Kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận (16/4/1975 - 16/4/2021), giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021) và 29 năm Ngày tái lập tỉnh (01/4/1992 - 01/4/2021)

Phần thứ nhất

CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ VẺ VANG

I/ CHIẾN THẮNG 16/4/1975 - MỐC SON CHÓI LỌI TRONG LỊCH SỬ CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN NINH THUẬN

1/ Diễn biến

Trong những năm 1973 - 1974 cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân ta ở miền Nam diễn ra sôi động. Tháng Giêng năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, mặc dầu đã bị thất bại nặng nề, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai vẫn ngoan cố theo đuổi âm mưu áp đặt chủ nghĩa thực dân kiểu mới lên toàn bộ miền Nam nước ta. Chúng đã trắng trợn chà đạp hầu hết các điều khoản chủ yếu của Hiệp định, tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh thực dân kiểu mới trên quy mô lớn bằng các kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” và những cuộc hành quân “bình định” lấn chiếm vùng giải phóng, chồng chất muôn vàn tội ác đối với đồng bào ta.

Bộ đội đánh chiếm Tòa hành chính - cơ quan đầu não của chính quyền tỉnh Ninh Thuận
lúc 9 giờ 30 phút, ngày 16-4-1975. Ảnh tư liệu

Đánh giá đúng âm mưu của kẻ thù, Đảng ta nhận định rằng, bất kể trong tình huống nào, con đường giành thắng lợi của cách mạng miền Nam cũng phải là con đường bạo lực, kiên quyết dùng chiến tranh cách mạng đánh bại cuộc chiến tranh thực dân kiểu mới của Mỹ - Ngụy.

Sau hai năm 1973 - 1974 và nhất là từ chiến thắng giải phóng Phước Long (06/01/1975), cục diện chiến trường miền Nam đã thay đổi một cách căn bản, có lợi cho ta. Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng, tháng 10/1974 và đầu năm 1975 đã kịp thời đánh giá đúng lực lượng so sánh giữa ta và địch, vạch rõ sự xuất hiện của thời cơ lịch sử: “Cả năm 1975 là thời cơ... nếu thời cơ đến vào đầu năm hay cuối năm thì lập tức giải phóng miền Nam Việt Nam trong năm 1975”, và quyết định tổng tấn công, nổi dậy giải phóng miền Nam, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - Mùa Xuân năm 1975.

Sau thất bại liên tiếp trên chiến trường Tây Nguyên và các tỉnh dọc Duyên Hải miền Trung, Ngụy quyền Sài Gòn hoang mang cực độ, ra lệnh rút quân lui về co cụm, lập Bộ tư lệnh tiền phương, xây dựng “Tuyến phòng thủ từ xa” bảo vệ Sài Gòn, lấy Du Long - cách thị xã Phan Rang 30 km về phía Bắc làm nơi chốt chặn chủ yếu; quyết tử thủ ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Tại đây, địch tăng cường tập trung lực lượng, gồm Sư đoàn không quân số 6, 2 Trung đoàn và Tiểu đoàn bộ binh, 1 Liên đoàn biệt động quân, 2 chi đoàn xe tăng, 1 hạm đội ở ngoài khơi sẵn sàng chi viện. Với “Tuyến phòng thủ từ xa”, chúng hòng củng cố lại tinh thần binh lính sau hàng loạt thất bại thảm hại trên các chiến trường, ngăn chặn thế tiến công thần tốc của quân ta; bảo vệ từ xa bộ máy đầu não Ngụy quyền tại Sài Gòn trước nguy cơ bị sụp đổ hoàn toàn.

Đứng trước thời cơ ngàn năm có một, ngày 31/3/1975, Bộ Chính Trị họp và quyết định: “Cuộc chiến tranh cách mạng ở Miền Nam đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, thời cơ chiến lược để tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt địch đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta bắt đầu”. Bộ Chính trị hạ quyết tâm: “Với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, với quyết tâm lớn thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4 năm 1975, không thể để chậm”. Thực hiện chủ trương của Bộ chính trị, Khu ủy và Quân khu 6 chỉ đạo Tỉnh uỷ Ninh Thuận: “Thời cơ đã đến, Tỉnh uỷ Ninh Thuận phải phát huy mọi lực lượng ở đồng bằng và căn cứ, tiến ngay ra phía trước tấn công địch, hỗ trợ quần chúng nổi dậy phá ấp, phá kềm, giải phóng quê hương”.

