiệt, rộn ràng không khí lao động, sản xuất, kinh doanh. Đó cũng là thời điểm tuổi trẻ tỉnh nhà nói chung, tuổi trẻ lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh nói riêng tiếp tục ra sức thi đua, học tập để thực hiện khát vọng vì quê hương Ninh Thuận giàu đẹp, văn minh.

Hướng tới kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng Ninh Thuận (16/4/1975-16/4/2021); 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (16/4/1975-16/4/2021) và bầu cử Quốc hội khoá XV và bầu cử HĐND các cấp, tuổi trẻ LLVT tỉnh đã và đang triển khai nhiều hoạt động chất lượng, hiệu quả. Công tác giáo dục, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội, chỉ thị mệnh lệnh của các cấp được triển khai thường xuyên góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên - thanh niên trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, với một số hoạt động nổi bật như: Tiếp tục hướng dẫn, triển khai phong trào thi đua “Tuổi trẻ LLVT tỉnh xung kích, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” giai đoạn 2017-2022 đạt chất lượng tốt. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục về truyền thống quê hương đất nước, tham gia Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp mang lại ý nghĩa thiết thực, tạo sức lan tỏa lớn; hoạt động “Thanh niên tình nguyện”, “Ngày thứ Bảy tình nguyện, ngày Chủ nhật xanh”; tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; tọa đàm tuyên dương Bí thư chi đoàn tiêu biểu kết hợp khen thưởng công trình thanh niên tiêu biểu; tổ chức và tham gia các hội thi do quân khu, Tỉnh đoàn tổ chức đạt thành tích cao, mang lại hiệu quả thiết thực.

Tuổi trẻ hôm nay sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất, tuy không chứng kiến cảnh đau thương, mất mát, nỗi đau xé lòng của chiến tranh, song qua lịch sử của dân tộc, lịch sử Đảng bộ tỉnh, qua những câu chuyện kể của cha anh, âm vang hào hùng về một thời chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi vinh quang, luôn vang vọng trong tâm thức của mỗi người. Để báo đáp công ơn và kế thừa truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, tuổi trẻ LLVT tỉnh nguyện một lòng tiếp bước cha anh, ra sức thi đua học tập, rèn luyện và chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc và góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu mạnh.

Diễm My

Chị Nguyễn Phạm Bảo Ngọc, Trưởng Ban Kinh tế, Gia đình-Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh

Chị Nguyễn Phạm Bảo Ngọc, Trưởng Ban Kinh tế, Gia đình-xã hội Hội LHPN tỉnh. Ảnh: M.Dung

Trong những ngày kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 29 năm tái lập tỉnh, tôi thực sự rất phấn khởi, tự hào trước những đổi thay, phát triển vượt bậc của tỉnh nhà. Phát huy truyền thống của quê hương, phụ nữ Ninh Thuận ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế của mình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; tỷ lệ nữ giới tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế, chính trị ngày càng nhiều. Kế thừa và phát huy truyền thống của các thế hệ phụ nữ Ninh Thuận, bản thân tôi sẽ tích cực tham mưu thường trực Hội triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc; đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; bám sát cơ sở hỗ trợ chị em tham gia các phong trào phụ nữ khởi nghiệp, chủ động phát triển kinh tế; tham gia xây dựng tổ chức Hội thực sự tiên phong vì bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ, là cầu nối tin cậy giữa Đảng với các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh.

Chị Mang Thị Linh, Bí thư Xã đoàn Phước Vinh (Ninh Phước):

Chị Mang Thị Linh, dân tộc Raglai thôn Liên Sơn 2, Bí thư Đoàn xã Phước Vinh (Ninh Phước). Ảnh: B.T

Là người con của dân tộc Raglai, cũng là đoàn viên công tác tại xã nhà, tôi cảm thấy may mắn khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương có truyền thống đấu tranh cách mạng, được học tập, rèn luyện và cống hiến trong thời bình. Nhân kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận; giải phóng Miền Nam, dù chỉ là thế hệ con cháu, tôi vẫn cảm thấy vui mừng, phấn khởi và cảm động trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Raglai. Qua câu chuyện của cha ông và lịch sử địa phương, tôi được biết từ sau ngày giải phóng, nhất là từ khi tái lập tỉnh, nhờ thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, đời sống người dân Raglai đã được cải thiện đáng kể. Đơn cử thôn Liên Sơn 2, nơi tôi cư trú, bộ mặt xóm thôn đã khang trang hơn; đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp; đa số người dân có nhà xây kiên cố, trẻ em được cắp sách đến trường. Tuy tỷ lệ hộ nghèo và tái nghèo trong cộng đồng người dân tộc Raglai còn cao, nhưng với sự phát huy tinh thần khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tỉnh, bà con chắc chắn sẽ được hỗ trợ, có cơ hội để vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong niềm vui kỷ niệm lịch sử này, tôi nghĩ thế hệ trẻ chúng tôi, đặc biệt là thế hệ trẻ dân tộc Raglai có bổn phận phải tiếp nối truyền thống cha ông, xung kích trên mọi lĩnh vực với phương châm “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, chung tay xây dựng tỉnh nhà giàu đẹp, văn minh.