Cà Ná: Phát triển nghề khai thác hải sản

Trong những năm gần đây, xã Cà Ná (Thuận Nam) đã vận động ngư dân đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá, trang bị phương tiện hiện đại phục vụ khai thác, đánh bắt xa bờ, nâng cao đời sống ngư dân.

Ông Trần Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cà Ná, cho biết: Toàn xã có 5 thôn, với 2.682 hộ/12.284 nhân khẩu, người dân sống chủ yếu dựa vào khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản. Tính đến đầu năm 2021, toàn xã có 369 tàu cá, với tổng công suất 6.300 CV, chủ yếu là làm nghề vây rút chì, vây rút mùng, pha xúc. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 về khai thác tiềm năng lợi thế biển để phát triển, thời gian qua xã đã tập trung vận động ngư dân đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu thuyền, phối hợp với Chi cục Thủy sản và các ngành mở nhiều lớp đào tạo nghề thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên cho hàng trăm lượt ngư dân, giúp ngư dân nâng cao tay nghề khai thác hải sản. Vận động ngư dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật cải tiến nghề để vương khơi đánh bắt xa bờ, nhân rộng các mô hình đánh bắt hiệu quả, góp phần vào nâng cao hiệu quả khai thác, tăng thu nhập.

Thu mua hải sản tại Cảng cá Cà Ná.

Để phát triển nghề khai thác hải sản bền vững, xã còn khuyến khích ngư dân tổ chức sản xuất theo mô hình tổ, đội đoàn kết. Hiện nay, toàn xã đã thành lập được 38 tổ, đội đoàn kết và 1 nghiệp đoàn nghề cá hoạt động theo phương châm “cùng nghề, cùng ngư trường”. Qua đó, tạo điều kiện cho ngư dân giúp đỡ nhau trong quá trình khai thác hải sản, góp phần nâng cao giá trị sản lượng và giá trị các mặt hàng hải sản. Ngoài ra, xã còn vận động ngư dân kết hợp khai thác hải sản với mở rộng các cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá, coi đó là lợi thế để phát triển, nhằm hướng tới phát triển nghề cá theo chuỗi giá trị; nâng cấp các cơ sở đóng tàu đảm bảo đủ năng lực đóng tàu công suất lớn phục vụ khai thác xa bờ và làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bên cạnh đó, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đảm bảo an toàn cho ngư dân trong quá trình khai thác hải sản trên biển, xã còn phối hợp với Đồn Biên phòng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các chủ tàu cá ký cam kết không sử dụng chất nổ, vật liệu nổ và các hình thức khai thác hải sản mang tính hủy diệt nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển.

Nhờ năng lực tàu thuyền ngày càng phát triển, nên sản lượng khai thác đánh bắt hải sản của xã Cà Ná hàng năm tăng khá. Tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2021, sản lượng khai thác đạt gần 4.000 tấn. Nhiều ngư hộ đã “ăn nên làm ra” với mức thu nhập khá. Ông Đỗ Minh Tuấn, ngư dân thôn Lạc Nghiệp 1, hành nghề lưới mùng, cho biết: Nhờ đầu tư tàu công suất lớn, nên sau mỗi chuyến biển, tàu của gia đình khai thác được 3-4 tấn cá các loại, doanh thu khoảng 50-100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí mỗi bạn tàu được 6-8 triệu đồng/người.

Từ việc đẩy mạnh các giải pháp phát triển nghề khai thác hải sản, đến nay thu nhập bình quân đầu người ở xã Cà Ná đạt 41 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,5%. Để đẩy mạnh nghề khai thác hải sản ngày càng phát triển, theo ông Trần Thanh Tùng, thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, triển khai sâu rộng chính sách phát triển kinh tế biển tới người dân; vận động ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá công suất lớn để vươn khơi bám biển dài ngày. Đồng thời, tập trung vận động ngư dân tiếp tục duy trì và thành lập, nâng cao chất lượng các tổ, đội đoàn kết, nghiệp đoàn nghề cá và các mô hình khai thác đánh bắt hải sản hiệu quả trên biển; chú trọng hỗ trợ ngư dân đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực sản xuất trên biển có chất lượng cao; liên kết với các ngân hàng để tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn đầu tư đóng mới tàu thuyền, nâng cấp cải hoán tàu công suất lớn để vươn khơi bám biển. Qua đó, giúp ngư dân nâng cao thu nhập, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.