Tìm hiểu cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

* Hỏi: Tổng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV được bầu là bao nhiêu người? Việc dự kiến cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV được quy định như thế nào?

- Đáp: Tại cuộc bầu cử lần này, Ủy ban Thường vụ QH đã dự kiến tổng số đại biểu QH khóa XV được bầu là 500 đại biểu.

Điều 8 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định: Căn cứ vào dự kiến số lượng ĐBQH được bầu, sau khi thống nhất ý kiến với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến cơ cấu, thành phần ĐBQH; số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử ĐBQH để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội. Thực hiện quy định nói trên, ngày 23-1-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 1193/NQ-UBTVQH14 để dự kiến số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV.

Dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử ĐBQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được gửi đến Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh.

* Hỏi: Việc phân bổ số lượng ĐBQH được bầu ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do cơ quan nào dự kiến và theo căn cứ nào?

- Đáp: Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền phân bổ số lượng ĐBQH được bầu ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc phân bổ số lượng ĐBQH được bầu ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được xác định theo các căn cứ sau đây:

- Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 3 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương.

- Số lượng đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương, bảo đảm tổng số ĐBQH dự kiến được bầu là 500 người.

- Bảo đảm mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất là 6 ĐBQH.

Dự kiến phân bổ đại biểu Trung ương ứng cử ở địa phương được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

- Đoàn ĐBQH có 6 đại biểu thì có 2 đại biểu Trung ương.

- Đoàn ĐBQH có 7 đại biểu thì có 3 đại biểu Trung ương.

- Đoàn ĐBQH có 8 đại biểu thì có 3-4 đại biểu Trung ương.

- Đoàn ĐBQH có 9 đại biểu thì có 4 đại biểu Trung ương.

- Đoàn ĐBQH có 11 đến 14 đại biểu thì có 5-7 đại biểu Trung ương.

- Đoàn ĐBQH có 29-30 đại biểu thì có 14-15 đại biểu Trung ương.

Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy