Ninh Hải: Khát vọng vươn mình phát triển

Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XII và cũng là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, huyện Ninh Hải tiếp tục phát huy thế mạnh là khu vực ưu tiên phát triển kinh tế biển của tỉnh để thu hút nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện dự án, phát triển du lịch, thủy sản, năng lượng tái tạo là cơ sở, đòn bẩy để đưa kinh tế - xã hội của huyện vươn lên phát triển.

Đổi thay hôm nay

Với lợi thế có bờ biển dài khoảng 54 km, vừa có núi, có biển và vùng vịnh, Ninh Hải được coi là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển kinh tế biển, nhất là nuôi trồng thủy sản, đánh bắt hải sản và phát triển du lịch. Cụ thể về thủy sản, từ việc chủ yếu khai thác đánh bắt gần bờ với phương thức thủ công thì ngày nay, ngư dân đã tự tin, mạnh dạn vươn khơi, bám biển với tàu thuyền công suất lớn kèm theo nhiều công nghệ, thiết bị khoa học hỗ trợ hiện đại. Đến nay trên địa bàn huyện có 834 chiếc tàu thuyền/132.590 CV, sản lượng khai thác hằng năm đạt trên 30 ngàn tấn. Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nhiều nông dân, ngư dân và doanh nghiệp tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong quá trình nuôi, nhân giống các loại thủy, hải sản, đặc biệt đối với loài tôm, nhờ vậy mà sản lượng tôm thương phẩm đạt 2.200 tấn, sản lượng tôm giống đạt 6,5 tỷ post. Đồng thời gắn với khai thác kinh tế biển, hoạt động dịch vụ - du lịch luôn được huyện quan tâm, chú trọng theo hướng phát triển du lịch bền vững, đúng quy hoạch. Nhiều điểm du lịch, thắng cảnh tại địa phương được các thành phần kinh tế đầu tư bài bản kết hợp với hạ tầng giao thông thuận lợi, kết nối với nhiều trục đường và địa phương khác, thu hút đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá, nghỉ dưỡng, qua đó khẳng định vị thế của Ninh Hải trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.

Du khách đến tham quan vịnh Vĩnh Hy. Ảnh: Phan Bình

Bên cạnh đó, nông nghiệp tại địa phương cũng có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển theo hướng nông nghiệp chất lượng cao, tạo ra sản xuất hàng hóa, hiệu quả; chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt và vượt chỉ tiêu. Điểm nhấn là huyện đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật như: Hơn 180 ha nho thôn Thái An (xã Vĩnh Hải), 100 ha nho xanh ở thôn Thành Sơn (xã Xuân Hải); 15 ha măng tây xanh ở xã Xuân Hải; mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa tại xã Tân Hải với diện tích 157 ha...qua đó nâng cao năng suất, chất lượng nông sản cũng như thu nhập cho nông dân.

Khát vọng vươn xa

Đồng chí Nguyễn Thành Phú, Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải cho biết: Những kết quả đạt được của huyện trên nhiều lĩnh vực như hiện nay là nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân qua từng năm, từng giai đoạn. Đây chính là nền tảng để huyện đạt 13/14 chỉ tiêu trong năm 2020. Trong đó, tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt 9.682 tỷ đồng, thu ngân sách 113 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,56%, 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Chiều trên phố Đầm Nại. Ảnh: Thái Huy

Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XII và cũng là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, huyện Ninh Hải tiếp tục phát huy thế mạnh là khu vực ưu tiên phát triển kinh tế biển của tỉnh để thu hút nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện dự án, phát triển du lịch, thủy sản, năng lượng tái tạo (năng lượng sạch) là cơ sở, đòn bẩy để đưa kinh tế - xã hội của huyện vươn lên phát triển.

Trong đó, huyện tăng cường công tác phối hợp quản lý nhà nước về du lịch, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch quảng bá, xúc tiến du lịch. Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có năng lực triển khai các dự án được tỉnh chấp thuận đầu tư; tiếp tục triển khai đề án du lịch cộng đồng và Homestay tại xã Vĩnh Hải khi có chủ trương, qua đó phấn đấu toàn huyện ước đón 1,4 triệu lượt khách. Về nông nghiệp, địa phương thực hiện tốt công tác khuyến nông, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm đặc thù như: Nho, hành, tỏi, măng tây xanh. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó tăng diện tích cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả có khả năng chịu hạn, tiết kiệm nước; vận động nhân dân nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa; hướng sản xuất theo quy trình VietGAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... qua đó, đảm bảo với tốc độ tăng giá trị sản xuất ước đạt từ 12,5% đến 13%.

Từ chiến lược đã được đề ra và với quyết tâm cao của cán bộ, nhân dân trong huyện, tin rằng Ninh Hải sẽ khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế để đưa kinh tế huyện phát triển nhanh, vững chắc trong những năm tới.