Sau khi tỉnh Khánh Hoà và Lâm Đồng được giải phóng, trong các ngày 01 đến ngày 03/4/1975, các toán tàn quân ở Đà Lạt tháo chạy theo đường 11 về Phan Rang. Chớp thời cơ, ta mở các đợt công kích địch đánh chiếm các ấp ở Sông Mỹ; sau đó lần lượt đánh chiếm các ấp ven đường 11 từ Krông-Pha đến Đèo Cậu, giải phóng quận Krông-Pha. Mặc dù địch dùng nhiều máy bay kết hợp với xe tăng, pháo binh, bộ binh đánh phá ác liệt vào vùng căn cứ và vùng mới giải phóng, nhưng quân và dân Ninh Thuận vẫn kiên cường bám trụ, bẻ gãy tất cả đợt phản kích của địch. Được sự chỉ đạo của Quân khu 6, Tỉnh uỷ Ninh Thuận chỉ đạo rút bộ đội địa phương của 2 huyện Bác Ái và Anh Dũng cùng một số đơn vị khác của tỉnh để bổ sung cho Tiểu đoàn 610, làm nhiệm vụ chốt giữ Đèo Cậu, chặn đánh địch từ sân bay Thành Sơn bung ra phản kích, bảo vệ quận Krông-Pha và sẵn sàng phối hợp với bộ đội chủ lực vào giải phóng Phan Rang.

Chiều ngày 07/4/1975, tại Tháp Chàm trong lúc tinh thần địch hoang mang rối loạn, lực lượng ta bung ra khống chế bọn tề điệp, ác ôn và dân vệ. Đến 19 giờ cùng ngày, lực lượng vũ trang thị xã và du kích mật tấn công Trại Nguyễn Hoàng, Ga Tháp Chàm, Cầu Móng, ngã ba Tháp Chàm và quận lỵ Bửu Sơn. Địch ở sân bay Thành Sơn tung lực lượng ra phản kích quyết liệt. Đại đội 311 được dân quân du kích và Nhân dân xóm Dừa giúp đỡ đã anh dũng chiến đấu suốt 2 ngày đêm trong lòng địch, đánh lui 16 đợt phản kích của chúng. Để đập tan tuyến phòng thủ từ xa của địch, đồng chí Thượng tướng Lê Trọng Tấn Tư lệnh cánh quân duyên hải quyết định sử dụng Sư đoàn 3 của Quân khu 5, Trung đoàn 25 Tây Nguyên và Quân khu 6, tăng cường 2 đại đội đặc công và công binh cùng với các lực lượng của Ninh Thuận chuẩn bị tấn công “Tuyến phòng thủ từ xa”. Tỉnh uỷ Ninh Thuận hạ quyết tâm cao nhất, lãnh đạo bộ đội địa phương, dân quân du kích, Nhân dân trong tỉnh phối hợp với các lực lượng chủ lực của Trung ương và Quân khu chi viện, vùng lên tấn công và nổi dậy đánh đổ chế độ Mỹ - Ngụy, giải phóng tỉnh nhà.

