Chiến thắng 16-4-1975, chặng đường lịch sử vẻ vang

Nhân kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận (16/4/1975 - 16/4/2021), giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021), với lòng thành kính, biết ơn sâu sắc những cống hiến, hi sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, để giờ đây mỗi chúng ta lại xúc động nhìn lại những chặng đường đấu tranh cách mạng lâu dài và oanh liệt mà Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận nói riêng, cả nước nói chung đã vượt qua dưới sự lãnh đạo của Đảng là vô cùng vẻ vang, cao cả, là trang sử vàng chói lọi, là tài sản vô giá để lại cho thế hệ mỗi người dân Ninh Thuận hôm nay và mai sau.

Xe tăng quân giải phóng đánh chiếm Tòa hành chính chính quyền tỉnh Ninh Thuận, ngày 16-4-1975. Ảnh: tư liệu

Bước vào những năm 1973-1974, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân dân ta ở miền Nam diễn ra sôi động. Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris được ký kết, mặc dầu đã bị thất bại nặng nề, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai vẫn ngoan cố theo đuổi âm mưu áp đặt chủ nghĩa thực dân kiểu mới lên toàn bộ miền Nam nước ta. Đánh giá đúng âm mưu của địch, Đảng ta nhận định rằng, bất kể trong tình huống nào, con đường giành thắng lợi của cách mạng miền Nam cũng phải là con đường bạo lực, kiên quyết dùng chiến tranh cách mạng đánh bại cuộc chiến tranh thực dân kiểu mới của Mỹ- ngụy. Sau thất bại liên tiếp trên chiến trường Tây Nguyên và các tỉnh dọc duyên hải miền Trung, chính quyền Sài Gòn hoang mang cực độ, ra lệnh rút quân lui về co cụm, lập Bộ tư lệnh tiền phương, xây dựng “Tuyến phòng thủ từ xa” bảo vệ Sài Gòn, lấy Du Long - cách thị xã Phan Rang 30 km về phía Bắc làm nơi chốt chặn chủ yếu; quyết tử thủ ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Với “Tuyến phòng thủ từ xa”, chúng hòng củng cố lại tinh thần binh lính sau hàng loạt thất bại thảm hại trên các chiến trường, ngăn chặn thế tiến công thần tốc của quân ta; bảo vệ từ xa bộ máy đầu não ngụy quyền Sài Gòn trước nguy cơ bị sụp đổ

hoàn toàn.

Đứng trước thời cơ ngàn năm có một, ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị họp và quyết định “Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, thời cơ chiến lược để tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt địch đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta bắt đầu”. Với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, với quyết tâm lớn thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4 năm 1975, không thể để chậm. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Khu ủy và Quân khu 6 chỉ đạo Tỉnh ủy Ninh Thuận “Thời cơ đã đến, Tỉnh ủy Ninh Thuận phải phát huy mọi lực lượng ở đồng bằng và căn cứ, tiến ngay ra phía trước tấn công địch, hỗ trợ quần chúng nổi dậy phá ấp, phá kềm, giải phóng quê hương”.

Thực hiện chủ trương trên, sáng ngày 14-4-1975, tiếng pháo công kích của đại quân ta bắt đầu bắn vào điểm chốt của địch ở Bà Râu, Suối Đá, Kiền Kiền, Ba Tháp, Núi Đất và sân bay Thành Sơn. Đến 7 giờ sáng ngày 14-4-1975, lực lượng ta tấn công chiếm quận lỵ Du Long và các vị trí Bà Râu, Suối Vang, Suối Đá tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch tại đây; đồng thời bẻ gãy nhiều đợt phản công của chúng hòng giữ “Tuyến Phòng thủ từ xa”. Sáng ngày 16-4-1975, lệnh tấn công được phát ra, lực lượng ta chia làm 3 mũi chính: Mũi thứ nhất có xe tăng dẫn đầu tiến theo đường Quốc lộ 1, sau khi đánh chiếm Phan Rang sẽ tiến lên sân bay Thành Sơn từ hướng Nam; mũi thứ 2 từ hướng Tây Bắc đánh thẳng vào sân bay Thành Sơn; mũi thứ 3 đánh chiếm cảng Ninh Chữ, không cho địch tháo chạy ra biển. Phối hợp với quân chủ lực, lực lượng 311 ở núi Cà Đú xuất kích, đánh tạt vào sườn quân địch đang tháo chạy. Ở hướng Tây Bắc, 2 đại đội đặc công và công binh Quân khu 6 phối hợp với lực lượng địa phương chọc thẳng xuống Phước Thiện, Ninh Quý, vượt qua Cầu Sắt vào khu vực Bảo An - Tháp Chàm. Đến 9 giờ 30 phút, ngày 16-4-1975 cờ Mặt trận giải phóng tung bay trên đỉnh Toà hành chính - cơ quan đầu não ngụy quyền Ninh Thuận, đánh dấu tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn giải phóng. Tuyến phòng thủ từ xa bảo vệ Sài Gòn bị đập tan đã tạo thế mở đường cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30-4-1975.

Thắng lợi ngày 16-4-1975 là nhờ chúng ta nắm vững đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài; phát huy sức mạnh nhân tài, vật lực của địa phương là chính, đồng thời vận dụng có hiệu quả sự chi viện của Trung ương và các tỉnh trong cả nước; nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng, không ngừng xây dựng và củng cố phát triển lực lượng vũ trang, phát triển chiến tranh du kích, liên tục tấn công địch, bảo vệ thành quả cách mạng, giành thắng lợi cuối cùng; chúng ta đã xây dựng căn cứ địa, tạo thế vững chắc để tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài cho đến ngày giành thắng lợi; thắng lợi mang ý nghĩa quan trọng là Đảng bộ Ninh Thuận đã kịp thời quán triệt quan điểm sự nghiệp cách mạng là của quần chúng, từ đó huy động sức mạnh của các tầng lớp Nhân dân đứng lên chống giặc ngoại xâm; cùng với đó là sự lãnh đạo chủ động, trực tiếp của Đảng bộ, giữ vững khối đoàn kết thống nhất trong Đảng là điều kiện quyết định thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ngày 26-12-1991, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII đã quyết định tách tỉnh Thuận Hải thành hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Ngày 1-4-1992, tỉnh Ninh Thuận được tái lập và chính thức đi vào hoạt động. Trải qua 46 năm xây dựng và phát triển, nhất là sau 29 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Thuận luôn đoàn kết, phát huy sức mạnh các nguồn lực, vượt qua mọi khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện; vị thế của tỉnh được nâng lên, hình ảnh quê hương, con người Ninh Thuận được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến ngày càng nhiều hơn.

Phát huy tinh thần 46 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 29 năm Ngày tái lập tỉnh, toàn Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà tự hào và phấn khởi trước những thành tựu đã đạt được trong chặng đường qua; đồng thời nhận thức sâu sắc những thách thức, khó khăn đang đặt ra phía trước; để từ đó tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực, khát vọng phát triển với tinh thần quyết tâm cao, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng. an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp, văn minh.