KỶ NIỆM 46 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG NINH THUẬN (16/4/1975 - 16/4/2021)

Khát vọng phát triển, hiện thức hóa mục tiêu trở thành tỉnh khá của cả nước

Sau 46 năm xây dựng và phát triển, nhất là sau 29 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Thuận luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, tranh thủ có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, nhờ đó kinh tế - xã hội (KT-XH) đã có nhiều chuyển biến tích cực qua từng năm.

Dấu ấn phát triển

Ninh Thuận có xuất phát điểm thấp so với các tỉnh trong khu vực nên thời gian đầu giải phóng cho đến ngày tái lập tỉnh, với những bộn bề khó khăn; cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở tất cả các ngành, các khâu then chốt đều yếu và thiếu; đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ khoa học-kỹ thuật, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực còn chưa đáp ứng kịp yêu cầu của công cuộc đổi mới. Nhưng dưới sự nỗ lực của tập thể Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân qua nhiều thế hệ, Ninh Thuận có sự phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế qua từng giai đoạn luôn duy trì ở mức khá và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng; đặc biệt trong giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 10,2%/năm; riêng năm 2020, thực hiện “mục tiêu kép” chống dịch COVID-19, ứng phó hạn hán với phát triển kinh tế, tăng trưởng kinh tế đạt trên 12,17%, đứng thứ 3 toàn quốc, trở thành điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Đến nay, Ninh Thuận đã có một diện mạo mới hoàn toàn. Nếu như năm 1992, GRDP bình quân đầu người 1,37 triệu đồng/người/năm; đến năm 2020, đạt 60,1 triệu đồng/người/năm, tăng 43,86 lần; năm 1992 thu ngân sách đạt 33,3 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt hơn 3.990 tỷ đồng, tăng 118,7 lần. Từ một tỉnh có 1 thị xã, 3 huyện với dân số hơn 428 nghìn người, đến nay Ninh Thuận đã có 1 thành phố-Đô thị loại II và 6 huyện với tổng dân số gần 700.000 người. Đặc biệt, chủ trương chuyển hướng chiến lược sang phát triển mạnh các nhóm ngành đột phá về năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch là đúng đắn, bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần biến khó khăn, thách thức thành động lực phát triển. Chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả bước đầu, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, năng lực sản xuất một số lĩnh vực tăng nhanh... tạo ra những điều kiện cơ sở vật chất và tiền đề hết sức quan trọng cho sự phát triển, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đến nay còn 5,74%; đời sống Nhân dân được cải thiện, an sinh xã hội được thực hiện tốt hơn. Năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán được nâng lên. Quốc phòng - an ninh được củng cố; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, vị thế của tỉnh được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đạt kết quả tích cực, đặc biệt năm 2020 đã tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025. Diện mạo đô thị và nông thôn tiếp tục đổi mới, khang trang; đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện; vị thế của tỉnh được nâng lên, hình ảnh quê hương, con người Ninh Thuận được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến ngày càng nhiều hơn.

Khát vọng phát triển

Kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng, 29 năm ngày tái lập tỉnh, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà tự hào và phấn khởi trước những thành tựu đã đạt được trong chặng đường qua; phát huy truyền thống, Ninh Thuận tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tranh thủ thật tốt sự hỗ trợ của Trung ương, nhất là cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế và trong nội bộ các ngành kinh tế theo hướng chất lượng, giá trị; tăng nhanh khu vực có năng suất lao động và hiệu quả cao. Tập trung đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế biển là động lực, xác định đây là khâu đột phá trong thời gian đến. Xúc tiến và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án động lực, nhất là Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1, hạ tầng Khu công nghiệp Cà Ná, Tổ hợp điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 1 với 1.500MW, đây là những dự án rất quan trọng phát triển khu vực phía Nam của tỉnh, góp phần phát triển KT-XH đạt mục tiêu nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV đề ra.

Cảng Tổng hợp Cà Ná (Thuận Nam) đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Văn Nỷ

Hình thành rõ nét vùng động lực, ngành chủ lực, mũi nhọn trên cơ sở tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; xây dựng những sản phẩm, thương hiệu có năng lực cạnh tranh ở trong và ngoài nước. Tăng cường liên kết để phát huy thế mạnh và vai trò động lực của từng vùng, từng trung tâm kinh tế, góp phần đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế; bảo đảm hài hòa giữa các vùng, đô thị và nông thôn. Tập trung đầu tư và khai thác có hiệu quả các khu công nghiệp, các khu thương mại, dịch vụ gắn với các khu kinh tế, khu du lịch, đô thị và vùng nông thôn, miền núi. Tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư lớn, có quyết tâm cao, trong đó ưu tiên đầu tư các dự án du lịch trọng điểm, đẳng cấp, tạo điểm nhấn phát triển du lịch của tỉnh, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đặc thù của tỉnh, tạo điểm khác biệt, các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao. Tập trung phát triển kinh tế đô thị, trọng tâm xây dựng đô thị Phan Rang - Tháp Chàm thành đô thị hiện đại, thông minh. Thu hút, phát triển các ngành dịch vụ theo hướng hiện đại, tạo giá trị gia tăng cao.

Đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo với mục tiêu phát triển con người toàn diện, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH. Nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Cơ cấu lại lực lượng lao động gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng các ngành sử dụng nhiều lao động có kỹ năng, sử dụng khoa học và công nghệ. Thực hiện giảm nghèo đa chiều bền vững gắn với thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Thuận đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nêu cao tính tiền phong gương mẫu, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao gắn với thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.