Vấn đề kiểm soát súng đạn tiếp tục thách thức nước Mỹ

Trong bối cảnh các bang trên khắp nước Mỹ những tuần gần đây liên tục chứng kiến hàng loạt vụ xả súng gây chết người, vấn đề kiểm soát súng đạn lại một lần nữa đặt ra thách thức lớn đối với chính quyền của Tổng thống Joe Biden.

Liên tiếp các vụ xả súng

Rạng sáng ngày 3-4 (giờ địa phương), một vụ nổ súng ở bang Maryland đã xảy ra khiến 3 người thiệt mạng. Đây là vụ mới nhất trong chuỗi các vụ xả súng gây chết người làm rung chuyển nước Mỹ trong thời gian gần đây. Giới chức hạt Prince George thuộc bang Maryland cho biết cảnh sát đã nghe thấy tiếng súng khi đang tuần tra trong một khu dân cư và tìm thấy một chiếc xe hơi có hai nam giới bên trong và một phụ nữ bên ngoài xe. Cả 3 được cho là đã tử vong tại hiện trường và trên cơ thể có các vết thương do đạn bắn. Cảnh sát nhận định đây không phải là một vụ phạm tội ngẫu nhiên và đang nỗ lực truy lùng những kẻ tình nghi cũng như xác định động cơ gây án.

Cảnh sát phong tỏa tại hiện trường một vụ xả súng ở Mỹ.

Trước vụ xả súng ở bang Maryland vài giờ cũng đã xảy ra một vụ nổ súng khác ở cách hiện trường vụ nổ súng thứ nhất gần 10 km về phía Bắc. Cảnh sát đến hiện trường vào tối ngày 2-4 và phát hiện một phụ nữ đã chết với nhiều vết thương do đạn bắn. Thông tin chi tiết về vụ nổ súng này vẫn chưa được công bố.

Những vụ nổ súng trên xảy ra trong bối cảnh các bang trên khắp nước Mỹ những tuần gần đây đã chứng kiến hàng loạt vụ xả súng gây chết người, trong đó có một vụ nổ súng tại một bữa tiệc tại gia ở bang North Carolina vào đêm ngày 2-4, khiến 3 người thiệt mạng và 4 người bị thương.

Trước đó đã xảy ra nhiều vụ việc tương tự tại các bang California, Colorado và Georgia. Ngày 31-3, 4 người, trong đó có một trẻ em 9 tuổi, đã thiệt mạng tại thành phố Orange, bang California và 10 người khác thiệt mạng trong một vụ xả súng hàng loạt tại một siêu thị ở thành phố Boulder, bang Colorado.

Đặc biệt, ngày 16-3 vừa qua, nước Mỹ cũng đã chấn động trước vụ xả súng vào 3 tiệm spa ở thành phố Atlanta, bang Georgia, khiến 8 người thiệt mạng, trong đó 6 nạn nhân là phụ nữ gốc Á. Đây là vụ tấn công nhắm vào cộng đồng người châu Á tại Mỹ đẫm máu nhất trong nhiều năm trở lại đây. Sau vụ việc này, các cuộc biểu tình chống nạn kỳ thị người gốc Á đã bắt đầu bùng lên ở Mỹ với những khẩu hiệu “Stop Asian Hate” (Ngừng hận thù đối với người châu Á).

Bên cạnh đó, các vụ xả súng trên cũng tiếp tục làm dấy lên quan ngại về nạn bạo lực súng đạn cũng như việc sở hữu súng đạn tại Mỹ. Đi tìm nguyên nhân của các vụ bạo lực súng đạn ở Mỹ, cuộc thăm dò dư luận do Harvard CAPS-Harris công bố ngày 29-3 cho thấy gần một nửa số người dân Mỹ được hỏi cho rằng hầu hết các vụ bạo lực súng đạn đều xuất phát từ việc người dân dễ dàng tiếp cận các loại súng. Cụ thể là 44% số người tham gia khảo sát cho rằng nguyên nhân của bạo lực súng là do các quy định sở hữu súng đạn lỏng lẻo ở Mỹ. Trong khi đó, 29% số ý kiến đề cập đến các băng nhóm tội phạm ở thành thị và 27% số người được hỏi cho rằng nguyên nhân xuất phát từ các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Theo Tổ chức Nghiên cứu RAND (Mỹ), nền kinh tế số 1 thế giới có tỉ lệ sở hữu súng dân sự cao nhất thế giới và tỉ lệ tử vong do súng luôn cao hơn các quốc gia giàu có khác. Theo Cơ quan Lưu trữ về bạo lực súng đạn ở Mỹ, hơn 43.000 trường hợp tử vong liên quan đến súng vào năm ngoái.