Sáng ngày 14/4/1975, tiếng pháo công kích của đại quân ta bắt đầu bắn vào điểm chốt của địch ở Bà Râu, Suối Đá, Kiền Kiền, Ba Tháp, Núi Đất và sân bay Thành Sơn. Đến 7 giờ sáng ngày 14/4/1975, Sư đoàn 3 bộ binh ta tấn công chiếm quận lỵ Du Long và các vị trí Bà Râu, Suối Vang, Suối Đá, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch tại đây; đồng thời bẻ gãy nhiều đợt phản công của chúng hòng giữ “Tuyến Phòng thủ từ xa”. Sáng ngày 16/4/1975, lệnh tấn công được phát ra, lực lượng ta chia làm 3 mũi chính: Mũi thứ nhất có xe tăng dẫn đầu tiến theo đường Quốc lộ 1, sau khi đánh chiếm Phan Rang sẽ tiến lên sân bay Thành Sơn từ hướng Nam; mũi thứ 2 từ hướng Tây Bắc đánh thẳng vào sân bay Thành Sơn; mũi thứ 3 đánh chiếm cảng Ninh Chữ, không cho địch tháo chạy ra biển. Phối hợp với quân chủ lực, lực lượng 311 ở núi Cà Đú xuất kích, đánh tạt vào sườn quân địch đang tháo chạy. Ở hướng Tây Bắc, 2 đại đội đặc công và công binh Quân khu 6 phối hợp với lực lượng địa phương chọc thẳng xuống Phước Thiện, Ninh Quý, vượt qua Cầu Sắt vào khu vực Bảo An-Tháp Chàm. Đến 9 giờ 30 phút ngày 16/4/1975 cờ Mặt trận giải phóng tung bay trên đỉnh Toà hành chính - cơ quan đầu não ngụy quyền Ninh Thuận, đánh dấu tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn giải phóng. Tuyến phòng thủ từ xa bảo vệ Sài Gòn bị đập tan đã tạo thế mở đường cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

2/ Nguyên nhân thắng lợi và bài học kinh nghiệm của Đảng bộ và Nhân dân Ninh Thuận:

Một là, Đảng bộ Ninh Thuận quán triệt quan điểm sự nghiệp cách mạng là của quần chúng, đã huy động sức mạnh của các tầng lớp Nhân dân đứng lên chống giặc ngoại xâm.

Hai là, nhờ nắm vững đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài; phát huy sức mạnh nhân tài, vật lực của địa phương là chính, đồng thời vận dụng có hiệu quả sự chi viện của Trung ương và các tỉnh trong cả nước.

Ba là, nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng, không ngừng xây dựng và củng cố phát triển lực lượng võ trang, phát triển chiến tranh du kích, liên tục tấn công địch, bảo vệ thành quả cách mạng, giành thắng lợi cuối cùng.

Bốn là, xây dựng căn cứ địa, tạo thế vững chắc để tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài cho đến ngày giành thắng lợi.

Năm là, sự lãnh đạo chủ động, trực tiếp của Đảng bộ, giữ vững khối đoàn kết thống nhất trong Đảng là điều kiện quyết định thắng lợi trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

II/ CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH TOÀN THẮNG, GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975)

Từ sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Chiến dịch Tây Nguyên, Trị Thiên và Khu V, giải phóng ven biển miền Trung, ngụy quân, ngụy quyền tan rã từng mảng, hoang mang và hỗn loạn, lâm vào thế thất bại hoàn toàn không thể cứu vãn nổi, Hội nghị Bộ Chính trị ngày 01/4/1975 kịp thời bổ sung thêm quyết tâm chiến lược: Giải phóng miền Nam trong tháng 4/1975; ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm giải phóng Sài Gòn và miền Nam Việt Nam. Với khí thế quyết chiến, quyết thắng, tất cả vì chiến trường, tất cả để giải phóng miền Nam, quân và dân các tỉnh ven biển Cực Nam Trung bộ phối hợp chiến đấu cùng cánh quân duyên hải tiến quân thần tốc, vừa đi vừa đánh địch, giải phóng tỉnh Bình Thuận ngày 19 tháng 4, đến ngày 20 tháng 4 đại quân ta tiến tới Rừng lá, cách Xuân Lộc 20km, khống chế cánh cửa phía Đông của quân ngụy Sài Gòn.

