Ngành Nông nghiệp hoàn thành “nhiệm vụ kép”

Mặc dù bị ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng 3 tháng đầu năm 2021, toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì tăng trưởng khá, tạo tiền đề cho các quý tiếp theo cũng như tiếp tục thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.

Tăng trưởng tốt

Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Theo kết quả ước tính của Cục Thống kê trong quý I-2021, giá trị sản xuất toàn ngành đạt hơn 2.137 tỷ đồng, tăng 7,74% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nông nghiệp tăng 4,56%; lâm nghiệp tăng 8,63%; thủy sản tăng 9,48%. Kết quả tăng trưởng cao nhờ có sự chỉ đạo, điều hành, vào cuộc quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo tỉnh, nỗ lực của các cấp, ngành, người dân và cộng đồng doanh nghiệp cũng như tận dụng được những thuận lợi từ thời tiết, quá trình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, thủy sản…

Cụ thể, kết thúc vụ đông - xuân 2021, toàn tỉnh gieo trồng được 30.556,3 ha cây hàng năm, tăng 20,9% so với cùng kỳ. Cây trồng đang được chăm sóc phát triển tốt; lượng nước tại các hồ chứa trong tỉnh và hồ Đơn Dương ổn định đủ để phục vụ sản xuất. Trong đó, diện tích lúa đông - xuân đạt trên 17.388 ha, tăng 45,2% so với cùng kỳ. Huyện Ninh Phước vẫn là địa phương có diện tích lúa lớn nhất với 5.291,2 ha, tăng 21,1% so với cùng kỳ; Thuận Bắc tăng 2.221 ha; Thuận Nam tăng 1.795,6 ha… Chăn nuôi nhìn chung ổn định. Sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng ước đạt hơn 8.684 tấn, tăng 5,3% so cùng kỳ. Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra các ổ dịch bằng các giải pháp trọng tâm như: Tiêm phòng vắc xin, tiêu độc, khử trùng, thực hiện kiểm dịch và kiểm soát giết mổ.

Nông dân Ninh Phước chăm sóc cây măng tây xanh. Ảnh: V.M

Thủy sản là lĩnh vực có nhiều “điểm sáng”, góp phần tạo ra mức tăng trưởng cao. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 22,5 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 1,3 nghìn tấn, tăng 6,9%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 21,2 nghìn tấn, tăng 5%; sản xuất giống ước đạt 12,8 tỷ con, tăng 26,7% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chăn nuôi trong tỉnh đã tích cực, chủ động tận dụng cơ hội, đa dạng hóa các sản phẩm phù hợp từng phân khúc khác nhau và tận dụng tốt các hiệp định thương mại đã được ký kết... Chỉ tính riêng trong tháng 3-2021, xuất khẩu thủy sản ước đạt 5 triệu USD, tăng 54,4%, nâng kim ngạch xuất khẩu thủy sản quý I ước đạt 11,4 triệu USD, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ.

Phấn đấu tăng trưởng trên 8%

Nhận định thời gian tới dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, cùng với đó, yếu tố bất thường về thiên tai có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nên ngành Nông nghiệp tiếp tục bám sát kịch bản tăng trưởng, thúc đẩy phát triển những lĩnh vực có khả năng tăng trưởng cao để bù vào những lĩnh vực khó đạt, phấn đấu mức tăng trưởng trong quý II tăng hơn 8%, đảm bảo hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ tỉnh giao.

Nông dân Ninh Phước chăm sóc cây táo. Ảnh: Anh Tuấn

Theo đó, toàn ngành tập trung chỉ đạo sản xuất vụ hè-thu năm 2021 gắn với công tác chuyển đổi vụ hè - thu và sản xuất cánh đồng lớn theo kế hoạch của UBND tỉnh; dự báo, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn để điều chỉnh hợp lý kế hoạch cấp nước, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó, tăng cường chỉ đạo sản xuất các cây trồng chủ lực thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt sẽ linh hoạt trong chỉ đạo với từng vùng, từng loại cây, tránh tình trạng sản xuất chạy theo phong trào, tránh tái diễn việc “giải cứu” nông sản.

Tập trung triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ các cơ sở kinh doanh về miễn, giảm thuế; khoanh nợ, dãn nợ ngân hàng; tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực tổ chức sản xuất, từng bước tiếp cận thị trường bền vững theo chuỗi giá trị sản phẩm gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế nhằm phát huy bản sắc, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và niềm tự hào của người dân, thúc đẩy tổ chức và đảm bảo giá trị của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở nông thôn.

Đối với lĩnh vực thủy sản, quyết liệt vận động, hướng dẫn và hỗ trợ ngư dân tham gia khai thác hải sản trên vùng biển xa theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg; chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không chấp hành theo Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31-12-2017 của Chính phủ; hoàn tất việc đánh dấu và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá từ 15 m trở lên. Tăng cường công tác quản lý sản xuất và quản lý giống tôm nuôi phù hợp, kiểm soát tốt dịch bệnh và bảo đảm chất lượng con giống cung cấp, tránh rủi ro về khâu sản xuất để ổn định nguồn cung, nâng cao chất lượng sản phẩm; thúc đẩy các doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội mở rộng thị trường thông qua tăng khả năng cung ứng để bù đắp sản lượng thiếu hụt do các quốc gia cung ứng khác đang chịu tác động tiêu cực do dịch COVID-19 ảnh hưởng sản xuất và chuỗi cung ứng xuất khẩu… Song song đó, ngành cũng đang dồn sức đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành…