Ngành Công nghiệp hướng đến mục tiêu tăng trưởng năm 2021

Bằng tinh thần quyết tâm cao, kết thúc quý I, tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá cao, với 46,53% so cùng kỳ năm trước, đạt mức cao thứ hai trong 5 năm qua.

Năm 2021, tỉnh ta đề ra mục tiêu đưa giá trị sản xuất ngành Công nghiệp (CN) tăng khoảng 17-18%, nhằm xác lập vị trí tương xứng trong cơ cấu chung của nền kinh tế tỉnh nhà. Để hoàn thành mục tiêu trên, ngay từ đầu năm, Sở Công Thương bám sát Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chủ động nắm bắt, thu thập thông tin, vận động doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để phát huy năng lực các sản phẩm hiện có. Mặt khác, đơn vị còn tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội đồng đánh giá, lựa chọn Chủ đầu tư Cụm CN Phước Tiến; Quyết định thành lập Cụm CN Phước Tiến... Bằng tinh thần quyết tâm cao, kết thúc quý I, tình hình hoạt động sản xuất CN đạt mức tăng trưởng khá cao, với 46,53% so cùng kỳ năm trước, đạt mức cao thứ hai trong 5 năm qua (năm 2017 tăng 3,40%; năm 2018 tăng 12,80%; năm 2019 tăng 2,70%; năm 2020 tăng 65,98%; năm 2021 tăng 46,53%).

Công ty Cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú (Ninh Sơn) tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Ảnh: V. Nỷ

Trong bức tranh tăng trưởng chung, ngành CN sản xuất và phân phối điện tiếp tục đứng đầu nhờ sản lượng điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) cung cấp lên lưới quốc gia tăng nhanh đã tác động đưa chỉ số sản xuất chung toàn ngành CN tăng trưởng với mức tăng 80,12%, đóng góp tăng 45,2 điểm phần trăm vào chỉ số chung toàn ngành; trong đó, sản lượng điện sản xuất các loại tăng 78,03% so cùng kỳ. Tiếp đến là ngành chế biến, chế tạo tăng 11,26% so cùng kỳ, đóng góp tăng 3,62 điểm phần trăm toàn ngành CN. Một số sản phẩm CN chủ yếu tăng cao trong quý I năm nay so với năm trước, gồm: Bột rau câu tăng 93,6%; đường RS tăng 53,3%; thạch nha đam tăng 35,6%; muối chế biến tăng 25,3%; bia đóng lon tăng 89,5%; sợi xe tăng 26,4%; khăn bông tăng 6,4%; thùng, hộp giấy tăng 14,4%; xi măng tăng 25,3%; điện sản xuất tăng 78%; gạch xây không nung tăng gần 2%; thuốc lá điếu tăng 14,5%...

Theo phân tích của Sở Công Thương, chỉ số tăng trưởng của ngành CN trong quý I là rất đáng mừng, tuy nhiên đánh giá một cách toàn diện cho thấy, trong 24 sản phẩm chủ lực của ngành chỉ có 12 sản phẩm tăng trưởng khá do chủ động nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, một nửa sản phẩm còn lại đã có sự giảm sản lượng đáng kể do còn ảnh hưởng thị trường tiêu thụ bởi dịch COVID-19. Cụ thể, muối biển giảm đến 57,3% (nguyên nhân do lượng muối tồn kho của năm trước còn nhiều đến cuối tháng 2-2021 vẫn còn gần 300.000 tấn các loại. Mặt khác, do giá muối tiêu thụ trong quý I-2021 giảm 25% so cùng kỳ 2020; cụ thể quý I-2020 giá bán bình quân 77 đồng/kg, nhưng sang quý I-2021 giá giảm bình quân còn 580 đồng/kg); bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, quần dài, quần yếm, quần soóc cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc giảm 33,8%; gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) giảm 20%; tinh bột sắn, bột dong riềng giảm 17,3%; hạt điều khô giảm 14,9%; nước yến và nước bổ dưỡng khác giảm 10,6%; phân vi sinh giảm 9,1%; các loại đá lót, đá lót lề đường và phiến đá lót đường, bằng đá tự nhiên (trừ đá phiến) giảm 9,1%... Kết quả trên đã tác động làm ngành CN khai khoáng giảm 39,58% so với cùng kỳ.

Công nhân Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Hạ Long thu hoạch muối. Ảnh: Minh Hà

Mặc dù kết quả sản xuất quý I không quyết định cho cả năm 2021, nhưng nếu không nhìn nhận đúng vấn đề thì sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng và làm giảm mức tăng trưởng của ngành, nhất là trước tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường và tình hình nắng hạn đang diễn ra. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, đồng chí Đạo Văn Rớt, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Đơn vị tiếp tục tham mưu UBND tỉnh để có sự chỉ đạo quyết liệt và giải pháp hỗ trợ, nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp phát huy cao nhất năng lực sản xuất. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin đầy đủ các chủ trương, chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh; phối hợp hỗ trợ và đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Trước mắt, trong quý II tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Công Thương thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Thủy điện tích năng Phước Hòa; phê duyệt hướng tuyến đấu nối Nhà máy Điện gió BIM; theo dõi, nắm bắt tình hình đầu tư các dự án năng lượng dự kiến vận hành trong quý II-2021. Trình UBND tỉnh thông qua Đề án và dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Hướng dẫn chủ đầu tư Cụm CN Phước Tiến thực hiện các thủ tục đầu tư hạ tầng cụm CN theo quy định...

Với sự khởi đầu của quý I như đã nêu trên, hy vọng rằng trong năm 2021, ngành CN sẽ có nhiều khởi sắc mới, tạo động lực đưa kinh tế tỉnh nhà ngày càng phát triển, góp phần cùng các đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra.