Nâng cao hiệu quả xây dựng Chính quyền điện tử

Ngày 7-4, Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT) tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương nhằm triển khai nhiệm vụ năm 2021. Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Năm 2020, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt công tác xây dựng CQĐT, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử đạt 97% (chỉ tiêu 90%); tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng đạt 100% (chỉ tiêu 80%); tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 31,29% (chỉ tiêu 30%); tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến đạt 21,36% (chỉ tiêu 20%). Hạ tầng CNTT tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh và các sở, ban ngành, chính quyền cấp huyện có sự quan tâm đầu tư, luôn được duy trì, vận hành ổn định, thông suốt, đáp ứng được yêu cầu. Phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc, ý kiến chỉ đạo điều hành đã được đưa vào sử dụng trong toàn tỉnh, mang lại hiệu quả ngày càng cao. Đã xây dựng trục liên thông nội tỉnh, kết nối, liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia để phục vụ cho việc gửi nhận văn bản điện tử, đáp ứng yêu cầu liên thông văn bản điện tử 4 cấp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là trong thời dịch bệnh COVID-19.

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Cổng dịch vụ công của tỉnh được triển khai đồng bộ, thống nhất, cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các trang thông tin điện tử thành phần đã đăng tải đầy đủ thông tin chỉ đạo điều hành, hoạt động quản lý nhà nước của các sở, ngành, địa phương, dịch vụ công, văn bản quy phạm pháp luật, góp phần nâng cap hiệu quả về công tác tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ pháp luật ở địa phương, phục vụ người dân và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. An ninh thông tin ngày càng được quan tâm, tăng cường bảo đảm an ninh trật tự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…

Năm 2021, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai xây dựng CQĐT; đặc biệt tập trung xây dựng Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2020- 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đầu tư, nâng cấp hạ tầng CNTT trong các cơ quan nhà nước. Xây dựng nền tảng tích hợp dữ liệu hình thành kho dữ liệu dùng chung. Phát triển các ứng dụng, dịch vụ CNTT phục vụ hoạt động nội bộ các cơ quan nhà nước. Tiếp tục hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh đảm bảo việc liên thông kết nối hệ chương trình quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Ngoài ra, bảo đảm an toàn thông tin, phát triển nguồn nhân lực…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương sự nỗ lực, kết quả đạt được trong công tác xây dựng CQĐT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Đồng chí nhấn mạnh: Xây dựng Chính phủ điện tử là nhiệm vụ hết sức quan trọng của đất nước, quốc gia, hướng đến chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số để đạt mục tiêu phát triển thịnh vượng. Yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, bám phương châm hành động “Đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, phát triển, tăng tốc, hiệu quả”, tranh thủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quyết tâm nỗ lực vượt qua những khó khăn, hạn chế, phấn đấu triển khai thực hiện hiệu quả xây dựng CQĐT năm 2021, và xa hơn là đến năm 2025. Quá trình triển khai thực hiện cần có tính khoa học, căn cơ, bài bản, chặt chẽ, mạch lạc, khả thi trong ứng dụng công nghệ thông tin. Nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng thể chế thống nhất, chuẩn hóa lại các quy định, các chương trình, kế hoạch Đề án chuyển đổi số. Đồng chí lưu ý cốt lõi của Chính phủ điện tử là dịch vụ công trực tuyến, vì vậy cần tập trung vào dịch vụ công tực tuyến phục vụ nhân dân và doanh nghiệp mọi lúc mọi nơi; tăng cường dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 bảo đảm chất lượng. Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh tiếp tục cải cách, hoạt động hiệu quả hơn, trong đó chú ý đến kiện toàn nhân lực và nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật CNTT bảo đảm đồng bộ, liên thông, từ trên xuống dưới trong ra ngoài. Các địa phương, sở, ban, ngành rà soát lại đầu tư trang thiết bị hạ tầng của các cơ quan hành chính nhà nước đề có đề xuất kiến nghị đầu tư kịp thời. Các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực CNTT tiếp tục hỗ trợ xây dựng CQĐT. Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức cho đội ngũ cán bộ công chức viên chức, nhân dân, doanh nghiệp để từ đó tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả xây dựng CQĐT, góp phần quan trọng nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh nhà, thúc đẩy vào sự phát triển KT-XH của địa phương.