17 giờ ngày 26/4/1975, ta bắt đầu tiến công giải phóng thành phố Sài Gòn -Gia Định, lần lượt tiêu diệt và làm tan rã các sư đoàn chủ lực ngụy, sau đợt tấn công cuối cùng, đến 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975 cờ đỏ sao vàng lên nóc Dinh Độc Lập. Đây là thời điểm đánh dấu thành phố Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn giải phóng, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Ngày 30/4/1975 trở thành ngày Hội mừng chiến thắng của toàn thể dân tộc Việt Nam. Với thắng lợi vĩ đại này, Nhân dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh với quy mô lớn nhất và ác liệt nhất của Mỹ từ sau chiến tranh thế giới thứ II. Đây là thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội trong thế kỷ XX do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, là trang sử hào hùng và chói lọi chiến công của dân tộc Việt Nam trên con đường dựng nước và giữ nước. Có được thắng lợi như vậy xuất phát từ đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập tự chủ, đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta. Trong suốt quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta kết hợp tài tình 2 nhiệm vụ chiến lược cách mạng ở 2 miền đất nước nhưng cùng nhằm một mục tiêu chung là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân trong cả nước, thực hiện thống nhất nước nhà, tạo điều kiện để đưa nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội; với đường lối ấy, Đảng đã kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đánh Mỹ và thắng Mỹ. Chiến thắng 30/4/1975, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thực hiện được ước nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ Quốc, Bắc - Nam sum họp một nhà.

Thắng lợi của Việt Nam đã củng cố niềm tin và cổ vũ sự nghiệp đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Nhân dân Lào và Campuchia đi đến toàn thắng, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của các lực lượng tiến bộ trên thế giới.

Phần thứ hai

ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN NINH THUẬN PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC, ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN QUÊ HƯƠNG NGÀY CÀNG GIÀU ĐẸP, VĂN MINH

 

Ngay từ khi tỉnh Ninh Thuận được giải phóng, đã nhanh chóng tiếp thu, tiếp quản các cơ sở; thành lập chính quyền cách mạng lâm thời các cấp, ban bố lệnh thiết quân luật để giữ gìn an ninh, trật tự, ổn định tình hình địa phương. Để ổn định đời sống Nhân dân, Đảng bộ tập trung lãnh đạo quân và dân trong tỉnh ra sức khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất; tích cực xóa nạn mù chữ; ngành y tế nhanh chóng đi vào hoạt động; lực lượng quân sự của tỉnh được quan tâm củng cố và phát triển...

Từ tháng 02 năm 1976 đến năm 1991, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy sáp nhập thành tỉnh Thuận Hải. Ninh Thuận là một phần ở phía Bắc tỉnh Thuận Hải. Thực hiện đường lối đổi mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, bước đầu tạo một số chuyển biến quan trọng trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Năng lực sản xuất được giải phóng, nguồn vốn trong Nhân dân được huy động đầu tư mở rộng sản xuất. Nhìn chung sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ đều có bước phát triển mới, kinh tế nhiều thành phần phát triển đa dạng. Đời sống Nhân dân được cải thiện hơn, nhất là ở vùng đồng bằng; công tác xây dựng Đảng được tăng cường, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tính đến cuối năm 1991, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Ninh Thuận đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng phấn khởi, làm tiền đề cho bước phát triển trong giai đoạn tiếp theo của Ninh Thuận.

Theo đề nghị của Ban Chấp hành Đảng bộ và HĐND tỉnh Thuận Hải, tại kỳ họp thứ 10 ngày 26/12/1991, Quốc hội khóa VIII đã quyết định tách tỉnh Thuận Hải thành hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Từ ngày 01/4/1992 tỉnh Ninh Thuận được tái lập và chính thức đi vào hoạt động.

Trải qua 46 năm xây dựng và phát triển, nhất là sau 29 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Ninh Thuận luôn đoàn kết, phát huy sức mạnh các nguồn lực, vượt qua mọi khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Các lĩnh vực đột phá về năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch phát huy hiệu quả; môi trường đầu tư được cải thiện, thu hút đầu tư tăng nhanh. Văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều tiến bộ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đạt kết quả tích cực, đặc biệt năm 2020 đã tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025. Diện mạo đô thị và nông thôn tiếp tục đổi mới, khang trang; đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện; vị thế của tỉnh được nâng lên, hình ảnh quê hương, con người Ninh Thuận được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến ngày càng nhiều hơn.

Kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà tự hào và phấn khởi trước những thành tựu đã đạt được trong chặng đường qua; đồng thời nhận thức sâu sắc những thách thức, khó khăn đang đặt ra phía trước. Vùng đất kiên trung vốn có truyền thống cách mạng, có nền văn hóa mang đậm sắc thái từng dân tộc trong cộng đồng các dân tộc trong tỉnh; Ninh Thuận tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn, nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.