Cây Tất Bạt

Còn gọi là tiêu lốt, tiêu hoa tím, morech ton sai (Cămpuchia)

Mô tả cây

Cây bò ở phần gốc, cành mang hoa, thẳng đứng không lông. Lá có cuống ngắn, phiến lá hình trứng thuôn, nhọn ở đỉnh, hình tim ở gốc lá, cuống lá hơi phủ lông, có bẹ ở gốc.

Hoa đơn tính, mọc thành bông. Bông đực có trục nhẵn, lá bắc tròn nhị 2, chỉ nhị rất ngắn, bao phấn hình bầu dục. Bông cái ngắn hơn, trục cũng không có lông, lá bắc tròn có cuống ngắn. Bầu mang 3 nhuỵ hình trứng nhọn đầu. Quả mọng. Mùa ra hoa tháng 3.

Cây mọc hoang ở niền Bắc và miền Nam nước ta. Quả được hái lúc còn xanh, phơi hay sấy khô làm thuốc với tên tất bạt. Người ta còn dùng cả rễ có đường kính khi tươi 3-4mm, phơi hay sấy khô.

Công dụng và liều dùng

Tất bạt có vị cay, tính đại ôn, vào hai kinh vị và đại tràng, có tác dụng ôn trung, tán hàn, hạ khí, chỉ thống. Thường dùng chữa đau bụng, nôn mửa, ỉa chảy, nhức đầu, mũi chảy nước, viêm tuyến vú, đau răng.

Ngày dùng 2 đến 4g dưới dạng thuốc sắc hay tán bột.

Đơn thuốc có tất bạt

Chữa chảy nước mũi: Tán nhỏ tất bạt thổi vào mũi.

Chữa thiên đầu thống: Tán nhỏ tất bạt, ngậm một ngụm nước nóng, đau bên đầu nào thì hít khoảng 0,4g bột tất bạt vào mũi bên đó.

Chữa sâu răng: Tán tất bạt với hồ tiêu, thêm ít sáp ong vê thành viên nhỏ bằng hạt vừng. Cho vào nơi răng đau 1-2 hạt .