Tờ Washington Post thì nhấn mạnh bạo lực súng đạn chưa từng dừng lại trong đại dịch COVID-19 và năm 2020 là năm xảy ra nhiều vụ xả súng chết chóc nhất trong những thập kỷ qua. Ông Ronnie Dunn, giáo sư nghiên cứu đô thị tại một trường Đại học ở Thành phố Cleveland, cho biết hơn 100 người Mỹ thiệt mạng mỗi ngày vì bạo lực súng đạn, phần lớn thuộc cộng đồng da màu.

Chính phủ Mỹ cần hành động quyết liệt hơn nữa

Sau hàng loạt vụ xả súng xảy ra trong thời gian gần đây, nhiều nhóm ủng hộ kiểm soát súng đạn tại Mỹ đã tăng cường nỗ lực thúc đẩy chính quyền Tổng thống Joe Biden hành động quyết liệt hơn để giải quyết vấn đề nhức nhối tại quốc gia này.

Liên quan đến vấn đề kiểm soát súng đạn, ngày 11-3-2021, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát vừa thông qua 2 dự luật về siết chặt kiểm soát súng, trong đó một dự luật nhằm thắt chặt lỗ hổng tồn tại nhiều năm nay trong luật kiểm soát súng đạn thông qua việc mở rộng kiểm tra lý lịch đối với những người mua vũ khí qua mạng Internet, tại các cuộc triển lãm súng và thông qua một số giao dịch riêng nhất định. Dự luật thứ hai cho phép nhà chức trách có 10 ngày làm việc để hoàn thành việc thẩm tra lý lịch liên bang trước khi cấp phép cho hoạt động bán súng.

Dù cả hai dự luật trên được Hạ viện thông qua với số phiếu chênh lệch không lớn, song phần nào đã mang lại những tín hiệu tích cực và niềm tin về một nước Mỹ an toàn hơn sau rất nhiều vụ xả súng đẫm máu trong những năm gần đây. Việc Hạ viện thông qua các dự luật kiểm soát súng trên cũng cho thấy quyết tâm từ phe Dân chủ cũng như cam kết của Tổng thống Joe Biden trong chiến dịch tranh cử về việc tăng cường kiểm soát súng đạn. Tuy nhiên một thực tế là trong khi 2 dự luật trên đang chờ để được Thượng viện thông qua. Theo giới quan sát, để 2 dự luật về siết chặt kiểm soát súng trên có thể chính thức trở thành đạo luật, chính quyền của ông Biden và phe Dân chủ vẫn còn một chặng đường dài phía trước, đặc biệt nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt của phe Cộng hòa tại Thượng viện thời gian tới. Dù giành quyền kiểm soát Thượng viện, song phe Dân chủ vẫn cần sự ủng hộ tuyệt đối của 50 thành viên phe này cũng như ít nhất 10 nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa để các dự luật trên chính thức trở thành luật.

Trong bối cảnh đó, tân Tổng thống Biden ngày 31-3 đã kêu gọi cấm các loại vũ khí tấn công ở Mỹ, đồng thời hối thúc Quốc hội sớm thông qua các dự luật siết chặt kiểm soát súng đạn, sau khi tại nước này liên tiếp xảy ra các vụ xả súng kinh hoàng.

Bên cạnh đó, trong nỗ lực kiểm soát súng đạn, vào ngày 31-3 vừa qua, chính quyền Tổng thống Biden cũng đã công bố chương trình phòng chống bạo lực cộng đồng trị giá 5 tỷ USD trong gói chi tiêu khổng lồ cho cơ sở hạ tầng. Theo đó, ngân sách phòng chống bạo lực cộng đồng sẽ hướng tới giải quyết phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng kinh tế, là một phần của kế hoạch cơ sở hạ tầng tổng thể đầu tư vào đào tạo việc làm cho những người từng bị giam giữ và cải thiện an ninh cộng đồng.

Theo TTXVN